Tiếng Việt | English

24/12/2017 - 05:55

Tiền Giang còn gần 800 tàu đánh bắt xa bờ đang trên biển

Tiền Giang đã lên phương án sơ tán hơn 77.500 dân. Trong tổng số 1.355 chiếc tàu của tỉnh vẫn còn 789 chiếc với hơn 5.000 người đang hoạt động trên biển.

Một đoạn đê xung yếu thuộc tuyến đê biển Tân Thành bị xói lở phải che bạt - Ảnh: THANH TÚ

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có 1.355 chiếc tàu đang hoạt động đánh bắt cá trên biển. Đến chiều 23/12 đã có 566 tàu với hơn 4.454 người vào bờ hoặc vào nơi tránh trú an toàn. 

Như vậy, số tàu đang hoạt động trên biển hiện còn 789 chiếc với 5.035 người và Bộ chỉ huy biên phòng vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với số tàu này.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết đêm 25/12 bão sẽ áp sát bờ tại địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tại buổi triển khai công tác ứng phó và phòng chống thiệt hại do bão Tembin diễn ra tối 23/12, ông Pháp thông tin rằng vào lúc 16h chiều tỉnh đã cấm mọi tàu thuyền ra khơi, đồng thời kêu gọi tàu thuyền còn đang hoạt động về nơi tránh trú an toàn.

Tỉnh cũng lên phương án sơ tán 77.539 người vào tránh trú nơi an toàn, theo đó sẽ sơ tán theo hai phương án tùy theo thực tế cấp độ bão.

"Trong trường hợp bão dưới cấp 10 sẽ sơ tán 36.580 người dân sống ngoài đê, vùng ven biển, ven cửa sông... Trường hợp bão trên cấp 10 sẽ sơ tán 77.539 người", ông Pháp nói.

Cũng theo ông Pháp, tại các vị trí đê xung yếu, lực lượng chức năng đã phân công người trực 24/24 giờ để kịp thời ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Tỉnh này cũng chuẩn bị sẵn 151 xe khách (trên 4.000 chỗ) để sẵn sàng sơ tán dân trong vòng 2 giờ, đồng thời cân nhắc phương án cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học trong hai ngày 25 và 26/12.

Tàu đánh bắt gần bờ về neo đậu tại một con rạch thuộc xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông - Ảnh: THANH TÚ

Theo ông Võ Văn Thông, giám đốc Đài khí tượng thủy văn Tiền Giang, dự báo khi bão đổ bộ vào đất liền, cường độ bão sẽ giảm, trong đó tại Tiền Giang hoàn lưu bão sẽ còn cấp 6, cấp 7.

Ông Thông nói rằng nơi đáng lo ngại nhất ở Tiền Giang là huyện cù lao Tân Phú Đông và huyện Gò Công Đông. 

Huyện Tân Phú Đông đã lên phương án sơ tán dân qua hai huyện lân cận như Gò Công Tây và Chợ Gạo.

Còn tại huyện Gò Công Đông, ông Trần Văn Thành, chủ tịch UBND huyện, cho hay đã có hơn 200 tàu đánh bắt gần bờ được kêu gọi vào bờ an toàn, còn 71 chòi nghêu và các hộ đăng đáy sông Cầu thì đã vào bờ từ chiều 23/12./.

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết