Tiếng Việt | English

24/09/2017 - 08:22

Nhiều trường đại học bất ngờ tăng học phí: Đích đến của tự chủ?

Các trường đại học phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính.

Ngay từ đầu năm, một số trường đại học tự chủ không thông báo việc tăng học phí khiến thí sinh không có cơ hội lựa chọn trường học, ngành học phù hợp với điều kiện gia đình. Chỉ đến lúc nhập học, thí sinh mới “tá hỏa” khi biết nhà trường tăng học phí.

Bất ngờ tăng gấp 3-4 lần

Dù quy chế tuyển sinh đã quy định, phải công khai mức học phí dự kiến ngay từ đầu năm, nhưng nhiều trường không thực hiện quy định này.

Nhiều thí sinh đã đăng ký xét tuyển xong mới “té ngửa” vì chọn phải trường có mức học phí cao
Nhiều thí sinh và phụ huynh bức xúc cho rằng, nếu biết trước trường tăng học phí thì sẽ không nhập học, giờ đã trót vào trường rồi thì “đi cũng dở mà ở không xong”.

Năm học mới bắt đầu, niềm vui là tân sinh viên (SV) chưa được bao lâu thì nhiều SV Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch lại lo lắng vì học phí từ năm 2018 sẽ tăng từ 3,4 - 4,1 lần, lên tới 4,4 triệu đồng/tháng đối với ngành bác sĩ đa khoa.

Điều đáng nói, tháng 3/2017 (thời điểm trước khi thí sinh đăng ký dự thi), trường này công bố đề án tuyển sinh trên web của Bộ GD-ĐT nhưng thông tin về học phí không đúng với quy chế mà mập mờ với câu: “Nhà trường sẽ công bố trên web sau khi được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt đề án tự chủ tài chính”. Và mức học phí tăng dự kiến cũng là mức tăng cao nhất.

Đây là năm đầu tiên trường được tuyển sinh trên phạm vi toàn quốc thay vì chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu TP. Hồ Chí Minh như các năm trước, nên SV ngoại tỉnh sẽ không được cấp bù ngân sách. So với mức học phí hiện tại chỉ 1,07 triệu đồng/sinh viên/tháng thì học phí một số ngành của trường tăng từ 3,4 - 4,1 lần. Học phí hằng tháng của trường giai đoạn 1 từ tháng 9 đến tháng 12/2017 dự tính như sau: Đối với SV có hộ khẩu TP. Hồ Chí Minh là 1,07 triệu đồng. Đối với SV không có hộ khẩu tại TP. Hồ Chí Minh là 2,2 triệu đồng.

Giai đoạn 2 từ tháng 1/2018, sau khi được UBND thành phố phê duyệt đề án tự chủ tài chính theo nhóm tự chủ toàn phần, mức thu học phí sẽ được thu theo nghị định 86/2015/NĐ-CP cho các trường đại học thuộc nhóm 1. Mức học phí các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Dược sĩ đại học, Cử nhân khúc xạ thu 4,4 triệu đồng/SV/tháng (10 tháng là 44 triệu đồng/SV/năm). Các ngành còn lại từ 3-3,6 triệu đồng/SV/tháng.

Cũng theo quy định của Chính phủ, mức thu học phí bình quân tối đa của Trường Đại học Y dược Cần Thơ (áp dụng cho chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) năm học 2017 - 2018 là 18 triệu đồng/SV/năm. Bắt đầu từ năm học 2018 - 2019 là 19,2 triệu đồng/SV/năm và năm học 2019 - 2020 là 20,4 triệu đồng/SV/năm; năm học 2020 - 2021 là 21,6 triệu đồng/SV/năm. Đối với các ngành đào tạo bác sĩ, dược sĩ, cử nhân theo nhu cầu xã hội, trường được quyết định mức học phí không vượt quá mức trần học phí tương ứng quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ (tối đa 44 triệu đồng/SV/năm).

Một SV học ngành y bày tỏ băn khoăn về việc tăng học phí quá đột ngột và quá cao của các trường hiện nay rằng cứ đà này thì chỉ thí sinh có điều kiện mới đi học ngành y, hay những ngành hot nhất trong các trường đại học; còn thí sinh nhà nghèo, dù có muốn cũng đành ngậm ngùi vì không đủ tiềm lực kinh tế để theo.

Tương tự, Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng thông báo sẽ áp dụng thu mức học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà, trình độ đại học chính quy năm học 2017 - 2018 là 14 triệu đồng/SV/năm - tăng gấp đôi so với trước.

Sinh viên nên chấp nhận “cuộc chơi”?

Hiện Chính phủ đang soạn thảo nghị định về cơ chế của các trường đại học, cao đẳng, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 100% các trường hoạt động tự chủ. Khi các trường tiến hành tự chủ, nguồn kinh phí chi thường xuyên “bao cấp” của Nhà nước sẽ bị cắt. Để có kinh phí tiếp tục thực hiện các hoạt động đào tạo, các trường đại học sẽ buộc phải tăng học phí.

Mức thu cho phép ở một số trường như Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho năm 2017-2018 là 17,5 triệu đồng/SV/năm. Tuy nhiên đây là mức học phí cho chương trình đại trà, còn các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học phí sẽ gấp nhiều lần.

Chẳng hạn, các chương trình đào tạo đặc biệt như chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo tài năng, kỹ sư chất lượng cao PFIEV của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mức học phí tính theo tín chỉ từ 320.000 - 460.000 đồng/tín chỉ, khoảng 16-23 triệu đồng/năm. Lộ trình tăng học phí của chương trình này đối với năm học sau cũng sẽ thêm 40.000 đồng/tín chỉ so với năm trước. Mức học phí các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là 25 triệu đồng/năm.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, SV nên chấp nhận “cuộc chơi”, coi việc vào đại học như một phi vụ đầu tư cho tương lai. Bởi vì trước sau thì 100% các trường đại học sẽ được giao quyền tự chủ và áp dụng mức thu học phí mới.

Cần đẩy nhanh xu hướng tự chủ đại học để tránh những bất hợp lý trong hệ thống giáo dục. Đó là trường tự chủ trước thì học phí cao, trường chưa tự chủ thì học phí thấp.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Các trường đại học phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính. Tuy nhiên, khi các trường thực hiện tăng học phí sẽ gây khó khăn lớn cho đông đảo người dân có thu nhập thấp có con học đại học. Bên cạnh đó, tăng học phí có đi đôi với nâng cao chất lượng vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ!

“Tôi cho rằng, giáo dục phổ thông càng bao cấp nhiều càng tốt, giáo dục đại học thì càng tự chủ càng tốt để các trường cạnh tranh với nhau bằng chất lượng, nâng thu nhập cho giảng viên, giữ chân người tài...”

PGS.TS Trần Văn Tớp

 Hoàng Dũng/Báo VOV

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích