Tiếng Việt | English

20/11/2019 - 09:28

Tận tâm với nghề

Dù công tác ở vùng biên giới xa xôi hay thành thị, các thầy, cô giáo vẫn ngày ngày lên lớp bằng sự tận tâm với nghề. Những “người lái đò” ấy đã đưa biết bao thế hệ học trò cập bến bờ tri thức bằng chính tình yêu nghề của mình.

Cô Phan Thị Cẩm Thúy bên những “đứa con” của mình

Hết lòng vì học sinh

32 năm gắn bó với nghề, cô Phan Thị Cẩm Thúy - giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 5A1, Trường Tiểu học và THCS Nhơn Hòa Lập (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), đã đưa rất nhiều thế hệ học trò cập bến bờ tri thức và có biết bao kỷ niệm đẹp với những “đứa con” của mình. Những kỷ niệm ấy là gia tài vô giá mà cô Thúy luôn trân quý.

19 tuổi, cô giáo trẻ vùng hạ Cần Đước về huyện Tân Thạnh của vùng Đồng Tháp Mười công tác. Đó là năm 1987, điều kiện dạy học còn khó khăn nhưng vẫn không làm lung lay tình yêu nghề, yêu trẻ của cô Thúy. Bởi, khi chọn theo đuổi nghề giáo là cô xác định gắn bó lâu dài và phải hết lòng vì học sinh (HS).

Cô Thúy kể: “Ngày ấy, phòng học rất đơn sơ, vách bằng lá, ghế bằng tre. Mùa mưa, phòng học bị dột, cô, trò chịu cảnh ướt mem là chuyện bình thường. Nhưng bù lại, tình cảm cô và trò, giáo viên và phụ huynh rất khắng khít. HS ngoan hiền, phụ huynh thì quý thầy cô như người thân trong gia đình. Đó là động lực lớn để GV chúng tôi bám trường, bám lớp và dành hết tâm sức dạy dỗ học trò”.

Bằng cái tâm và trách nhiệm của GV, cô Thúy luôn chọn những phương pháp dạy hay và hiệu quả để áp dụng. Trong đó, cô chú trọng phương pháp lấy HS làm trung tâm nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo của từng cá nhân; đồng thời, hình thành thói quen làm việc nhóm và tự quản cho các em.

“Trong một nhóm, tôi thường chia nhiều đối tượng HS. Những em năng động, tiếp thu bài nhanh sẽ hỗ trợ, giúp đỡ những bạn nhút nhát, tiếp thu bài chậm. Nhiệm vụ được phân công tùy vào khả năng của mỗi em. Dù nhiệm vụ khó hay dễ, mỗi cá nhân đều là mảnh ghép quan trọng của cả nhóm, quyết định sự thành công trong thực hiện nhiệm vụ chung. Nhờ phương pháp học này, HS biết giá trị bản thân và tự tin, năng động hơn” - cô Thúy bộc bạch.

Đi kèm với phương pháp lấy HS làm trung tâm, cô Thúy còn sử dụng những dụng cụ hỗ trợ đắc lực cho giảng dạy. Đó là những bức tranh sinh động do cô sưu tầm, đồ dùng dạy học tự làm hay những tiết ứng dụng công nghệ thông tin với màn hình máy chiếu. Nhờ đó, HS càng thích thú học tập hơn và nhiệt tình tham gia xây dựng bài học.

Với sự tận tâm và nỗ lực không ngừng, năm học 2014-2015, cô được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2016-2017 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, năm học 2018-2019 được đề nghị nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Niềm vui lớn nhất là sự tiến bộ của học trò

Không để môn học trở nên khô khan, khó hiểu, cô Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - GV môn Toán, Trường Tiểu học và THCS Võ Văn Kiệt (xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường), đổi mới phương pháp giảng dạy và dốc sức trong việc bồi dưỡng, phụ đạo HS của mình. Đó cũng là một trong những lý do cô Hạnh trở thành GV tiêu biểu của trường và đạt GV giỏi cấp tỉnh năm 2018.

Gần 20 năm gắn bó với nghề, cô Hạnh chưa bao giờ tự mãn hay hài lòng với kiến thức đã có, thành tích đã đạt mà luôn nỗ lực tìm tòi, cập nhật kiến thức mới. Trong giảng dạy, cô luôn chọn phương pháp hay, hiệu quả và phù hợp với nội dung bài giảng. Cô tự thiết kế và làm nhiều đồ dùng dạy học tương ứng với các nội dung bài giảng giúp môn Toán trở nên dễ hiểu hơn với HS. Trong đó, cô thường xuyên sử dụng hình ảnh để giải thích lý thuyết một cách cụ thể, rõ ràng. Một số tiết học, cô áp dụng giáo án điện tử, dạy với máy chiếu, tạo sự hứng thú học tập cho HS.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Hạnh luôn theo sát học sinh trong quá trình giảng dạy

Bên cạnh đó, cô chú trọng phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu của HS. Trong tiết học của cô, mỗi bàn học là một đôi bạn cùng tiến, gồm 1 bạn học giỏi và 1 bạn tiếp thu bài còn chậm. Theo đó, các bạn sẽ dò bài, nhắc nhở nhau học tập và bạn học giỏi có thêm nhiệm vụ kèm, hỗ trợ bạn tiếp thu bài còn chậm. Các nhóm tiến bộ rõ nét được cô Hạnh tuyên dương. Bên cạnh đó, cô còn khuyến khích HS tự tìm tòi, mở rộng kiến thức toán thông qua tham gia Câu lạc bộ Toán của trường, đọc sách nâng cao,...

Cô Hạnh tâm sự: “Ngoài dạy các tiết học chính khóa, tôi dành thêm thời gian bồi dưỡng HS giỏi nhằm giúp các em phát huy năng lực, khả năng tư duy và phụ đạo HS yếu để các em lấy lại kiến thức căn bản, tự tin hơn với môn Toán. Niềm vui lớn nhất của tôi là sự tiến bộ của học trò. Đó vừa là món quà quý giá, vừa là động lực để tôi không ngừng nỗ lực và cố gắng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy”.

Phát huy năng khiếu của học sinh

Không để HS căng thẳng hay mệt mỏi, cô Nguyễn Thị Bích Huyền (48 tuổi) - GV Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (phường 3, TP.Tân An), đổi mới phương pháp giảng dạy giúp tiết học Mỹ thuật trở nên vui nhộn và thú vị. Nhiều HS phát huy khả năng sáng tạo và năng khiếu thông qua tiết học của cô.

Môn Mỹ thuật đòi hỏi sự cảm thụ về cái đẹp và sáng tạo nên cô Huyền luôn chú trọng tạo không khí lớp học vui vẻ, thoải mái. Mỗi HS không phải chịu bất kỳ áp lực nào đối với môn học mà có thể tự do sáng tạo theo lối tư duy riêng của mình dựa trên kiến thức nền mà cô Huyền cung cấp. Tùy theo chủ đề tiết học, HS mang theo những dụng cụ học tập riêng. Đó không chỉ là giấy A4, bút chì màu, keo dán, kéo mà còn là những vật dụng từ thiên nhiên như lá cây, hoa khô, hạt gạo hay len, hạt cườm, hộp giấy và rác thải nhựa. Tùy theo chủ đề cô Huyền đưa ra, HS tạo ra những sản phẩm liên quan theo trí tưởng tượng và sở thích của mình. Từ đó, nhiều sản phẩm là các bức tranh hay mô hình về thầy cô, mái trường, thiên nhiên, động vật,... được ra đời. 

Những sản phẩm sáng tạo của học sinh từ phương pháp dạy hiệu quả của cô Nguyễn Thị Bích Huyền

Cô Huyền cho biết: “Tôi dạy học theo phương pháp Đan Mạch. Theo đó, HS được tham gia hoạt động cá nhân trước, sau đó là hoạt động nhóm từ kết quả của hoạt động cá nhân, kết thúc là HS trình bày về ý tưởng thực hiện nội dung hoạt động nhóm của mình hoặc thể hiện lại qua cách diễn kịch ngắn. Kết quả cuối cùng hoàn toàn là sức lao động và trí tuệ của tập thể nhóm. Có những nhóm sáng tạo và thể hiện sự hiểu biết rất tốt. Tôi phát hiện nhiều HS có năng khiếu đặc biệt và tạo điều kiện để các em phát huy hơn nữa”.

Ngoài dạy các em về kiến thức mỹ thuật và phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, thông qua các bài học, cô Huyền còn lồng ghép dạy đạo đức, kỹ năng sống. Bởi đó là những bài học quan trọng và rất cần thiết với các em, đặc biệt ở lứa tuổi cấp 1.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, những cống hiến của cô Huyền được ghi nhận: Năm học 2016-2017, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; năm học 2017-2018 là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; năm học 2018-2019 được đề nghị tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Các thầy, cô giáo luôn tận tụy với nghề như thế, góp cho đời những “mật ngọt, hương thơm”, cố gắng đào tạo từng thế hệ học trò đủ tài, đức để góp sức xây dựng và phát triển quê hương, đất nước./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết