Tiếng Việt | English

27/07/2020 - 09:03

58 năm tù cho nhóm đối tượng làm giả chứng thư lừa đảo hàng chục tỉ đồng

Nhóm bị cáo do Trương Văn Tài chủ mưu đã sử dụng chứng thư bảo lãnh giả để lừa đảo hàng chục tỉ đồng thông qua việc mua bán hàng hóa.

Bị cáo Trương Văn Tài - chủ mưu vụ án tại phiên tòa xét xử
Bị cáo Trương Văn Tài - chủ mưu vụ án tại phiên tòa xét xử

Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Long An vừa mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Trương Văn Tài, 42 tuổi, ngụ xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tài Ý (Cty Tài Ý), về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Ngoài Tài là đối tượng chủ mưu, vụ án này còn có 2 bị cáo với vai trò đồng phạm là Hà Vương Quốc và Trần Quang Dũng.

Theo cáo trạng truy tố, tháng 7/2012, Cty Tài Ý gặp khó khăn về tài chính, không có tài sản, vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh, thiếu nợ ngân hàng 650 triệu đồng và nợ tiền một số doanh nghiệp, cá nhân khác chưa trả được. Để tiếp tục hoạt động, Tài liên lạc Phó Giám đốc kinh doanh phụ trách miền Tây của Cty Cổ phần EWOS Việt Nam (Cty EWOS) - Trần Văn Cao, tọa lạc Khu công nghiệp Long Cang - Long Định, huyện Cần Đước, đặt vấn đề mua thức ăn thủy sản bằng hình thức thế chấp hoặc tín chấp. Do phía Cty EWOS chỉ bán hàng thanh toán tiền mặt hoặc qua chứng thư bảo lãnh của ngân hàng nên Tài nhờ người vay vốn tại các ngân hàng nhưng không được chấp nhận.

Đến đầu tháng 8/2012, Tài biết Trần Quang Dũng đang uống cà phê gần trụ sở UBND TP.Cần Thơ nên chủ động mời ông Cao đến gặp. Để tạo lòng tin với ông Cao, Tài giới thiệu Dũng là “sếp Quang” - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB và là cổ đông tại nhiều ngân hàng khác như An Bình, Techcombank,… Đồng thời, Tài giới thiệu cho Dũng biết ông Cao là đại diện của Cty EWOS, đối tác mà Cty Tài Ý đang thỏa thuận mua thức ăn thủy sản trả chậm bằng chứng thư bảo lãnh. Sau một số lần gặp, thấy Tài nhiệt tình, Dũng đã nhận lời làm chứng thư bảo lãnh thanh toán theo yêu cầu của Tài và thỏa thuận nhận 10% tiền công trên giá trị bảo lãnh chứng thư sau khi Cty Tài Ý nhận được hàng từ đối tác. Được Dũng đồng ý làm chứng thư, Tài liên hệ với ông Cao đề xuất phía Cty EWOS bán thức ăn cho Cty Tài Ý. Các thông tin đến việc làm chứng thư được Quốc nhận từ Tài rồi chuyển lại cho Dũng.

Ngày 14/8/2012, Cty Tài Ý và Cty EWOS ký kết hợp đồng mua bán thức ăn thủy sản với phương thức trả chậm bằng chứng thư bảo lãnh. Tài đã giao chứng thư bảo lãnh thanh toán được làm giả của Ngân hàng TMCP An Bình Chi nhánh TP.HCM trị giá 20 tỉ đồng để ông Cao gửi về Cty EWOS kiểm tra, đối chiếu. Từ ngày 23/8 đến 13/10/2012, Cty EWOS đã giao cho Cty Tài Ý hơn 1.730 tấn thức ăn thủy sản với giá trị gần 20 tỉ đồng.

Đến tháng 9/2012, Tài tiếp tục cần thêm nguồn vốn kinh doanh nhưng Cty Tài Ý không thể nhận hàng thêm của Cty EWOS do chưa thanh toán xong các khoản mua hàng trước đó. Vì vậy, Tài đã thuyết phục và dùng pháp nhân của Cty TNHH Thái Thanh Tùng (Cty Thái Thanh Tùng), do Huỳnh Văn Thanh Tùng (41 tuổi, ngụ huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) làm giám đốc để mua thức ăn thủy sản của Cty EWOS.

Ngày 13/9/2012, Tài và Tùng làm thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, trong đó, Tài giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên do có góp vốn 2,5 tỉ đồng và bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh về lĩnh vực thủy sản. Lần này, Dũng làm giả chứng thư bảo lãnh trị giá 30 tỉ đồng của Ngân hàng Techcombank Chi nhánh TP.HCM để giao cho Tài về thực hiện hợp đồng mua bán thức ăn thủy sản với Cty EWOS.

Sau khi hợp đồng được ký kết, Cty EWOS đã xuất bán cho Cty Thái Thanh Tùng gần 1.540 tấn thức ăn, trị giá trên 17 tỉ đồng. Số thức ăn này, Tài cho nhân viên Cty Tài Ý đến lấy dưới danh nghĩa Cty Thái Thanh Tùng. Trong các lần thực hiện việc giao - nhận các chứng thư bảo lãnh giả đều có mặt của Tài, Quốc và Dũng.

Đến ngày 29/11/2012, do có nhiều hóa đơn đến hạn thanh toán nhưng bị cáo Tài chưa trả tiền nên Cty EWOS gửi văn bản đến các ngân hàng đã phát hành chứng thư yêu cầu thanh toán tiền theo như cam kết trước đó. Tuy nhiên, các ngân hàng phản hồi lại không phát hành chứng thư bảo lãnh cho Cty Tài Ý và Cty Thái Thanh Tùng nên không có trách nhiệm thanh toán theo 2 chứng thư này. 

Ngay sau khi phát hiện sự việc, Cty EWOS trực tiếp liên hệ với Tài, đồng thời ngưng giao thức ăn cho Cty Thái Thanh Tùng như đã thỏa thuận. Tại các cuộc gặp, Tài xin lãnh đạo Cty EWOS tiếp tục giao thức ăn để Tài đầu tư vào vùng nuôi đang dang dở vì nếu ngưng cung cấp thức ăn thì sẽ không thể thu hoạch cá, không có tiền để thanh toán các khoản nợ cho Cty EWOS. Do tin tưởng vào phương án của Tài nên phía Cty EWOS tiếp tục xuất hơn 201 tấn thức ăn thủy sản cho Cty Thái Thanh Tùng. Tuy nhiên, Tài chỉ sử dụng khoảng 100 tấn để đầu tư vào vùng nuôi, số còn lại bán ra ngoài với giá rẻ để lấy tiền trang trải các hoạt động của Cty Tài Ý.

Theo các tài liệu trong hồ sơ vụ án, xác định nguồn thức ăn thủy sản Tài mua từ Cty EWOS chủ yếu được Tài bán ra thị trường với giá rẻ hơn nhiều so với giá nhập và một phần nhỏ dùng vào việc đầu tư cho các hộ chăn nuôi cũng như đổi thức ăn lấy cá thương phẩm. Số tiền thu được từ việc bán thức ăn được Tài chi vào việc trả hoa hồng cho Dũng và Quốc trong các lần làm chứng thư giả, trang trải hoạt động của Cty và tiêu xài cá nhân. Đến nay, Tài còn nợ lại Cty EWOS với số tiền trên 33,6 tỉ đồng.

Mặc dù trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và điều tra lại, cũng như tại phiên tòa, bị cáo Tài không nhận tội, luôn cho mình bị oan và khẳng định không biết 2 chứng thư bảo lãnh thanh toán trước đó là giả. Tuy nhiên, với các tài liệu, chứng cứ do Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát thu thập và đã được Hội đồng xét xử thẩm tra công khai tại phiên tòa, có đủ cơ sở kết luận bị cáo Trương Văn Tài là người chủ mưu, các bị cáo Dũng và Quốc thực hiện với vai trò giúp sức để Tài lừa Cty EWOS bán thức ăn thủy sản cho bị cáo chiếm đoạt số tiền trên 33,6 tỉ đồng.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố khẳng định, hành vi của các bị cáo rất tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện sự xem thường pháp luật, gây bất ổn định môi trường đầu tư, gây hoang mang cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Trong vụ án này, bị cáo Tài là người chủ mưu, thuê bị cáo Dũng và bị cáo Quốc làm giả 2 chứng thư bảo lãnh thanh toán và trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền rất lớn. Bị cáo Dũng là người trực tiếp thực hiện hành vi làm giả 2 bảo lãnh thanh toán, tạo điều kiện cho bị cáo Tài lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Cty EWOS. Còn bị cáo Quốc có vai trò giúp sức cho bị cáo Dũng và bị cáo Tài.

Trước những chứng cứ có trong vụ án cùng quá trình xét xử công khai tại phiên tòa, sau 3 ngày xét xử, Hội đồng xét xử TAND tỉnh quyết định tuyên phạt bị cáo Tài mức án 18 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 6 năm tù về tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Tài phải chấp hành mức án 24 năm tù. Đối với bị cáo Dũng phải chịu mức án 18 năm tù và bị cáo Quốc phải chịu mức án 16 năm tù cho 2 tội danh trên./.

Kiên Định

 

Chia sẻ bài viết