Tiếng Việt | English

28/08/2021 - 16:01

Chính phủ sẽ có giải pháp năm học mới, bảo đảm an toàn trường học gắn với tiêm vắc-xin

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, tổ chức vào ngày 28/8. Cùng điều hành hội nghị có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) – Nguyễn Kim Sơn. Điểm cầu Long An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa dự.

Tại điểm cầu Long An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Văn Được chủ trì hội nghị

Năm học 2020 - 2021, toàn quốc có hơn 47.000 cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông và các trường đại học với hơn 24 triệu học sinh, sinh viên. Năm học qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành GD&ĐT đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) học kỳ II bảo đảm nội dung cốt lõi, nền tảng; đồng thời vận dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến, điều chỉnh quy định đánh giá năm học.

Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của toàn ngành Giáo dục nhằm thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, hoàn thành mục tiêu kép vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt nhằm bảo đảm quyền lợi và tiếp cận công bằng cho học sinh.

Năm học 2020 - 2021, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát quy hoạch, dồn điểm trường lẻ, sát nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình Giáo dục mầm non, GDPT. Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục có sự chuyển biến tích cực, các địa phương ưu tiên đầu tư một số hạng mục phục vụ triển khai Chương trình GDPT 2018 như phòng học, phòng chức năng, phòng học bộ môn,... Năm học 2020 - 2021, cả nước có 593.808 phòng học, tăng 3.504 phòng so với năm học trước.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Long An có Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa (bìa phải)

Công tác triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1 hoàn thành đúng kế hoạch, bảo đảm chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành. Chất lượng GDPT mũi nhọn tiếp tục được Quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả thi Olympic năm 2021, với 37/37 học sinh dự thi đều đạt giải.

Các cơ sở Giáo dục đại học ngày càng chủ động hơn trong việc định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Năm 2020, lần đầu tiên một tạp chí khoa học của Việt Nam được lọt vào danh sách 25% tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới. Chất lượng Giáo dục đại học có những cải thiện rõ. Năm 2021, Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng Quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025.

Bên cạnh đó, năm học qua, ngành Giáo dục vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, việc sắp xếp lại cơ sở Giáo dục Mầm non, GDPT ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa; thiếu quỹ đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Mạng lưới các cơ sở Giáo dục đại học chưa được quy hoạch tổng thể và lâu dài, thiếu khả năng liên kết vùng để tạo sự dịch chuyển của lực lượng lao động giữa các địa phương. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học,…

Năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục hoàn thành mục tiêu kép vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch năm học

Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm: Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về pháp triển GD&ĐT; chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành Giáo dục thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra đánh gia; tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021 - 2022;…

Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính kêu gọi toàn thể thầy, cô giáo, phụ huynh, học sinh và toàn thể nhân dân nêu cao tinh thần chống dịch

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả đạt được của ngành Giáo dục trong năm học 2020 - 2021.Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ có giải pháp năm học mới, bảo đảm an toàn trường học gắn với tiêm vắc-xin; đề nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ GD&ĐT triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em 12 tuổi trở lên. Thủ tướng kêu gọi toàn thể thầy, cô giáo, phụ huynh, học sinh và toàn thể nhân dân nêu cao tinh thần chống dịch, một người vì mọi người, mọi người vì mỗi người, tất cả vì tương lai con em chúng ta, chống dịch vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người.

Thủ tướng chỉ đạo ngành Giáo dục cần có giải pháp giúp học sinh thích học lịch sử, hứng thú tìm hiểu văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc. Từ đó, học sinh được bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; đồng thời có những giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn Tin học, Ngoại ngữ. Tổ chức các hoạt động phong trào liên quan đến Tin học, Ngoại ngữ và Vệ sinh môi trường. Ngành Giáo dục phải đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, trường học là nền tảng và thầy, cô giáo là động lực; theo đó tất cả vì thế hệ trẻ,…/.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết