Tiếng Việt | English

08/01/2024 - 10:00

Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

Thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg, ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp đến năm 2025”, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Long An triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho HSSV; đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để HSSV hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Trao giải cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” năm 2023

Trao giải cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” năm 2023

Hệ sinh thái phong phú

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn duy trì, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên (TN) và xem đây nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Tỉnh Đoàn chủ động ký kết các chương trình phối hợp với 9 tổ chức hỗ trợ, thúc đẩy kinh doanh cho TN; đồng thời, kêu gọi 15 quỹ, nhà đầu tư giai đoạn sơ khởi cho các ý tưởng, dự án (DA) khởi nghiệp, tạo điều kiện để đoàn viên (ĐV), TN tham gia các hoạt động giao lưu, gặp gỡ các chuyên gia, tiếp cận các nguồn quỹ, vốn hỗ trợ khởi nghiệp;...

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn - Lê Thị Hồng Kết chia sẻ: “Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách về khởi nghiệp, lập nghiệp qua nhiều kênh khác nhau; luôn đồng hành cùng ĐVTN, HSSV trong xây dựng các mô hình kinh tế mới, phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế; giúp TN vùng nông thôn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các thủ tục, vốn vay, hướng dẫn xây dựng sản phẩm chất lượng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm”.

Tỉnh Đoàn còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện khởi nghiệp sáng tạo thu hút đông đảo ĐV, hội viên, HSSV tham gia. Năm 2023, Tỉnh Đoàn tập trung tư vấn, hướng nghiệp vào các đối tượng HS cuối cấp, chuẩn bị tốt nghiệp, qua đó, tiếp cận được trên 45.000 ĐVTN, HS; tổ chức nhiều cuộc thi, diễn đàn, buổi giao lưu, lớp tập huấn liên quan đến khởi nghiệp.

Diễn đàn “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” năm 2023 được tổ chức nhằm giúp ĐVTN có các phương pháp rèn luyện tư duy sáng tạo. Các vấn đề được diễn giả và các ĐVTN trao đổi phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số; phát huy tinh thần sáng tạo của ĐVTN trong tổ chức các hoạt động của Đoàn, Hội. Qua diễn đàn, các ĐVTN được trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong khởi nghiệp, kinh nghiệm xây dựng các tổ chức hỗ trợ TN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nguyễn Vạn Tín (giữa) và các bạn trong nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An lắp ráp, chỉnh sửa mô hình robot chạy bàn trong nhà hàng

Nguyễn Vạn Tín (giữa) và các bạn trong nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An lắp ráp, chỉnh sửa mô hình robot chạy bàn trong nhà hàng

Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Long An lần thứ IV năm 2023 thu hút 143 ý tưởng và 29 DA. Trong đó, những ý tưởng, DA đoạt giải sẽ được chọn tham gia các cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc, được Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Vườn ươm khởi nghiệp hỗ trợ về vốn, kết nối với các nhà đầu tư,... Kết quả, Tỉnh Đoàn đã chọn hỗ trợ 4 DA khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TN. “Các DA, mô hình của TN được vay vốn đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần khơi dậy lý tưởng và tinh thần sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh của ĐVTN, HSSV” - chị Lê Thị Hồng Kết chia sẻ thêm.

Nhiều ý tưởng, dự án được hỗ trợ

Là 1 trong 4 DA khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TN được Tỉnh Đoàn hỗ trợ năm 2023, DA Robot tự vận hành phục vụ trong nhà hàng do nhóm SV Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An thực hiện. Đây là một ứng dụng của công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, mang lại trải nghiệm dịch vụ ấn tượng và thuận tiện cho khách hàng. DA của nhóm cũng đoạt giải Nhất bảng ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Long An lần thứ IV năm 2023.

Mong muốn khởi nghiệp bằng cách chế tạo thành công mô hình robot chạy bàn trong nhà hàng nhằm thúc đẩy tự động hóa ngành dịch vụ ăn uống, SV Nguyễn Vạn Tín (SN 2002) - trưởng nhóm DA, cho biết: “Ban đầu, em tìm hiểu qua mạng một số thông tin liên quan đến những mô hình về robot. Sau đó, em lên ý tưởng về mô hình robot chạy bàn trong nhà hàng. Thấy hay và có ích nên em trình bày với giảng viên, lập nhóm để thực hiện”.

Để cho ra thành phẩm mô hình robot đạt hiệu quả cao, cả nhóm phải nghiên cứu, thực hiện tối đa công suất trong suốt 3 tháng. Nhóm có 4 thành viên, mỗi người sẽ phụ trách công việc phù hợp với thế mạnh của mình. Theo em Tín, ban đầu nhóm gặp khó khăn về mặt kỹ thuật và tài nguyên vật liệu. Nhưng nhờ có sự hỗ trợ của Đoàn trường và khoa nên vừa tiết kiệm chi phí, vừa được hỗ trợ về kiến thức chuyên môn.

Với khả năng di chuyển linh hoạt và đem món ăn trực tiếp đến bàn của khách hàng, robot tự vận hành bảo đảm sự nhanh chóng, hiệu quả trong việc phục vụ. Với sự kết hợp giữa các thiết bị cảm biến, hệ thống định vị và trí tuệ nhân tạo, robot tự vận hành có khả năng tự động phát hiện, tránh các vật cản trong quá trình di chuyển, bảo đảm an toàn cho khách hàng, nhân viên. Với công nghệ này, khách hàng chỉ cần đặt món ăn thông qua ứng dụng di động hoặc gọi nhân viên, sau đó, robot tự vận hành sẽ được gửi đến bàn của khách hàng. Điều này giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi, tăng cường trải nghiệm dịch vụ cá nhân hóa.

Dự án “Robot tự vận hành phục vụ trong nhà hàng”

Dự án “Robot tự vận hành phục vụ trong nhà hàng”

Được biết, sau Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Tỉnh Đoàn kết nối để DA ký kết thỏa thuận hợp tác với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nhằm hỗ trợ về nguồn vốn, công nghệ, các chuyên gia, nhà đầu tư trên lĩnh vực công nghệ giúp DA sớm hoàn thiện, đưa vào thị trường. Các thành viên tham gia DA cũng được Tỉnh Đoàn hỗ trợ tham gia lớp tập huấn thiết kế doanh nghiệp sáng tạo bền vững do Công ty Cổ phần Vườn ươm khởi nghiệp Việt tổ chức.

Dù chỉ mới học lớp 11, em Nguyễn Thị Cẩm Thu (SN 2007, HS Trường THPT Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc) khởi nghiệp thành công với công việc kinh doanh online. “Khi học lớp 4, em đã thử sức bán đồ chơi, kẹp tóc cho bạn bè trong trường. Lúc đó, mỗi tháng, em chỉ kiếm được trên 100.000 đồng nhưng vui lắm!” - Thu háo hức kể.

Đầu năm 2021, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, nhận được kinh phí hỗ trợ gần 5 triệu đồng từ Đoàn xã Mỹ Lộc (huyện Cần Giuộc), Thu có vốn mở rộng thêm nhiều mặt hàng kinh doanh, trong đó có khẩu trang - vật dụng vô cùng quan trọng thời điểm ấy. Hiện nay, phần lớn khách hàng của Thu là thầy cô, bạn bè và khách mua hàng trên mạng xã hội.

Hàng ngày, sau khi học và làm bài xong, Cẩm Thu sẽ check các đơn hàng của khách và thực hiện theo yêu cầu

Hàng ngày, sau khi học và làm bài xong, Cẩm Thu sẽ check các đơn hàng của khách và thực hiện theo yêu cầu

Thu tâm sự: “Từ số tiền được hỗ trợ, em nhập đa dạng mặt hàng về để kinh doanh online; đồng thời, em cũng mở một cửa hàng nhỏ tại nhà. Theo em, việc khởi nghiệp sớm rất tốt, giúp em có thêm kiến thức thực tế và kỹ năng sống”. Dù vậy, với Thu, việc học vẫn là quan trọng nhất. Còn ngồi trên ghế nhà trường nên em tự ý thức cân bằng giữa việc học và kinh doanh.

Hiện tại, Thu tập trung bán hoa và đồ trang trí tết. Cô gái trẻ cũng dành thời gian đầu tư hình ảnh, thực hiện những video trên mạng xã hội để tự quảng bá thương hiệu riêng của mình. Được biết, thu nhập mỗi tháng của Thu từ việc kinh doanh khoảng 5 triệu đồng. Tuy không quá cao nhưng cũng đủ để em trang trải một phần chi phí học tập. Đây sẽ là “hành trang” vững chắc cho sự nghiệp của em sau này./.

Khánh Duy - Thu Thảo

Chia sẻ bài viết