Tiếng Việt | English

26/07/2022 - 08:25

Hợp tác xã mang tên 'phụ nữ'

Không đủ tuổi, sức khỏe, điều kiện để đi lao động tại các công ty may mặc, giày da, vậy nhưng, nhiều phụ nữ (PN) nông thôn vẫn có cơ hội tìm được việc làm ổn định, có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Những năm gần đây, mô hình hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác do nữ làm chủ đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong công tác tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho PN nông thôn cũng như góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ở các địa phương.

Tham gia hợp tác xã, phụ nữ không chỉ được trang bị kiến thức làm nông nghiệp "kiểu mới" mà còn có thu nhập ổn định

Được thành lập cách đây khoảng 3 năm, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phước Điền (ấp Ngoài, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) do bà Phan Thị Kim Hoàng làm quản lý đã giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương. Thu nhập bình quân của 1 lao động là 48 triệu đồng/năm.

Bà Hoàng chia sẻ: “Làm nông nghiệp cũng lắm vất vả! Lúc nào cũng phập phồng, lo lắng tình trạng “được mùa, rớt giá”; buôn bán phải phụ thuộc vào thương lái nên lợi nhuận không có là bao. Tôi có dự định phải thay đổi cung cách làm ăn nhưng bước đầu thực hiện còn lắm khó khăn. Thế rồi, tôi tham gia công tác Hội PN cũng như các hoạt động ở địa phương, được đi tập huấn, tiếp cận thị trường,...

Tôi bắt đầu làm quen với nhiều nông dân làm ăn có uy tín khác và học hỏi ở họ rất nhiều kinh nghiệm. Người tiêu dùng quan tâm nhiều đến chất lượng nông sản. Do đó, sản phẩm mình làm ra phải bảo đảm sạch, bảo vệ được sức khỏe của người tiêu dùng thì mới được khách hàng ưa chuộng. Tôi cũng nhận thức được, nông dân cần phải liên kết với nhau tạo ra chuỗi hàng hóa có giá trị mới có sức cạnh tranh trên thị trường”.

Từ suy nghĩ phải làm thay đổi thói quen của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, bà vận động, tập hợp một số thành viên có diện tích trồng rau gần nhà để hình thành tổ hợp tác trồng rau do bà làm tổ trưởng. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, tổ hợp tác trồng rau sau nhiều năm hoạt động được bà thành lập nên HTX. HTX chuyên mua bán, sản xuất các loại giống cây trồng; thu mua, bán rau, củ, quả. Tham gia vào HTX, các thành viên được cung cấp thông tin, tư vấn, trang bị kiến thức, kỹ thuật canh tác rau sạch. Nhờ áp dụng quy trình trồng và chăm sóc hoàn toàn bằng phân hữu cơ vi sinh nên các loại rau thơm và rau ăn lá của HTX bán rất đắt cho huyện Bình Chánh, TP.HCM, góp phần tạo nguồn thu ổn định cho các thành viên.

Hiện nay, Hội Liên hiệp PN Việt Nam huyện Cần Giuộc có 5 HTX với 63 thành viên. Từ những mô hình hoạt động hiệu quả đã và đang tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho PN. Hầu hết HTX do PN tham gia quản lý đã tạo việc làm ổn định cho các thành viên, một số lao động theo tháng và lao động thời vụ, nhất là góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và lao động lớn tuổi, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu tại địa phương.

Chủ tịch Hội Liên hiệp PN Việt Nam huyện Cần Giuộc - Huỳnh Thị Tuyết Hồng cho biết, số lượng HTX tại các xã trong huyện ngày càng tăng, đặc biệt là các HTX nông nghiệp, mà thực tế lao động trong các HTX nông nghiệp hơn 80% là nữ. Vì vậy tạo nhiều điều kiện cho việc phát huy vai trò, năng lực của PN trong quá trình hoạt động HTX. Đó là việc PN trực tiếp sản xuất theo mô hình VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, PN còn là lực lượng lao động đông nhất trong các nhà sơ chế sản phẩm của các HTX nông nghiệp như Phước Thịnh, Phước Hiệp, Mekong, Tân Kim, Phước Điền,...

Tuy nhiên, bà Hồng thông tin, nhìn nhận một cách thực tế khách quan, tỷ lệ lao động nữ giữ các chức vụ quản lý, điều hành trong HTX khá thấp và đa phần chỉ giữ chức vụ từ cấp phó trở xuống. Đa số lao động nữ không có tay nghề chiếm số cao tổng số lao động nữ làm việc trong HTX. Trong quá trình hoạt động và chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 (hiện lấy ý kiến sửa đổi luật), nhiều HTX nông nghiệp đang gặp khó khăn.

Các HTX, tổ hợp tác gặp khó trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do dịch Covid-19 kéo dài phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và thu nhập của các thành viên. Tình hình thời tiết diễn biến bất thường như ảnh hưởng hạn, mặn, mùa khô thiếu nước sản xuất, mùa mưa, bão gây ngập úng cục bộ. Vốn để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khá cao so với khả năng của người dân, thành viên HTX. Quỹ đất công ở các địa phương còn ít, giá đất biến động mạnh cho nên việc thu hút đầu tư vào sản xuất ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước chưa nhiều,... đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các thành viên HTX cũng như người dân trong huyện./.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết