Tiếng Việt | English

20/12/2023 - 08:39

Phát huy vai trò của kinh tế hợp tác

Ngành Nông nghiệp tỉnh Long An tập trung nhiều nguồn lực để củng cố, phát triển các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), hội quán,... theo hướng gắn với sản phẩm chủ lực của từng địa phương. Qua đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập cho nông dân (ND).

Mang lại hiệu quả cao

Thời gian qua, Hội quán Cầu Đôi (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) duy trì tốt việc tập hợp thành viên cùng nhau hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Phó Chủ nhiệm Hội quán Cầu Đôi - Trương Minh Trung thông tin: “Hội quán hiện có 86 thành viên, canh tác 45ha thanh long, trong đó, có 50% diện tích thanh long ruột trắng, 50% diện tích thanh long ruột đỏ.

Để nâng cao kỹ thuật canh tác, Hội quán cũng được các cấp, các ngành hỗ trợ mời chuyên gia ngành Nông nghiệp bồi dưỡng kiến thức canh tác nông nghiệp tiên tiến cho ND. Từ đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên”.

Các hợp tác xã trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đến học tập kinh nghiệm sản xuất thanh long tại Hội quán Cầu Đôi (xã An Lục Long, huyện Châu Thành)

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Phạm Văn Thật cho biết: “Nhờ được ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm, triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, các mô hình kinh tế hợp tác trên địa bàn huyện đã có bước phát triển khởi sắc. Qua đó, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập và bảo đảm ổn định đời sống người dân. Các HTX, THT, hội quán nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng chủ động ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản”.

Tại huyện Vĩnh Hưng, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Khánh Hưng (xã Khánh Hưng) với diện tích sản xuất lúa khoảng 1.400ha, trong đó, có 140ha sản xuất theo hướng công nghệ cao với giống ST25. Thời gian qua, HTX chủ động phối hợp ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện hướng dẫn, hỗ trợ ND chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Qua đó, giúp các thành viên tăng năng suất lúa trên cùng diện tích canh tác; cải thiện chất lượng nước, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe và lao động.

Đồng thời, HTX cũng làm tốt vai trò “cầu nối” giúp các thành viên ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa với giá bán ổn định, cao hơn thị trường từ 200-500 đồng/kg. HTX còn thực hiện các loại hình dịch vụ như bơm tưới; làm đất; cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; máy gặt đập liên hợp; cung ứng giống cây trồng; phơi sấy;…

Các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng được thu mua lúa với giá cao hơn thị trường từ 200-500 đồng/kg

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Khánh Hưng - Phạm Văn Nghĩa chia sẻ: “Khi mới thành lập, HTX chỉ có vài thành viên, với diện tích đất sản xuất lúa chỉ vài chục hécta. Sau thời gian hoạt động, ND thấy được lợi ích khi tham gia vào HTX nên số lượng thành viên ngày càng tăng lên.

HTX cũng nhận được sự quan tâm hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật canh tác lúa từ ngành chức năng của tỉnh, huyện, nhất là các kỹ thuật sản xuất lúa bền vững như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,... Nhờ đó, chất lượng lúa được cải thiện, đầu ra cũng ổn định hơn”.

Tiếp tục củng cố, phát triển kinh tế hợp tác

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 236 HTX nông nghiệp, trong đó 36 HTX ngưng hoạt động và 200 HTX đang hoạt động với tổng số hơn 7.300 thành viên; 1.370 THT với hơn 20.400 thành viên và 5 liên hiệp HTX.

Những năm gần đây, Sở phối hợp các sở, ngành liên quan tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng Luật HTX và các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế hợp tác, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển kinh tế hợp tác. Đồng thời, Sở tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cơ sở về phát triển kinh tế hợp tác; triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX;...

Mặt khác, Sở khuyến khích, hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực tổ chức, điều hành theo hướng cơ cấu bộ máy tinh gọn, linh hoạt và năng động; mở rộng ngành, nghề trong các lĩnh vực như vận tải ở nông thôn, vệ sinh môi trường, thủy lợi, kênh, mương nội đồng,...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: “Thời gian tới, Sở chỉ đạo các chi cục trực thuộc phối hợp các địa phương thường xuyên tiếp cận, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất của HTX, THT, hội quán để kịp thời tháo gỡ.

Đồng thời, Sở hướng dẫn cụ thể, định hướng phát triển cho HTX, THT, hội quán; chủ động hỗ trợ kết nối các HTX, THT, hội quán trong việc tiếp cận thông tin chính sách; khuyến khích, hỗ trợ các HTX, THT, hội quán phát triển sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ để tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết