Nhiều chuyển biến tích cực
Đến nay, toàn tỉnh có 302 HTX với tổng vốn điều lệ trên 403 tỉ đồng và trên 40.110 thành viên. Trong đó, có 229 HTX nông nghiệp (30 HTX ngưng hoạt động và 199 HTX hoạt động). Số lượng HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) là 106, 45 HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 2 HTX đạt tiêu chuẩn hữu cơ, 5 HTX có sản phẩm OCOP. Hiện toàn tỉnh có 5 liên hiệp HTX nông nghiệp. Tổng vốn điều lệ các liên hiệp HTX là 4,2 tỉ đồng với 20 thành viên là các HTX nông nghiệp trong tỉnh. Ngoài ra, toàn tỉnh có 1.463 tổ hợp tác với 26.007 thành viên.
Tham gia vào hợp tác xã giúp nông dân trồng lúa an tâm về đầu ra
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Lê Hồng Sơn, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động ngày càng đa dạng, từ dịch vụ cung ứng đầu vào cho đến liên kết sản xuất, góp phần liên kết tiêu thụ các sản phẩm chủ lực như lúa, rau, chanh, thanh long,…
“Một số HTX hoạt động hiệu quả thực hiện tốt vai trò liên kết hộ nông dân để triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cùng sản xuất theo một quy trình tạo ra sản phẩm hàng hóa, chất lượng tốt hơn; hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, các HTX là nòng cốt triển khai các mô hình ƯDCNC, đưa cơ giới hóa vào sản xuất” - ông Sơn cho biết.
Không chỉ chuyên sản xuất lúa ƯDCNC, những năm gần đây, HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) còn là một trong những HTX đi đầu trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Hiện nay, ngoài các dịch vụ: Bơm nước, cung cấp giống, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật,... HTX còn liên kết tiêu thụ, bảo đảm đầu ra sản phẩm cho thành viên thông qua việc ký kết với các công ty thu mua trong và ngoài tỉnh.
Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm - Bùi Văn Tuấn chia sẻ: “Khi tham gia vào HTX, các thành viên sẽ được đầu tư một phần giống, vật tư nông nghiệp, được hướng dẫn sản xuất theo quy trình tiên tiến, an toàn và được HTX cam kết bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 100-500 đồng/kg”.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn thông tin: “Các HTX trên địa bàn huyện đã và đang thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang ứng dụng khoa học - kỹ thuật; mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống đê bao lửng, trạm bơm điện; xây dựng vùng sản xuất ƯDCNC;... Cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, một số HTX đã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm. Qua đó, các HTX từng bước xây dựng cho mình chuỗi liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra nông sản cho thành viên”.
Cũng là một trong những HTX làm tốt vai trò “đầu tàu” kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) ký kết hợp đồng với nhiều công ty, siêu thị trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ khoảng 30ha rau màu, ước tính sản lượng rau tiêu thụ hàng năm trên 1.800 tấn.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng chia sẻ: “Nắm bắt nhu cầu của thị trường, HTX chủ động chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất tập trung, xây dựng các vùng rau chuyên canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”.
Nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau
Cần thêm trợ lực
Mặc dù hiện nay, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách để phát triển kinh tế hợp tác như hỗ trợ HTX xây dựng các mô hình ƯDCNC trên cây lúa, rau, thanh long, chanh, con tôm và con bò thịt; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu kinh tế tập thể, hạ tầng, máy móc;... Tuy nhiên, do phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, hầu hết đều thiếu vốn và cơ sở vật chất nên khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, hiệu quả kinh doanh thấp.
Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của đa số cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được đào tạo về tổ chức điều hành sản xuất, kinh doanh. Số lượng HTX nông nghiệp thành lập nhiều nhưng số HTX ngưng hoạt động và hoạt động ở mức trung bình, yếu chiếm tỷ lệ cao. Ngoài ra, vấn đề giá cả thị trường, nguyên, vật liệu đầu vào biến động,... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các HTX.
Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức để mọi người hiểu và tự nguyện tham gia phát triển kinh tế hợp tác. Đồng thời, các địa phương cần chủ động đầu tư, xây dựng HTX, tổ hợp tác điểm, điển hình trên các lĩnh vực thế mạnh của mình để từ đó tạo sức lan tỏa, góp phần phát triển kinh tế hợp tác./.
Bùi Tùng