Phát triển phẩm chất, năng lực học sinh
Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng luôn quan tâm đến GD&ĐT, xác định GD&ĐT là quốc sách hàng đầu và ban hành nhiều NQ về GD, trong đó NQ số 29-NQ/TW có vai trò đặc biệt quan trọng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Nguyễn Kim Sơn nêu: NQ số 29-NQ/TW có nội dung hết sức rộng lớn; chỉ đạo đối với việc đổi mới ở hầu hết các yếu tố, thành phần, các khâu, công đoạn liên quan đến GD&ĐT. NQ cũng xác định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương. NQ số 29-NQ/TW thể hiện rõ quyết tâm chiến lược của Đảng ta với phát triển GD&ĐT.
Học sinh tích cực tham gia xây dựng bài học trong các tiết học
Trong quá trình giảng dạy, toàn ngành tăng cường tổ chức các hoạt động theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh (HS). Các cơ sở GD quan tâm đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp GD theo hướng hiện đại, phát huy toàn diện về phẩm chất, năng lực, tư duy sáng tạo, tích cực của HS. Giáo viên (GV) tổ chức đa dạng hình thức học tập, bảo đảm phù hợp với đối tượng, tâm lý lứa tuổi HS. Các trường chú trọng về chất lượng GD toàn diện, GD mũi nhọn, giúp thu hẹp khoảng cách về chất lượng giữa các trường ở nông thôn và đô thị.
Thầy Lê Quốc Phong - GV môn Hóa, Trường THPT Chuyên Long An, chia sẻ: “Các tiết dạy đầu năm học, tôi luôn giới thiệu chi tiết từng hoạt động của trường, tổ chức dạy học tổ chuyên môn, hoạt động câu lạc bộ, đặc biệt là công tác bồi dưỡng mũi nhọn. Từ đó, HS có thể định hướng, tự nguyện tham gia một trong những hoạt động phù hợp sở thích và năng lực của bản thân. Trong quá trình giảng dạy, tôi nêu cao tinh thần tự học của HS, nhắc nhở các em cùng hỗ trợ, giúp nhau trong học tập, nhất là chia sẻ kiến thức, tài liệu hay”.
Học sinh thảo luận nhóm trong quá trình học tập
Trọng tâm của thực hiện đổi mới GD, phát triển phẩm chất, năng lực HS là triển khai Chương trình GD phổ thông 2018 theo hình thức “cuốn chiếu” ở các cấp học trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2020-2021, bắt đầu từ lớp 1 và kết thúc chu kỳ vào năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Chương trình được chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực HS.
Bên cạnh việc giảng dạy kiến thức và tổ chức hoạt động trải nghiệm cho HS, các trường còn chú trọng phối hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường GD: Nhà trường - gia đình - xã hội; tăng cường GD đạo đức, pháp luật, thẩm mỹ, thể chất, truyền thống, môi trường,... nhằm hình thành nhân cách, kỹ năng sống và nâng cao năng lực hoạt động xã hội cho HS.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Hưng - Trần Thanh Dũng cho biết: “Chương trình GD phổ thông 2018 giúp phát triển năng lực và phẩm chất HS, bảo đảm hài hòa GD đức, trí, thể, mỹ. Huyện thực hiện tốt chủ trương đổi mới nội dung GD và dạy học theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ; đồng thời, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho HS, đặc biệt chú trọng GD nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Nhờ vậy, HS có những chuyển biến tích cực trong học tập và rèn luyện đạo đức, góp phần nâng cao chất lượng GD của toàn huyện”.
Trong quá trình học tập, học sinh nỗ lực phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu kiến thức
Song song đó, đội ngũ GV và cán bộ quản lý GD được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong quản lý và dạy học. Công tác quản lý GD được quan tâm cải tiến, đổi mới về nội dung và phương pháp thực hiện, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả GD ở các đơn vị.
Phát triển quy mô trường, lớp
Sau 10 năm, quy mô, mạng lưới trường, lớp được sắp xếp, củng cố và phát triển hợp lý trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cũng như cơ hội học tập cho HS. Toàn tỉnh hiện có 588 cơ sở GD từ GD mầm non đến GD phổ thông, gồm: 214 cơ sở GD mầm non, 181 cơ sở GD tiểu học, 148 cơ sở GD THCS, 45 cơ sở GD cấp THPT.
Thời gian qua, trên phạm vi toàn tỉnh triển khai, thực hiện 79 chương trình, kế hoạch, đề án đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2023 với tổng vốn hơn 7.300 tỉ đồng, thực hiện lồng ghép với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững,...
Trường THCS Trương Minh Bạch (huyện Đức Hòa) được xây dựng khang trang, sạch đẹp
Ngoài ra, công tác xã hội hóa GD được đẩy mạnh. Các nhà đầu tư quan tâm tài trợ xây dựng mới nhiều trường học trong tỉnh. Nổi bật nhất là nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động nhà tài trợ xây dựng mới: Trường THPT Hậu Nghĩa, Trường THCS Trương Minh Bạch, Trường THPT Võ Văn Tần (huyện Đức Hòa); Trường THPT Thiên Hộ Dương (thị xã Kiến Tường); Trường THPT Nguyễn Trung Trực - Bến Lức (huyện Bến Lức);...
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực-Bến Lức - Đàm Văn Tuyến chia sẻ: “Trường được xây dựng và đi vào hoạt động có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự nghiệp GD của huyện Bến Lức nói riêng và của tỉnh nói chung. Sự ra đời của Trường THPT Nguyễn Trung Trực-Bến Lức không chỉ giải quyết được những khó khăn trong công tác tuyển sinh đầu cấp THPT của huyện Bến Lức mà còn đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của HS tham gia học tập ở các lớp chất lượng cao.
Với niềm vinh dự và tự hào, tập thể trường tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của quê hương Bến Lức, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học hiện có, xây dựng tập thể sư phạm nhà trường vững mạnh, với trọng tâm là chất lượng GD”.
Ngoài ra, ngành GD&ĐT còn phối hợp thực hiện 4 dự án do doanh nghiệp đầu tư trực tiếp với tổng vốn hơn 7.000 tỉ đồng; 7 dự án do doanh nghiệp đầu tư theo chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực GD&ĐT với tổng vốn 145,5 tỉ đồng. Tỉnh thực hiện tốt các chính sách, hoạt động hỗ trợ HS, sinh viên như trao học bổng, miễn, giảm học phí, hỗ trợ vốn vay học tập, tiếp bước các em đến trường.
NQ số 29-NQ/TW đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển GD&ĐT. Với vai trò nòng cốt trong thực hiện NQ, ngành GD&ĐT tỉnh nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Toàn ngành tiếp tục phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế, tạo sự chuyển biến tích cực, đưa sự nghiệp GD&ĐT tỉnh ngày càng đổi mới và phát triển./.
Ngọc Sương