Tiếng Việt | English

22/06/2015 - 14:07

Tân Hưng: Sức bật từ chương trình 10.000ha lúa chất lượng cao

Được xác định là vùng trọng điểm trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Hưng đã tập trung mọi nguồn lực ưu tiên cho phát triển nông nghiệp. Không chỉ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, huyện còn chú trọng quy hoạch, xây dựng vùng lúa chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Qua 4 năm thực hiện, đến nay, chương trình đã đạt một số kết quả tích cực, năng suất, chất lượng lúa không ngừng tăng lên.


Cán bộ khuyến nông cùng ra đồng kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân

Chi phí giảm, lợi nhuận tăng

Dù mới thực hiện được 4 năm nhưng việc xây dựng vùng lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện bước đầu mang lại những tín hiệu đáng mừng; nhận thức về sản xuất nông nghiệp của người dân ngày càng được nâng lên. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh - Mai Văn Cảm, ban đầu khi triển khai chương trình, xã gặp những khó khăn nhất định, bởi người dân chưa hiểu việc sản xuất lúa chất lượng cao thay thế các giống lúa cũ sẽ mang lại lợi ích gì, trong khi giá thu mua của thương lái trong và ngoài vùng quy hoạch tương đương nhau.

Vì thế trong năm đầu tiên, cả xã chỉ gieo sạ được khoảng 500ha/vụ. Thế nhưng, hiệu quả từ chương trình mang lại đã dần thay đổi nhận thức của người dân. Từ đó, người dân mạnh dạn thay thế giống lúa chất lượng thấp bằng những giống mới chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu.

Vụ Đông Xuân vừa qua, toàn xã có trên 821ha lúa chất lượng cao. Còn vụ Hè Thu vừa mới gieo sạ, diện tích đã tăng lên trên 900ha. Qua đánh giá từng năm, năng suất bình quân cao hơn những diện tích sản xuất bên ngoài từ 0,5-1tấn/ha; lợi nhuận bình quân cao hơn từ 2-4 triệu đồng/ha/vụ.

Song song với quy hoạch, xây dựng vùng lúa chất lượng cao, công tác chuyển giao khoa học-kỹ thuật cũng được các ngành chuyên môn trong huyện tích cực quan tâm thực hiện. Theo đó, từ khi triển khai chương trình, đến nay đã có trên 130 cuộc tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật; gần 50 buổi tọa đàm, hội thảo về quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện cũng thông tin về cơ cấu giống của tỉnh đến người dân, đặc biệt là những giống lúa có phẩm chất gạo ngon, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai tại địa phương như: OM 4800; OM 6162, Nàng Hoa 9; Jasmine 85,... Từ đó, người dân ngày càng yên tâm tham gia xây dựng vùng lúa chất lượng cao.

Nông dân Nguyễn Văn Dũng, ấp Hưng Trung, xã Hưng Thạnh, cho biết: “Trước đây, người dân đã quen sử dụng các giống lúa truyền thống, nên khi chuyển sang giống mới cũng cảm thấy băn khoăn vì chưa biết hiệu quả ra sao. Trong quá trình thực hiện, được Nhà nước quan tâm đầu tư về thủy lợi, xây dựng các trạm bơm điện, hằng tháng đều có cán bộ chuyên môn đến tập huấn, hướng dẫn, cùng nông dân ra đồng nên chúng tôi rất yên tâm. Hiện nay, nếu thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, gia đình tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mà năng suất vẫn luôn ổn định, nên thu nhập tăng hơn trước nhiều”.

Bước đệm cho sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu

Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích vùng lúa chất lượng cao trong toàn huyện đã đạt trên 10.200ha, với năng suất, chất lượng ổn định. Hệ thống đê bao lửng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, trong đó diện tích đê bao lửng trong vùng lúa chất lượng cao đạt 9.800ha, chiếm gần 80% diện tích; 4/5 xã trong vùng quy hoạch có trạm bơm điện phục vụ sản xuất. Đây là cơ sở quan trọng để huyện tiếp tục củng cố, mở rộng diện tích quy hoạch vùng lúa chất lượng cao trong thời gian tới.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Trần Tấn Tài cho biết: “Chương trình đột phá về xây dựng 10.000ha lúa chất lượng cao gắn với xây dựng cánh đồng lớn đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất. Không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, quan trọng hơn, diện tích vùng lúa chất lượng cao này còn là tiền đề xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tạo sức bật cho nền nông nghiệp huyện nhà trong tương lai”.

Để làm được điều đó, thời gian tới, các ngành chức năng huyện sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống đê bao lửng, các trạm bơm điện, hệ thống điện trong khu vực vùng lúa chất lượng cao; tăng cường chuyển giao khoa học-kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất đến người dân; phối hợp các doanh nghiệp phát triển diện tích cánh đồng lớn gắn với vùng lúa chất lượng cao; duy trì và thực hiện tốt mô hình liên kết 4 nhà nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa, tạo đầu ra ổn định./.

Thụy Anh- Lam Hồng

Chia sẻ bài viết