Tiếng Việt | English

29/04/2018 - 08:17

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Ký ức không quên về trận chiến cuối cùng

Tháng 4 về, trong lòng Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, lại bồi hồi với bao ký ức. Ông là một trong những người trực tiếp tham gia trận đánh làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Dù tuổi cao nhưng Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ vẫn miệt mài nghiên cứu, đấu tranh giành công bằng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Dù tuổi cao nhưng Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ vẫn miệt mài nghiên cứu, đấu tranh giành công bằng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Người góp công làm nên trang sử

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ dù ở tuổi thất thập nhưng vẫn giữ được giọng nói trầm hùng, hào sảng cùng trí nhớ tuyệt vời. Ông kể rành mạch từng chi tiết về những ngày cuối tháng 4 lịch sử. Với ông, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh là kỷ niệm sâu sắc nhất, cảm xúc vỡ òa nhất trong cuộc đời binh nghiệp. Ngày ấy, lực lượng tổng tiến công của ta gồm 5 cánh quân đánh chiếm các cơ quan đầu não chính quyền Sài Gòn. Trong đó, ông là Tham mưu phó, Trưởng ban Tác chiến cánh quân thứ 5 với nhiệm vụ đánh vu hồi từ Gò Công, hợp cùng các cánh quân khác giải phóng Sài Gòn.

Trước đó, ngày 30/3/1975, ông đang tập huấn tại Bộ Tham mưu Quân khu 8 thì được Trung đoàn 88 gọi về chuẩn bị chiến đấu. Theo kế hoạch, lực lượng phải hành quân từ huyện Chợ Gạo, Châu Thành (Tiền Giang) vượt sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây ở huyện Tân Trụ, Cần Giuộc (Long An) đến Bình Chánh, vào cầu Chữ Y và đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát cùng Khu vực Kho xăng Nhà Bè - Sài Gòn. Ông và đồng đội phải tiêu diệt mục tiêu thần tốc và hạn chế đến mức thấp nhất thương vong.

Có chiến lược rõ ràng, quân ta lần lượt hạ từng đồn bót, kịp tiến về Sài Gòn. Đến 3 giờ sáng ngày 29/4, Tiểu đoàn 3 của ông báo cáo toàn bộ địch ở đồn cầu Ông Thìn tháo chạy. Đến sáng 30/4/1975, Trung đoàn 88 làm chủ toàn bộ đoạn đường từ cầu Ông Thìn đến Nam huyện Bình Chánh, chuẩn bị đánh vào khu vực cầu Chữ Y. 11 giờ 30 phút cùng ngày, Đài Phát thanh Sài Gòn đưa tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, ông và đồng đội trào nước mắt, vỡ òa trong hạnh phúc.

Hạnh phúc hôm nay, không quên quá khứ

Chiến tranh lùi xa 43 năm nhưng với ông, những kỷ niệm cùng đồng đội dưới sự chở che của nhân dân vẫn luôn hiện diện. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 88 có nhiệm vụ thọc sâu và nghi binh từ phía Nam để thu hút một phần lực lượng địch, tạo điều kiện cho các cánh quân lớn tiến vào Sài Gòn. Nhiệm vụ nghe chừng đơn giản so với những trận đánh mà trung đoàn từng trải nhưng thực tế lại vô cùng gian nan. Bởi, địch trong đồn bót vẫn cố thủ và đánh trả quyết liệt.

Ông nhớ, 8 giờ sáng ngày 20/4/1975, ông đưa Tiểu đoàn 1 vượt sông Vàm Cỏ Tây (đoạn Thanh Phú Long sang Nhựt Ninh) để kịp đánh vào Chi khu Tân Trụ - vị trí quan trọng phía Nam Sài Gòn. Nhận được lệnh, ông không khỏi lo ngại vì khúc sông này rộng, lại có đến 13 tàu chiến của địch cách nơi bộ đội vượt sông chỉ 2km. Do đó, các chiến sĩ phải có sự trợ giúp từ địa phương. Chỉ trong 30 phút, cán bộ địa phương huy động được đến 20 ghe máy loại lớn (mỗi chiếc chở được 40 người với đầy đủ trang bị) cùng gần 400 người, trong đó có cả thiếu nhi làm công tác binh vận vô hiệu hóa thuyền chiến của địch. Nhờ vậy, Tiểu đoàn 1 cùng các đại đội trực thuộc (khoảng 600 người) vượt sông thuận lợi.

Lại nhớ, trước hôm 27/4, trên đường về Sài Gòn, Sở chỉ huy Trung đoàn ở nhờ nhà mẹ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thái Bình tại Cần Giuộc. “Nhà nuôi mấy con ngỗng, má định làm thịt cho chúng tôi bồi dưỡng, nhưng mấy chị cản, cho là ăn ngỗng xui nên cả đàn gà hơn 30 con, má dành hết cho anh em lấy sức chiến đấu!” - ông hồi tưởng.

Khi vị tướng già kể về những bà mẹ miền Nam, chúng tôi cảm giác như ông đang kể về mẹ ruột của mình. Ông thao thao bất tuyệt về má Bảy hay tiếp tế cho bộ đội ở Củ Chi. Cuối năm 1968, má bị buộc chuyển vào sống trong vùng địch. Trước khi đi, má chôn một lu lương thực gồm mì tôm, đường và cá mòi muối cho bộ đội, dù má cũng không đủ ăn.

Người mà ông nhớ nhất là má Tư Bún ở Tiền Giang - người nhận ông làm con nuôi và đặt cho ông “thứ Tám” - cái danh xưng thân thương đặc trưng Nam bộ. Bởi, con của má là liệt sĩ Tám Phước đã hy sinh. Thế nên, ông còn được gọi là anh “Tám Thổ”. “Cuối tháng 4/1975, khi tiểu đoàn được lệnh về Sài Gòn gấp tham gia chiến dịch, nhà nghèo lắm mà má bán 40 giạ lúa, gửi chúng tôi lên đường. Má còn dặn lỡ đứa nào bị thương thì về ở với má!” - ông nghẹn ngào.

Trần Ngọc Thổ - một quân nhân sinh ra trên đất Bắc nhưng gắn cuộc đời binh nghiệp với đất phương Nam, từng vào sinh ra tử, oai hùng ngoài chiến trận, vậy mà mỗi lần nhắc đến những bà mẹ quê Nam bộ lại xúc động rưng rưng.

Rồi ông nhớ mấy ngày hành quân từ Gò Công về Sài Gòn, đi đến đâu cũng vậy, hai bên đường, dân để sẵn nước, thậm chí chặt dừa cho bộ đội uống; có người còn lấy xe đạp, xe máy chở những người đuối sức. Họ dù không quen mà như ruột thịt. Bởi vì, họ cùng chung ước vọng đất nước hòa bình, gửi trao niềm tin cho đoàn quân giải phóng. Đó là động lực để các anh giữ trọn niềm tin quyết thắng.

Còn sức, còn cống hiến

Giờ đây, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ vẫn muốn tri ân cuộc đời khi còn minh mẫn, đủ sức khỏe. Với cương vị Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM, ông vẫn miệt mài đấu tranh giành công bằng cho những người nhiễm chất độc do quân đội Mỹ gieo rắc. Ông cũng ấp ủ kế hoạch thành lập Hội Nạn nhân bom, mìn - những người chịu hậu quả của cuộc chiến năm xưa.

Ban Tham mưu Trung đoàn 88 chụp ảnh lưu niệm tại Cần Giuộc ngày 28/4/1975 (Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đứng hàng trên, thứ 2, phải sang)

Ban Tham mưu Trung đoàn 88 chụp ảnh lưu niệm tại Cần Giuộc ngày 28/4/1975 (Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đứng hàng trên, thứ 2, phải sang)

Một chi tiết nhỏ nhưng rất đáng quý là ngôi nhà của ông tại quận 12, TP.HCM có một khoảng sân hẹp là nơi bán hủ tiếu bình dân. Ông tếu táo: “Bác chẳng bán buôn gì đâu, bác cho người con của một liệt sĩ quê Quảng Nam mượn để kiếm sống, không lấy tiền đâu nhé! Trước đây, họ bán ở lề đường nên cứ bị đuổi hoài!”. Nghe kể, chúng tôi càng quý tấm lòng của ông, dù đây là chuyện rất đỗi bình thường.

43 năm trôi qua, đồng đội của ông có người còn, người mất, có người chưa tìm được hài cốt. Tài sản quý nhất của vị tướng tuổi xế chiều không phải là những huân, huy chương lấp lánh mà chính là ký ức về tình đồng đội, tấm lòng của những người má, người chị đã cưu mang ông trong những năm dài chinh chiến. Đây là sức mạnh vô hình, góp phần làm nên chiến công 30/4 lịch sử./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết