Tiếng Việt | English

06/12/2022 - 22:40

Toàn tỉnh có 116/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 116/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thực sự trở thành một phong trào lớn, lan tỏa đến từng cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao.

Huy động nguồn lực xây dựng

Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Qua trên 10 năm triển khai, thực hiện, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị các cấp và sự hưởng ứng, chung tay góp sức của người dân trên địa bàn tỉnh, chương trình XDNTM đạt những thành tựu vượt bậc. Khu vực nông thôn có bước phát triển rõ nét trên mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng phát triển KT-XH của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 116/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại; các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được hình thành và ứng dụng công nghệ cao bước đầu hiệu quả; chất lượng nông sản ngày càng tăng, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu; ý thức hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm được nâng lên, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 15,6 triệu đồng năm 2010 lên khoảng 65 triệu đồng năm 2022.

Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngân sách nhà nước các cấp vẫn tập trung đầu tư cho XDNTM. Các cấp, các ngành chủ động và tập trung lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện. Việc huy động người dân đóng góp XDNTM được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân nên được người dân đồng tình hưởng ứng. Cụ thể, toàn tỉnh huy động trên 40.000 tỉ đồng (vốn Trung ương hỗ trợ trên 264 tỉ đồng; vốn ngân sách tỉnh 150 tỉ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án gần 2.000 tỉ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp, người dân trên 560 tỉ đồng; vốn tín dụng trên 37.000 tỉ đồng) đầu tư kết cấu hạ tầng cho các huyện, xã đạt chuẩn theo lộ trình; đầu tư chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình phát triển kinh tế tập thể, chương trình chuyển đổi số.

Nhiều kết quả nổi bật

Đến nay, toàn tỉnh có 116/161 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 72% số xã toàn tỉnh. Dự kiến, cuối năm 2022 sẽ công nhận thêm 4 xã, nâng số xã được công nhận đạt chuẩn NTM của tỉnh lên 120 xã, chiếm 74,5% số xã toàn tỉnh, đạt 101% kế hoạch Trung ương giao; có 28 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 17,4% số xã toàn tỉnh, đạt 112,5% so với kế hoạch năm 2022.

Toàn tỉnh hiện có 4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM (huyện Châu Thành, Tân Trụ, TP.Tân An và thị xã Kiến Tường), đạt 100% kế hoạch năm 2022. Đến nay, huyện Cần Đước có 100% số xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và cơ bản đủ điều kiện để công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Huyện Châu Thành có 100% các xã đạt chuẩn NTM, 11/12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và cơ bản đủ điều kiện để công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Nông thôn xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường có nhiều khởi sắc

Ông Phạm Văn Chính (ấp Đồng Tre, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Từ khi triển khai chương trình XDNTM đến nay, tôi thấy địa phương có sự thay đổi rõ rệt. Diện mạo khu vực nông thôn ngày càng sạch, đẹp. Được hỗ trợ từ những mô hình sản xuất giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.

Hệ thống đường giao thông nông thôn tiếp tục phát triển nhanh; hệ thống đường trục xã, trục ấp phát triển đồng bộ, bảo đảm đi lại thuận lợi đến trung tâm các xã. Hệ thống kênh, mương thủy lợi nội đồng tiếp tục được đầu tư đồng bộ theo hướng phục vụ đa mục tiêu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo của tỉnh liên tục phát triển, trong đó, cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển nhanh; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường, từng bước đáp ứng nhu cầu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở tiếp tục được quan tâm đầu tư với quy mô phù hợp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư xây dựng từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn. Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao được triển khai, thực hiện, công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại được tăng cường.

Công tác bảo vệ môi trường nông thôn được quan tâm chỉ đạo, nhất là vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt và cải tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh thường xuyên được củng cố, kiện toàn./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết