Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021
Trọng tâm là xây dựng con người có nhân cách…
Có khá nhiều định nghĩa về văn hóa, cả nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng. Nhưng trong bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, “dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa,...)… Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm đó được xem là bước chuyển biến, tiến bộ trong xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Và trải qua bao giai đoạn phát triển, Đảng ta khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Xây dựng con người văn hóa cũng không phải là tư tưởng mới mà có từ xa xưa. Dạy về cách làm người, dân gian có nhiều câu ca dao, tục ngữ: Tiên học lễ, hậu học văn hay Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Đó là những bài học về cách đối nhân xử thế, biết kính trên nhường dưới, xử sự chuẩn mực và đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau, cùng nhau giữ thuần phong, mỹ tục. Trong bài thơ Bài ca mùa xuân 1961, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Có gì đẹp trên đời hơn thế. Người với người sống để yêu nhau”. Hay Nguyễn Du đã đề câu thơ trong truyện Kiều: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”...
Bác Hồ cũng từng dạy và đề cao đạo đức con người: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm chuyện gì cũng khó”. Một công dân tốt, một người sống có ích phải tài năng, đức độ. Ngày nay, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường với nhiều mặt trái, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, cách nghĩ, cách làm của một bộ phận người dân, việc xây dựng con người Việt Nam càng được Đảng ta chú trọng.
Năm 1998, Nghị quyết số 03 Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã xác định xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với những đức tính: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần, kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội; thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.
Hơn 15 năm sau (năm 2014), Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Con người mới khi này cũng với những phẩm chất như Nghị quyết số 03 được chú trọng thêm lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn;...
Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu
Kết thúc bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tha thiết mong rằng “sau Hội nghị này, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”. Và trên chuyến tàu mang số hiệu “văn hóa” ấy, có nhiều “vị khách”, nhiều thành phần, lứa tuổi nhưng chung ga đến là cùng nhau xây dựng nhân cách tốt đẹp của con người và môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Để “văn hóa thật sự soi đường cho quốc dân đi”, mỗi con người phải vừa là chủ thể dựng xây cũng là người hưởng thụ những giá trị quý báu từ văn hóa mang lại. Nêu định hướng phát triển văn hóa, Tổng Bí thư dành một phần cho việc “chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội”. Và trên mặt trận tư tưởng, văn hóa ấy, đội ngũ những người làm công tác văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ cũng mang trên vai nhiệm vụ nhất định. Bằng ngòi bút, những tác phẩm văn, thơ, báo chí, sân khấu,... đội ngũ này sẽ góp phần nhân cái đẹp, dẹp cái xấu.
Đọc lại toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, tôi càng thấm thía và học được nhiều điều. Tôi nhớ lại 15 năm trước, lúc chập chững bước vào nghề phóng viên, được giao phụ trách mảng văn hóa, khi ấy, Nghị quyết số 03 và sau này là Nghị quyết số 33 được tôi đọc, khai thác đề tài báo chí gắn với việc triển khai, thực hiện ở địa phương. Trên hành trình tác nghiệp, từ vùng thượng, miền hạ hay ở biên giới xa xôi, tôi đều bắt gặp những con người văn hóa, giàu tình, nặng nghĩa, trái tim nhân ái bao la và có nhiều việc làm tốt đẹp. Đó là một bà cụ sống nhờ vào chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ nhưng vẫn sẵn sàng bán một chỉ vàng tích cóp bao năm mới mua được để góp tiền mở rộng đường giao thông nông thôn khi xã có chủ trương. Hay đó là anh nông dân trồng hoa màu sẵn lòng hiến đất để thực hiện công trình cầu, đường giao thông nông thôn. Đó còn là những tấm lòng thiện nguyện, đôi khi có cả những người nghèo tiền bạc nhưng giàu nghĩa nhân cũng sẵn lòng giúp đỡ người khác với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”... Những người tôi gặp là những người sống nghĩa tình, là con người văn hóa như trong các Nghị quyết số 03, số 33 và bài phát biểu của Tổng Bí thư đã nêu.
Những con người mới cũng là hiện thực sinh động đi vào các tác phẩm văn học, nghệ thuật mang theo thông điệp về xây dựng con người hướng đến chân - thiện - mỹ như nhà văn trẻ Phạm Khánh Duy chia sẻ: “Đối với hoạt động sáng tác văn học của đội ngũ văn, nghệ sĩ, những chỉ đạo xây dựng nền văn hóa của Tổng Bí thư giúp chúng tôi ý thức hơn trách nhiệm ngòi bút của mình, làm sao để lan tỏa được vẻ đẹp của một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong đời sống văn học. Có thể nói, bài phát biểu của Tổng Bí thư vô cùng sâu sắc, bao quát, rõ ràng và thấm đẫm tính nhân văn, hướng đến xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là điều cần thiết và cấp thiết, nhất là trong thời buổi mở cửa hội nhập ngày nay”.
Bài phát biểu là tâm huyết của Tổng Bí thư đối với sự phát triển văn hóa của đất nước ta, dân tộc ta. Và tinh thần chỉ đạo của bác được các địa phương, cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện. Tại Long An, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng gia đình, ấp, khu phố, xã văn hóa được thực hiện như một dòng chảy thường xuyên, liên tục để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và con người văn minh, nghĩa tình. Đặc biệt, năm 2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp các cơ quan liên quan biên soạn chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Long An, trong đó có nội dung quan tâm chăm lo, xây dựng con người Long An phát triển toàn diện về cả thể chất, trí tuệ và đạo đức trên cơ sở kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của quê hương Long An “Trung dũng kiên cường”; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhất là các đặc trưng “Đoàn kết, tự cường, sáng tạo, nghĩa tình, trách nhiệm”.
|
Bài học về phương châm lãnh đạo từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp nhiều địa phương nỗ lực vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.
|
Những tâm huyết của Tổng Bí thư dành cho sự nghiệp văn hóa của đất nước và dân tộc vô cùng cao quý. Thành kính cúi đầu tiễn biệt Tổng Bí thư, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xin nhớ mãi những cống hiến, tinh thần chỉ đạo, câu nói truyền cảm hứng của bác để học tập, noi theo, sống là người có ích như mong muốn xây dựng con người mới của Tổng Bí thư trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021./.
Thùy Hương