Tiếng Việt | English

01/03/2017 - 11:12

Giáo dục truyền thống từ việc làm thiết thực

Những bức tượng anh hùng liệt sĩ đặt ở một số trường trong huyện không những khắc họa chân dung những người con trung dũng của quê hương Đức Hòa, tỉnh Long An mà còn là hình tượng nhắc nhở thế hệ trẻ nhớ đến thời khắc lịch sử hào hùng của quê hương. Đó là việc làm thiết thực nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.


Từ khi đặt tượng anh hùng liệt sĩ, việc giáo dục truyền thống ở một số trường trên địa bàn huyện càng trở nên thiết thực (Trong ảnh, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Đẹp nghe tuyên truyền về tiểu sử anh hùng Nguyễn Văn Đẹp)

1. Trường Tiểu học Huỳnh Văn Tạo ở xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa là một trong những trường vinh dự được đặt bức tượng anh hùng Huỳnh Văn Tạo trong dịp kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930 - 03-02-2017). Bức tượng được làm bằng đồng, khắc họa chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người con ưu tú của quê hương Đức Hòa Thượng, anh dũng chiến đấu, hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ. Theo Hiệu trưởng trường Tiểu học Huỳnh Văn Tạo - Phạm Ngọc Du, việc đặt tượng là niềm tự hào đối với cán bộ, giáo viên và học sinh học tập dưới mái trường mang tên anh hùng. Qua đây, giáo dục tập thể nhà trường về đạo lý Uống nước nhớ nguồn, lòng tri ân đối với thế hệ cha ông ngày trước.

Trước đây, khi chưa đặt tượng, việc giáo dục truyền thống của trường vẫn được thực hiện thông qua các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ và vào ngày giỗ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Văn Tạo. “Vào ngày giỗ của ông - mùng 10 tháng 9 âm lịch hàng năm, tôi đưa một số học sinh đến gia đình ông ở ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng để nghe giới thiệu về lịch sử, sự dũng cảm của người anh hùng quê hương Đức Hòa. Ngoài ra, trong sổ Chi đội của trường có ghi tiểu sử anh hùng Huỳnh Văn Tạo để các em tìm hiểu, ghi nhớ. Từ khi đặt tượng, việc giáo dục truyền thống càng thiết thực và ý nghĩa hơn” - Tổng Phụ trách trường Tiểu học Huỳnh Văn Tạo - thầy Nguyễn Văn Vũ cho biết.

Em Ngô Phương Trinh - học sinh lớp 5/3 cho rằng: “Em tự hào khi được học tập dưới ngôi trường mang tên anh hùng Huỳnh Văn Tạo. Việc đặt tượng càng làm em tự hào hơn. Ngoài biết tiểu sử, cuộc đời hoạt động cách mạng của anh hùng Huỳnh Văn Tạo, em còn biết thế hệ đi trước hy sinh thế nào để chúng em có cuộc sống như hôm nay. Từ đó, em cố gắng học tốt, rèn luyện đạo đức để tiếp bước thế hệ ông cha”.

Để việc làm thiết thực mang ý nghĩa giáo dục truyền thống này ngày càng lan tỏa hiệu quả, trường còn đặt lư hương trước bức tượng để cán bộ, giáo viên thắp hương mỗi ngày. “Vì học sinh tiểu học còn nhỏ nên trường chưa tổ chức thắp hương hằng ngày để phòng cháy, nổ. Tuy nhiên, nhà trường xin chủ trương tổ chức cho toàn thể học sinh thắp hương tượng anh hùng Huỳnh Văn Tạo vào các ngày lễ lớn để việc giáo dục truyền thống càng hiệu quả hơn” - Hiệu trưởng Phạm Ngọc Du cho biết thêm.

2. Cũng là một trong những trường vừa được đặt tượng anh hùng liệt sĩ trong tháng 2 vừa qua, tập thể Trường Tiểu học Nguyễn Văn Đẹp ở xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa xem đây là niềm vinh dự lớn. Em Võ Văn Quỳnh Anh, học sinh lớp 5/2 của trường chia sẻ: “Qua lời giáo dục của thầy, cô, công trình măng non ghi đầy đủ tiểu sử anh hùng Nguyễn Văn Đẹp và tượng anh hùng Nguyễn Văn Đẹp được đặt tại sân trường giúp em hiểu thêm về đạo lý Uống nước nhớ nguồn. Là Liên đội phó của trường, em sẽ thường xuyên nhắc nhở các bạn chăm ngoan, học tốt và ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ”.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Đẹp - thầy Nguyễn Thái Sơn chia sẻ: “Vào các ngày lễ lớn, trường mời cựu chiến binh, cán bộ Tuyên giáo xã đến nói chuyện truyền thống cho học sinh nghe. Ngoài ra, trường nhận công trình chăm sóc Nhà truyền thống xã Đức Lập Hạ. Vào các ngày lễ lớn, trường tổ chức đưa học sinh đến dọn dẹp vệ sinh và thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ngoài giáo dục, nhà trường còn nhắc nhở các em biết giữ gìn, bảo quản những di tích ở địa phương, trong đó có tượng anh hùng Nguyễn Văn Đẹp”.

Ngoài ra, để giáo dục truyền thống hiệu quả, cô Trương Thị Kim Loan - giáo viên chủ nhiệm lớp 5/2 của trường cho biết: “Trong bài giảng, tôi thường lồng ghép đạo lý Uống nước nhớ nguồn, khơi gợi lòng tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương cho học sinh. Trong giờ sinh hoạt lớp, tôi tổ chức trò chơi, chia nhóm thi đua trả lời các câu hỏi về truyền thống lịch sử, tiểu sử anh hùng Nguyễn Văn Đẹp để qua đó giáo dục các em”. Đây cũng là hình thức mà tất cả giáo viên chủ nhiệm của trường thực hiện trong việc giáo dục truyền thống.

Những bức tượng bằng đồng được đặt trang nghiêm giữa sân trường dưới lá cờ Tổ quốc như lời nhắc nhớ về truyền thống lịch sử. Đó là niềm tự hào, là bài học về đạo lý Uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ học sinh.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo huyện Đức Hòa - Lê Văn Lực, tháng 02/2017, huyện tổ chức đặt 8 tượng anh hùng liệt sĩ tại một số trường mang tên các vị anh hùng trong huyện. Đến nay, toàn huyện có 12 trường đặt tượng các anh hùng liệt sĩ. Kinh phí đặt tượng do cán bộ, công chức, viên chức trong huyện đóng góp từ việc thực hiện tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người 1.000 đồng. Đây là công trình văn hóa - lịch sử có ý nghĩa lâu dài nhằm giáo dục truyền thống đối với các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, lực lượng học sinh tại các trường có nơi đặt tượng.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích