Tiếng Việt | English

30/08/2018 - 20:05

Sản xuất lúa thông minh: Chi phí giảm, lãi cao

“Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” (gọi tắt chương trình) được thực hiện tại ấp Cầu Lớn, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An từ năm 2016. Đến nay, canh tác lúa thông minh được lan tỏa, giúp nông dân có lãi cao hơn so với sản xuất thông thường.

Ruộng lúa thực hiện chương trình canh tác lúa thông minh

Ruộng lúa thực hiện chương trình canh tác lúa thông minh

Trước đây, anh Trần Văn Ngấm được chọn làm nhóm trưởng thực hiện mô hình tại ấp Cầu Lớn. Anh Ngấm cho biết, chương trình do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện. Có 5 nông dân được chọn thực hiện mô hình trình diễn trên diện tích 2,5ha và 2,5ha đối chứng. Mục tiêu nhằm chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đến nông dân để sản xuất, thu hoạch với năng suất cao, sản phẩm chất lượng. Qua thời gian thực hiện, đến nay, nông dân ấp Cầu Lớn làm chủ kỹ thuật canh tác mới và hài lòng với chương trình vì giảm chi phí sản xuất và lãi cao.

Ấp Cầu Lớn là vùng đất lâu đời trồng lúa nếp. Khi thực hiện chương trình, nông dân được hỗ trợ giống lúa nếp IR4625 xác nhận, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Anh Ngấm giải thích, làm lúa thông minh là giảm lượng lúa giống, phân bón, thuốc BVTV nhưng tăng cường kỹ thuật canh tác.

Anh Trần Văn Bé, ngụ ấp Cầu Lớn, cho biết, trước đây, khi chưa được hướng dẫn tham gia chương trình, nông dân sử dụng từ 150-180kg giống/ha, khi áp dụng kỹ thuật mới, chỉ sử dụng từ 100-110kg/ha, giảm phân nửa số lần phun thuốc BVTV. Thay vào đó, nông dân chú trọng khâu làm đất, sau mỗi vụ đều tiến hành cày ải, phơi đất, sử dụng các thiết bị cải tạo đất phù hợp. Đặc biệt, đánh rãnh đất phải sâu nhằm tháo chua, rửa phèn.

Giải thích vì sao giảm lượng lúa giống, anh Nhấm nói: “Giảm lúa giống để sạ thưa, cây lúa nhảy nhánh đều và bén rễ vào đất tốt, giúp cứng cây, sinh trưởng tốt. Hơn nữa, khi sạ thưa giúp ánh nắng đến từng gốc lúa, kể cả mặt ruộng nên hạn chế sâu, bệnh, rầy nâu, giảm số lần phun xịt thuốc trong mỗi vụ. Chính vì vậy, khâu đầu vào giảm chi phí nên nông dân rất phấn khởi. Đặc biệt, nông dân giảm số lần phun xịt thuốc BVTV nên ít ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như môi trường. Tuy vậy, lượng lúa thu hoạch không đổi so với trước đây”.

Từ khi thực hiện chương trình canh tác lúa thông minh, nông dân có lãi cao hơn trước đây từ 3-5 triệu đồng/ha/vụ (tùy giá bán ra) do tiết kiệm chi phí. Trưởng ấp Cầu Lớn - Nguyễn Văn Bé Tám cho biết, ban đầu tại ấp, nông dân chỉ thực hiện mô hình mẫu trên diện tích 2,5ha, đến nay, toàn ấp có 367ha đều thực hiện chương trình sản xuất lúa thông minh.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lạc - Trần Bá Trải chia sẻ, không chỉ nông dân ấp Cầu Lớn thực hiện canh tác lúa thông minh mà nông dân nhiều ấp khác cũng bắt đầu thực hiện, bởi hiệu quả rõ rệt từ việc tiết kiệm chi phí đầu vào, ít ảnh hưởng sức khỏe người sản xuất và bảo vệ môi trường.

M.Hương

Chia sẻ bài viết