Tiếng Việt | English

16/11/2017 - 16:54

Trăn trở nhà ở cho giáo viên

Ngoài nhà công vụ (NCV) được đầu tư xây dựng ở xã biên giới, nhà ở cho giáo viên (GV) của một số trường trên địa bàn huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An còn khó khăn. Nhiều GV phải thuê trọ hoặc tận dụng phòng học cũ làm nơi ở tạm thời trong quá trình công tác...


Ở Trường THCS Tân Lập, dãy phòng học cũ được tận dụng làm nhà ở cho giáo viên nhưng cũ kỹ, xuống cấp

Đầu tư cho xã biên giới

Nằm trong Cụm dân cư ấp Bình Tây 1, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, một dãy NCV khang trang, kiên cố là nơi đi về của những GV ở xa thuộc Trường Tiểu học, THCS Bình Hòa Tây. Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hòa Tây - Trần Văn Hết: “Dãy NCV này được xây dựng gần 15 năm trước. Ngoài 7 phòng, mỗi phòng rộng gần 36m2, ở cụm dân cư còn có 4 phòng ở điểm trường phụ ấp Bình Bắc. Nhờ xây dựng NCV nên GV ở xa có điều kiện an cư trong quá trình giảng dạy ở vùng biên giới.

Từng ở NCV trong điểm trường ấp Bình Bắc, hơn 3 tháng nay, vợ chồng thầy Lương Xuân Diện, Trường Tiểu học Bình Hòa Tây, chuyển đến NCV ở Cụm dân cư ấp Bình Tây 1 để tiện việc đến trường. “Ở NCV rất thoải mái vì rộng rãi, sạch sẽ. Tận dụng khoảng đất trống trước hành lang và phía sau NCV, GV trồng thêm rau màu, chăn nuôi gà để cải thiện bữa ăn, giảm chi phí chi tiêu trong gia đình. Với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng, vợ chồng tôi đủ chi các khoản phí sinh hoạt và nuôi con nhỏ. Vì vậy, nếu không có NCV, chúng tôi phải mất thêm tiền thuê trọ hàng tháng. Nhờ có NCV mà đời sống GV đỡ vất vả” - thầy Diện chia sẻ.

Quê huyện Cần Giuộc, cô Đoàn Thị Thu Ngân gắn bó với học trò vùng biên giới Bình Hòa Tây đã 8 năm. Nhà xa, cô Ngân ở lại NCV trên cụm dân cư. Cô cho biết: “Ở NCV, mỗi tháng, vợ chồng tôi chỉ tốn vài trăm ngàn đồng tiền điện, nước nên tiết kiệm được một khoản tiền. Nhà trường tạo điều kiện cho GV từ xa đến công tác được ở NCV nên dù dạy học trong điều kiện khó khăn, bản thân cũng phải cố gắng hoàn thành”.

Đoạn đường từ NCV đến Trường THCS Bình Hòa Tây mà cô Ngân đang dạy dài 12km nhưng phải qua hơn 10 cây cầu. Đường đến trường đã khó, việc dạy học càng khó hơn. Ở vùng này, học sinh thường xuyên nghỉ học nên mỗi lần như vậy, cô Ngân cùng nhà trường lại đến vận động. Dù vất vả nhưng tình yêu học sinh “níu chân” cô suốt nhiều năm qua. Từ đó, cô quyết gắn bó và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Hóa - Phạm Thị Thái Thanh thông tin: Ở 2 xã biên giới Bình Hòa Tây và Bình Thạnh có 20 phòng ở cho GV. Điều này giúp GV an cư để an tâm công tác tốt.


Dãy nhà công vụ dành cho giáo viên ở Cụm dân cư ấp Bình Hòa Tây 1, xã Bình Hòa Tây được xây dựng khang trang, tạo nơi ở ổn định cho giáo viên

Còn nhiều khó khăn

Nếu những xã biên giới được đầu tư xây dựng NCV cho GV thì một số trường trên địa bàn huyện Mộc Hóa, GV phải ở trọ hoặc tận dụng phòng học cũ làm nhà ở vì chưa có NCV.

Tại Trường THCS Tân Lập, một số phòng học cũ phía sau của trường được GV sử dụng để ở. Nhưng đây là giải pháp tạm thời vì dãy nhà rất cũ và xuống cấp. Bên ngoài lối đi giữa 2 dãy phòng, nền xi măng bong tróc và ẩm thấp, thậm chí có lúc bị ngập. Trong một căn phòng, 3 GV cùng ở và phải ngăn ra từng gian nhỏ. Giường ngủ cũng trở thành nơi làm việc với một chiếc bàn kê nơi góc giường để GV ngồi soạn giáo án,...

Cô Võ Thị Thúy An, quê huyện Thạnh Hóa, bộc bạch: “Chúng tôi mong ước có NCV kiên cố hơn để ở thoải mái, rộng rãi. Còn bây giờ, ở chung, tôi lại có con nhỏ nên cũng ngại vì ảnh hưởng đến các GV khác”.

“Thê thảm” hơn là Trường Tiểu học Bình Hòa Trung. Một số GV ở xa khi về đây dạy phải ở trọ vì không có phòng học trống để tận dụng làm phòng ở. “Toàn trường có khoảng 15 GV từ nơi xa đến dạy. Chính vì khó khăn về nhà ở nên hàng năm, lượt GV xin chuyển trường về quê khá nhiều. Năm học 2016-2017, có 8 trường hợp xin chuyển trường nhưng chỉ có 1 GV được chuyển. Giúp GV có nơi ở ổn định, tôi ký bảo lãnh cho 10 thầy, cô trong trường vay tiền từ các ngân hàng để mua nền đất, cất nhà để có nơi đi về sau một ngày lên lớp. Nhưng, đó là những GV có thâm niên giảng dạy, lương cao nên có khả năng trả tiền vay. Còn GV trẻ từ nơi xa đến vẫn ở trọ. Hiện tại, trường có nhu cầu 4 phòng ở cho những GV này” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hòa Trung - Nguyễn Thị Thái Hòa cho biết.

Từ miền Trung xa xôi, chị Nguyễn Thị Vinh về Trường Tiểu học Bình Hòa Trung công tác 16 năm nay. Suốt khoảng thời gian này, chị ở trọ trong khi lương GV thấp. “Ở trọ tốn kém nên có thời gian, tôi chuyển đến ở trong phòng học của điểm trường cũ. Nhưng, đến mùa nước nổi là không ở được vì ngập. Tôi phải qua ở nhờ với bạn bên Trường Tiểu học Tân Lập. Thấy GV vất vả vì nơi ở không ổn định, năm 2014, hiệu trưởng ký bão lãnh cho tôi vay tín chấp 150 triệu đồng mua đất cất nhà và trả hàng tháng. Tuy nhà chưa khang trang lắm nhưng so với thời gian trước, tôi thấy ổn hơn nhiều. Từ đó, bản thân cũng vui và an tâm giảng dạy”.

Theo bà Phạm Thị Thái Thanh, toàn huyện có nhu cầu về NCV cho GV gần 45 phòng. Có nơi ăn, chốn ở ổn định, không những an cư mà cuộc sống GV sẽ bớt khó khăn, an tâm công tác và việc giảng dạy cũng thuận tiện hơn. Ðó là mơ ước của không ít GV vùng sâu, vùng xa, biên giới./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích