Tiếng Việt | English

14/09/2020 - 10:24

Trường đạt chuẩn quốc gia: Môi trường học tập thuận lợi cho học

Xây dựng và giữ vững danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) là nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của các trường học, nhằm tạo môi trường học tập thuận lợi cho học sinh (HS). Đây cũng là một trong những chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.

Giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy, góp phần khơi gợi tinh thần học tập của học sinh. Ảnh: Ngọc Thạch

Đầu tư cơ sở vật chất

Xây dựng trường đạt CQG, ngành Giáo dục và Đào tạo rà soát quy hoạch mạng lưới trường, lớp các cấp học theo hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập và tiếp tục phát triển mạng lưới trường, lớp ngoài công lập, tạo điều kiện thuận lợi cho HS đến trường, nhất là HS vùng sâu, vùng xa; đồng thời phối hợp lãnh đạo địa phương trong việc quy hoạch đủ diện tích đất cho trường đạt CQG.

Ngành Giáo dục và Đào tạo xây dựng lộ trình đầu tư cơ sở vật chất cho các trường theo từng năm để xây dựng trường đạt CQG; đồng thời triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề án, kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường học theo hướng đạt CQG như triển khai Dự án Đầu tư xây dựng và Mua sắm thiết bị cho các trường đạt CQG; Dự án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường và trong công tác đổi mới quản lý; Dự án Mua sắm trang thiết bị dạy học ngoại ngữ; Dự án Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường đảm bảo các điều kiện đạt CQG;...

Trường Mầm non Sơn Ca (xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ) từ ngôi trường quy mô nhỏ đã vươn lên đạt CQG. Đó là nhờ trường được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của các ngành, cấp trên. Trước năm 2015, Trường Mầm non Sơn Ca dạy và học trong điều kiện khó khăn, phải mượn phòng học của trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Phòng học không đúng quy cách, không có phòng chức năng và các trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi thiếu, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, tâm lý giáo viên, phụ huynh và trẻ. Tuy nhiên, sau khi được đầu tư cở sở vật chất và sự nỗ lực nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ, trường được công nhận đạt CQG trong năm 2020.

Diện mạo mới của Trường Mầm non Sơn Ca

Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca - Trần Thị Cẩm Loan tâm sự: “Ngôi trường mới khang trang, đạt CQG với đầy đủ cơ sở vật chất, phòng chức năng cùng cây xanh, bóng mát, khu học tập ngoài trời cho trẻ thay thế dãy phòng học mượn, thiếu thốn mọi bề của ngày trước. Tập thể cán bộ, giáo viên và phụ huynh rất phấn khởi. Trường tiếp tục nỗ lực để giữ vững danh hiệu đạt CQG và tạo lòng tin, uy tín hơn nữa về chất lượng giáo dục với phụ huynh và xã hội”.

Sau 5 năm, quy mô giáo dục trong tỉnh tiếp tục được sắp xếp, củng cố về mạng lưới trường, lớp và nâng cao về chất lượng hoạt động; các phòng học, phòng chức năng và trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy được bổ sung dần cho các trường trên khắp địa bàn tỉnh. Từ đó, các trường sử dụng và khai thác triệt để cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đơn vị mình và đạt CQG.

Nâng cao chất lượng dạy học

Từ khi đạt CQG, Trường Mầm non Khánh Hưng (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) tiếp tục phát huy thế mạnh, nỗ lực nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ để giữ vững danh hiệu trường đạt CQG. Theo đó, trường được công nhận lại đạt CQG năm 2017.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Hưng - Lê Thị Nhĩnh cho biết: “Trường đặc biệt chú trọng công tác nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ. Theo đó, mỗi năm học, trường tạo điều kiện cho giáo viên tham gia tập huấn, học tập kinh nghiệm tại các trường trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, từ đó lựa chọn những phương pháp giáo dục tốt nhất nhằm phát huy năng lực của trẻ. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của trường được nâng lên theo từng năm học”.

Giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy và theo sát học sinh trong quá trình giảng dạy

Ngoài ra, các trường còn thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, từng bước giảm tỷ lệ HS lưu ban, bỏ học ở các cấp học.

Đầu mỗi năm học, Trường THCS Nhựt Tân (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) xây dựng kế hoạch nhằm phát triển HS mũi nhọn và củng cố kiến thức HS yếu. Theo đó, trong quá trình dạy học, trường phát hiện HS giỏi, có năng khiếu, mở các lớp bồi dưỡng để phát huy thế mạnh của các em. Riêng những HS yếu, giáo viên bộ môn chịu trách nhiệm phụ đạo trong giờ ra chơi hoặc trái buổi. Ngoài ra, giáo viên còn chọn phương pháp giảng dạy phù hợp thông qua đồ dùng dạy học, áp dụng công nghệ thông tin,… nhằm khơi gợi sự hứng thú học tập của HS.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Giàu - GV môn Toán, Trường THCS Nhựt Tân, bộc bạch: “Để HS yêu thích môn học, thích thú tìm hiểu kiến thức mới, GV phải thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp. Theo đó, tôi thường xuyên cho HS chơi các trò chơi liên quan nội dung bài học, tham gia hoạt động nhóm, hoạt động cá nhân, phát phiếu học tập,… Nhờ những hoạt động này, HS hiểu được mình là trung tâm của sự học, không lệ thuộc vào GV, từ đó chủ động hơn trong việc học”.

Cơ sở vật chất bảo đảm, HS phát huy thế mạnh trong quá trình học tập, góp phần đưa chất lượng giáo dục ngày càng đi lên. Có thể thấy rõ, trường đạt CQG là môi trường học tập thuận lợi cho HS, góp phần rút ngắn khoảng cách điều kiện học tập của HS vùng thành thị và nông thôn./.

Học sinh tích cực tham gia xây dựng bài học

Tính đến ngày 30/7/2020, tỉnh có 306/590 trường đạt CQG, đạt 51,86% (chỉ tiêu nghị quyết hơn 50% trường đạt CQG). Trong đó, mầm non có 114/219 trường đạt CQG; tiểu học có 105/189 trường đạt CQG; THCS có 79/139 trường đạt CQG; THPT có 8/43 trường đạt CQG. Theo từng năm, tỷ lệ trường đạt CQG đều đạt, vượt kế hoạch đề ra. Từ 27,37% trường đạt CQG năm 2016, tỉnh nỗ lực đạt 35,26% trường đạt CQG năm 2017 (kế hoạch 31,9%), đạt 45,35% trường đạt CQG năm 2018 (kế hoạch 40%), đạt 49,18% trường đạt CQG năm 2019 (kế hoạch 48%) và đạt 51,86% trường đạt CQG tính đến ngày 30-7-2020 (kế hoạch năm 2020 là 50,5%). Từ nay đến cuối năm, ngành Giáo dục và Đào tạo nỗ lực giữ vững và nâng cao hơn nữa tỷ lệ trường đạt CQG. Nhiệm kỳ 2020-2025, ngành đề ra chỉ tiêu 60% trường đạt CQG trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết