Tiếng Việt | English

05/02/2017 - 08:22

Vì sao tai nạn giao thông tăng cao trong dịp Tết?

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là số vụ tai nạn và số người chết do tai nạn giao thông cả nước lại tăng lên.

Tết Đinh Dậu 2017 có 203 người chết và 417 người bị tàn tật trong 368 vụ TNGT xảy ra trong 7 ngày Tết. Trung bình, mỗi ngày có 29 người tử vong vì TNGT và 59 người bị thương. Trong 7 ngày nghỉ Tết, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) có diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng và tăng so với Tết Bính Thân.

Hiện trường một vụ TNGT trong dịp Tết vừa qua
So với 7 ngày Tết Bính Thân 2016, có thể thấy Tết Nguyên đán 2017 tình hình trật tự an toàn giao thông có diễn biến phức tạp hơn, tai nạn giao thông đã tăng trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết và bị thương. Số vụ tai nạn giao thông tăng 84 vụ (29,5%), tăng 21 người chết (11,5 %), tăng 135 người bị thương (48%).

Sử dụng quá nhiều rượu bia và sự nể nang của cơ quan chức năng

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, nguyên nhân TNGT tăng là do tình trạng người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy.

Tại Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh… tình trạng người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3, chở 4, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ diễn ra phổ biến.

Cẩu xe khách gặp nạn gần chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) khiến 2 người chết, 27 người bị thương khỏi hiện trường, giải tỏa giao thông
“Nhiều người vẫn điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia, nhất là các vùng nông thôn, cũng làm tình hình trật tự an toàn giao thông ngày Xuân thêm phức tạp. Một số thanh niên cũng lấy ngày Tết là thời điểm “xả hơi” để tụ tập khuya, tham gia giao thông không an toàn, không đội mũ bảo hiểm cũng là nguyên nhân dẫn đến TNGT gia tăng dịp Tết…”, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật nhận định.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, TNGT dịp Tết năm nay tăng cao trên địa bàn ngoài đô thị (trên các quốc lộ, đường tỉnh và khu vực nông thôn), chủ yếu liên quan đến mô tô, xe máy.

Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, nguyên nhân trực tiếp của TNGT tăng cao là do ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị và nông thôn, như: lái xe trong tình trạng vi phạm quy định nồng độ cồn, sai phần đường, làn đường, quá tốc độ, chở quá số người quy định; người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường…

Các nạn nhân TNGT được cấp cứu tại bệnh viện
“Một nguyên nhân nữa dẫn đến TNGT tăng cao là do hạn chế về hiệu lực chỉ đạo, điều hành và tổ chức bảo đảm TTATGT trên địa bàn ngoài đô thị. Ngoài ra vẫn còn tâm lý “nể nang” trong ngày Tết của lực lượng chức năng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn trong việc xử lý những vi phạm của người tham gia giao thông”, ông Khuất Việt Hùng phân tích thêm.

Năm nay có 2 trong 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến phương tiện kinh doanh vận tải. Theo ông Hùng, cần xem xét nguyên nhân của công tác bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện và trách nhiệm của công tác kiểm tra, kiểm soát. Còn đối với vụ tai nạn giữa xe chở khách và tàu hỏa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, mặc dù nguyên nhân trực tiếp là do người điều khiển ô tô khách cố tình vượt đường ngang khi đã quan sát thấy đoàn tàu, nhưng cũng cần phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương.

“Cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương và đơn vị khai thác hạ tầng đường sắt, vì Ủy ban ATGT Quốc gia và Cục Đường sắt Việt Nam đã có chỉ đạo về việc phải cảnh giới 7 lối đi dân sinh trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả lối đi tại vị trí xảy ra tai nạn), tuy nhiên địa phương và đơn vị không tổ chức thực hiện cảnh giới”, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, giai đoạn từ nay đến hết quý I năm 2017, có nhiều lễ hội Xuân diễn ra trên khắp cả nước, thu hút số lượng lớn người tham dự lễ hội và các hoạt động vui chơi, giải trí… mức độ sử dụng rượu bia của người dân và khách tham quan tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ gây mất TTATGT, ùn tắc giao thông trên các tuyến trọng điểm, các tuyến kết nối đến nơi tổ chức lễ hội.

“Ủy ban ATGT yêu cầu các địa phương chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông tại những điểm chưa hợp lý, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trên các tuyến kết nối đến khu vực lễ hội và địa bàn diễn ra lễ hội; tăng cường kiểm tra chất lượng phương tiện và người điều khiển xe ô tô; yêu cầu chủ phương tiện và hành khách trên đường thuỷ thực hiện nghiêm quy định về mặc áo phao và mang dụng cụ cứu sinh khi tham gia giao thông…”, ông Hùng cho biết./.

Phi Long/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết