Tiếng Việt | English

09/07/2015 - 20:27

“Đường về nhà”: Hành trình của niềm tin

Mang cái tên rất giản dị “Đường về nhà”, nhưng cuốn sách không chỉ kể về hành trình đạp xe 3.395 km từ Bắc Kinh về Hà Nội của một cô gái Việt Nam, mà còn nêu bật lòng tin ở những con người trong hành trình ấy.

Tác giả Đinh Phương Linh, thứ hai từ phải qua.

Khác với tất cả những cuốn sách du ký đang có hiện nay, “Đường về nhà” không phải do chính chủ nhân hành trình tự chắp bút, mà được ghi lại dưới ngòi bút của tác giả trẻ Đinh Phương Linh.

Trong lời giới thiệu sách, Phương Linh viết: “Cũng chẳng có gì đâu. Chỉ là chuyện một cô gái trẻ quyết định năm nay không về nhà ăn Tết bằng cách thông thường nữa. Nhà cô cách trường 3.395 km. Cô đạp xe từ mùa đông Bắc Kinh cóng buốt về mùa xuân Hà Nội ẩm ướt. Dưới cái lạnh âm độ C, dưới mưa tuyết, dưới sương mù dày đặc, cô đạp xe dọc theo những đường nội hạt, đường vành đai, đường quốc lộ, đường đồi núi cheo leo, đêm tối ngủ nhờ dưới mái nhà của những con người hào hiệp hoặc trong một nhà trọ tồi tàn. Có ít nhiều gian nan, có vài lần nguy hiểm, có đôi bận chực nản chí, chân cô guồng rất nhanh nhưng đôi mắt và trái tim cô thả chậm, để cảm nhận bao con người, bao câu chuyện, bao cuộc đời và quan trọng nhất là bao tấm lòng.

Tất cả những người biết chuyện này đều bảo cô điên thật rồi. Nhưng chuyện thật cũng có gì đâu, chẳng qua "Nếu không điên bây giờ thì sau này sẽ già mất...".

"Và bởi thử thách thực sự trong cuốn sách này không phải là ba mươi ngày đạp xe trên đường. Thử thách thực sự chính là việc bạn sống mỗi ngày, can đảm với những lựa chọn, gặp gỡ mọi người và học hỏi những điều mới mẻ để mạnh mẽ, tươi tắn và bao dung hơn mỗi ngày".

Đinh Phương Linh cho biết, nhân vật của cuốn sách sinh năm 1991, có biệt danh là Su, hiện đang sống và làm việc tại Philippines. Chuyến đi kỳ lạ của Su là nguyên liệu tuyệt vời cho nữ tác giả trẻ này chắp bút “nấu” lên một tác phẩm về lòng tin. Phương Linh cho hay, cô chọn thể loại phóng sự báo chí cho cuốn sách, có thông tin tư liệu, có dẫn chứng.
Linh nói, cuốn sách này đề cập đến lòng tin ở những người xa lạ. Trong một hành trình, khi đặt lòng tin vào một điều gì đó, bạn sẽ mở lòng mình. Ở đây, Su đã đặt lòng tin vào những người lạ mình gặp trên đường, trong chuyến đi theo kiểu couchsurfing, tức là kết nối qua Internet, thành lập một cộng đồng sẵn sàng cho du khách ở nhờ nhà miễn phí. Chủ nhà sẽ được chấm điểm bởi chính những người khách ở nhờ, và sẽ được ưu tiên mỗi khi đi du lịch và ở nhờ một nơi nào đó. Những chủ nhà tham gia couchsurfing đều đã được kiểm chứng kỹ càng khi tham gia cộng đồng này. Couchsurfing là kiểu đi du lịch khá phổ biến trên thế giới và thu hút rất đông người trẻ tham gia.

Trong cuốn sách, Su chia sẻ: “Tôi biết, góp một phần lớn trong việc hoàn thành hành trình này của tôi là những cuộc gặp gỡ, những lời động viên để tôi tăng thêm tinh thần. Những người tôi gặp trên đường nói rất nhiều với tôi, ví dụ họ muốn được như tôi, họ muốn có thời gian, họ muốn được “điên” một lần trong đời… Tôi có cảm giác sự giúp đỡ chân thành mà tôi nhận được giống như một lời gửi gắm những mong muốn của mọi người vào tôi”.

Hành trình của Su, như thế, không giống với bất kỳ hành trình nào khác, và đã trở thành chất liệu để Đinh Phương Linh lựa chọn các câu chuyện, “chế biến” thành một món lạ miệng cho độc giả.

Nữ tác giả trẻ cho biết, cuốn sách không thuộc thể loại du ký, nó cũng không cung cấp những thông tin về văn hóa, du lịch hay xã hội của những điểm đến dọc hành trình của Su. Đơn giản, nó chỉ nói về sự tin tưởng của con người dành cho nhau trong xã hội mà lâu nay lòng tin đã trở nên khó khăn hơn, nhất là trong trường hợp một cô gái trẻ một thân một mình đi xa chỉ với một chiếc xe đạp như vậy.

TUYẾT LOAN/Theo nhân dân điện tử

Chia sẻ bài viết