Lớp 4/2 năm nay khá đặc biệt. Đó là theo lời kể của cô giáo chủ nhiệm. Cô Ngọc nói lớp mình năm nay toàn là các bạn có tài lẻ, năng khiếu đặc biệt. Bạn thì vẽ tranh siêu đẹp như bạn Khải, bạn nhảy điêu luyện như vũ công chính là bạn Ngân Khánh, bạn viết văn hay ơi là hay chính là bạn Châu Anh, lại thêm bạn Vỹ có tài kể chuyện, mỗi khi đứng trước lớp kể là cô giáo cùng các bạn lặng phắc để nghe bạn kể từng câu, từng từ.
Đấy, nhiều nhân tài như vậy, nên cô Ngọc vui lắm.
Nhưng mà lớp 4/2 đặc biệt không hẳn là vì các bạn đều có cái giỏi của riêng mình mà còn bởi có nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn. Bạn Gia An bị liệt chân nên không tự đi học được. Hàng ngày, ba bạn bế bạn đặt lên chiếc xe Dream cũ kỹ để chở đến lớp rồi chiều lại đón về. Rồi bạn Minh Quang, ba bạn mất từ khi bạn còn nhỏ. Mỗi ngày đi học, Minh Quang được thầy cô yêu mến vì vẻ hiền lành, dễ thương.
Còn một bạn nữa, đó là bạn Thái.
Một lần, vô tình Châu Anh hỏi Thái:
- Mẹ cậu làm nghề gì?
Thì bạn đáp hồn nhiên:
- Mình không có mẹ.
Thì ra lúc sinh bạn, mẹ bạn đã không qua khỏi. Bạn chưa một lần được nhìn mặt mẹ. Bạn mồ côi từ đó.
Nhưng Châu Anh không phải vừa, Châu Anh vặn lại khi nghe bạn Thái trả lời như vậy.
- Sao lại không có mẹ? Ai cũng có mẹ hết. Bạn nói xạo.
Đêm đó về, Thái không sao ngủ được. Vì Thái chẳng bao giờ nói xạo ai cả. Sao Châu Anh lại nói mình xạo nhỉ? Rõ là mình không có mẹ mà.
Thái muốn hỏi ba, mẹ đâu nhưng ba của Thái vốn trầm tính, ít nói. Ba là công an điều tra, tối ngày bận bịu với các vụ án, đi sớm về khuya, có lẽ vì thế nên Thái sợ hỏi ba những câu hỏi như thế. Thôi thì im lặng vậy.
Hôm đó, cô giáo ra bài tập về nhà. Cô yêu cầu cả lớp hãy viết một bài tập làm văn tả về mẹ của mình. Tuần sau, cô sẽ yêu cầu các bạn đứng đọc trước lớp để cô nhận xét. Đề bài đó lại khiến Thái lo lắng. Thái tả mẹ như thế nào, mẹ ra sao, Thái chẳng có chút xíu nào về mẹ trong ký ức cả, làm thế nào bây giờ?
Tan học rồi, Thái bần thần ngồi ở hành lang, ngay trước cửa lớp nhìn ba mẹ các bạn trong lớp tới đón con. Ngày nào Thái cũng về sau cùng vì ba Thái luôn đón con muộn nhất lớp. Thế là một ý tưởng vụt qua đầu, Thái sẽ nhìn mẹ của các bạn trong lớp mình rồi về viết vào bài văn tả mẹ gửi cho cô giáo chủ nhiệm.
Kia rồi, Thái thấy một cô còn khá trẻ. Cô ấy đi một chiếc xe máy Vespa màu trắng, đôi giày cao gót màu tím, đeo một chiếc kính đen to bản, choán hết cả khuôn mặt đang phóng ào vào sân trường. Một lát, Thái thấy Công Dũng leo lên xe của cô. Thì ra là mẹ của Công Dũng. Trong suy nghĩ của Thái, có lẽ mẹ mình chắc sẽ sành điệu như cô Huế - mẹ bạn Công Dũng.
Một lát, Thái thấy một cô tầm 40 tuổi, đeo chiếc kính cận gọng màu đen đậm, mặt nghiêm nghị, đang chạy chầm chậm trên chiếc xe Lead tiến vào chỗ cửa lớp của Thái. Đó là mẹ của Châu Anh. Cô ấy là nhà văn, mỗi lần đến đón Châu Anh, bao giờ cô ấy cũng đứng nói chuyện với một bé gái khoảng 5 tuổi là em của bạn An trong lớp. Thấy mẹ Châu Anh, Thái lại nghĩ, có lẽ mẹ mình giống cô ấy hơn.
Nhưng đang băn khoăn thì một cô đi chiếc xe máy cà tàng, treo lủng lẳng toàn đồ ăn trên xe. Cô ấy bịt kín mít, chỉ lộ ra hai con mắt, đỗ xịch xe ngay trước cửa lớp, ngó vào lớp, tìm bạn nào đó mãi không thấy. Thấy Thái đang ngồi ở hành lang, cô hỏi:
- Bé ơi, biết Quỳnh Anh đâu không?
À thì ra cô là mẹ của bạn Quỳnh Anh. Nhìn cô ấy có vẻ gì đó thật vất vả và vội vã. Có lẽ mẹ của Thái không có giọng nói khàn khàn và ăn mặc kín mít như thế này đâu nhỉ!
Mãi rồi, khi trường vắng bóng người, chỉ còn lại bác Nam bảo vệ đang đi kiểm tra các lớp thì ba của Thái mới tới. Khuôn mặt ba nhễ nhại mồ hôi và không giấu được sự mệt mỏi. Nhìn Thái buồn buồn đứng đó chờ ba, ba vội vã nói lời xin lỗi:
- Xin lỗi con trai, ba tới trễ. Chúng ta về thôi! Hôm nay, ba chở con đi ăn gà rán nhé!
- Dạ! - Tiếng Thái nhỏ xíu, lí nhí trả lời ba. Có lẽ trong lòng bạn ấy đang dấy lên một chút dỗi hờn vì ba đón trễ. Lúc này, Thái ước gì có mẹ. Mẹ sẽ đón bạn ấy thật sớm, không để bạn ấy phải chờ lâu như ba, tới trễ hoài.
Mai là thứ bảy rồi. Thông thường vào giờ sinh hoạt, cô giáo sẽ mời một số bạn đứng lên đọc bài văn của mình. Ngày mai sẽ phải nộp bài tả về mẹ. Thái hơi băn khoăn vì bạn ấy tả mãi vẫn không ra được… mẹ. Bài văn của bạn có bóng dáng của cô Huế - mẹ bạn Công Dũng, lại pha chút ân cần của mẹ bạn Châu Anh, thêm chút lấm lem, vất vả của mẹ bạn Quỳnh Anh. Ôi không được! Mẹ mình không phải thế này.
Thái buồn rầu ngồi tưởng tượng về mẹ. Bạn ấy chưa bao giờ dám hỏi ba về mẹ. Bạn ấy sợ chạm vào nỗi đau trong lòng ba. Chín năm rồi, ba hứa với bạn ấy sẽ không quen ai, sẽ không cưới vợ khác.
Nghĩ ngợi mãi, Thái ngủ quên trên bàn học, gục đầu xuống bài văn tả mẹ còn dang dở.
Hôm sau, ba gọi Thái dậy sớm. Có lẽ đêm qua, ba đã đọc trộm được bài văn Thái viết tả mẹ mình rồi.
Ba đưa cho Thái một cuốn album và nói:
- Đây là mẹ con. Con mở ra để biết mẹ nhé! Ba sợ cho con xem, con sẽ buồn và nhớ mẹ, nhưng…
Thái lật từng trang trong cuốn album. Kia là ảnh ngày đầu ba mẹ quen nhau. Hồi đó mẹ tròn tròn, phúc hậu. Kia là hình mẹ ngày mang bầu Thái. Nhìn mẹ mũm mĩm, thật dễ thương! Còn đây là hình mẹ đang đứng phát biểu trong một hội nghị nào đó. Mẹ mặc vest đen nghiêm nghị,… Ôi nhiều hình quá! Hình nào mẹ cũng toát lên vẻ ấm áp, dễ thương đến lạ. Vậy là Thái biết mẹ mình như thế nào rồi. Tới một tấm hình khá đặc biệt, ba chỉ vào mẹ với mái tóc ngắn mới cắt, nói:
- Hình này ba dẫn mẹ đi cắt tóc trước khi sinh con một tuần…
Tới đoạn này, Thái khóc òa lên. Thái nhớ mẹ, thương mẹ.
Buổi học hôm đó, sau khi gọi một số bạn lên đọc bài văn tả mẹ, cô Ngọc đã tránh không gọi Thái vì cô biết mẹ của bạn đã mất. Cô sợ chạm vào nỗi buồn của Thái. Nhưng cuối lớp, Thái lại giơ tay như muốn phát biểu. Thế là cô mời bạn.
- Cô ơi, con có thể đứng nói được không ạ, vì bài văn con tả mẹ tối qua ba nói không đúng…
Cô Ngọc đồng ý và bạn dũng cảm đứng lên, đi về phía bục giảng. Bạn đứng cạnh cô như tìm một động lực, một sự đồng cảm, rồi bạn kể về mẹ bạn, bạn kể như những gì hồi sáng nay, ba của bạn kể cho bạn nghe về mẹ qua từng bức ảnh kỷ niệm.
Bạn kể tới đâu, cả lớp lặng im nghe tới đó. Phía cuối lớp, có đứa lấy tay gạt nước mắt, nhất là Châu Anh ấy, bỗng dưng nó khóc òa lên. Trên bục giảng, mắt cô Ngọc cũng đỏ hoe…
Lê Thị Nguyệt Minh