Tiếng Việt | English

17/05/2018 - 01:00

Ði qua cuộc chờ

Chiều nhập nhằng. Chiếc tàu cập lại bến sông. Đứa trẻ nhỏ lon ton chạy vào cất tiếng gọi:

- Nội ơi. Con về rồi!

Ngoại ôm thằng nhỏ vào lòng. Dẫu không máu mủ ruột rà, ngoại tôi cũng không nhìn thấy được mặt mũi thằng nhỏ ra thế nào nhưng nó là niềm an ủi của ngoại. Ngoại thương nó như cháu ruột. Có lúc bị lẫn không còn nhớ ai nhưng ngoại vẫn ôm nó vào lòng, vỗ về đung đưa theo câu hát. Cậu Út hy sinh gần hai mươi năm, dì mới đi lấy chồng sau bao tháng năm ngắn dài chờ đợi. Ngày dì chưa lấy chồng, má tôi vẫn thường nói:

- Đời con gái có một lần, đừng chờ nữa! Thằng Út thấy em vậy, nó cũng không yên nghỉ được đâu.

Dì lấy chồng xa. Trước đêm rước dâu, dì nắm bàn tay của ngoại, giọt nước mắt ấm nóng chảy tràn làm nhòa đi mọi thứ xung quanh. Từng tiếng nói như đứt quãng của dì cứ vang lên trong màn đêm tĩnh mịch.

- Con mãi là con dâu của má.

Cho nên dăm ba tháng, dì và thằng nhỏ lại về thăm ngoại. Thằng nhỏ thì cứ ríu ra ríu rít quanh ngoại. Nhiều lần, dì đứng nhìn di ảnh của cậu Út thật lâu, đứng đến khi thằng nhỏ lay lay gọi mẹ. Thắp nén nhang, dì lúi húi nấu mâm cơm cúng cậu. Không ai biết cậu hy sinh vào ngày nào, giờ nào nên má tôi đành chọn ngày tiễn cậu ra chiến trường để làm đám giỗ.

Minh họa: Thiện Mỹ

Minh họa: Thiện Mỹ

Mẹ con dì về. Ngoại lại ngồi lặng lẽ bên song cửa. Từng cơn gió rít vào từng thớ thịt, lạnh buốt. Chênh vênh một chiều không nắng! Tấm ảnh trên tay trôi theo lời ru rưng rức. Ngoại vẫn chờ cậu Út trở về sum họp nhưng không biết bao lần, những buổi chiều buồn cứ đi qua cuộc đời ngoại mà cậu thì vẫn bặt vô âm tín. Cậu ở lại đâu đó trên đoạn đường hành quân hay trong cánh rừng già. Cậu hóa thành bất tử, mãi mãi tuổi hai mươi căng đầy ngực trẻ với giấc mơ ngày đất nước giải phóng. Cậu sẽ trở về lợp lại cho ngoại mái nhà tranh, sửa cái cửa bị sứt bản lề, cho ngoại một đứa cháu để ẵm bồng, cho người thương khỏi chờ, khỏi đợi. Nhưng ngày cả trời miền Nam rợp cờ chiến thắng, ngoại chen vào dòng người đổ xô trở về, gọi lạc cả giọng vẫn không tìm được cậu. Ngoại gục xuống bên đường. Nước mắt ngoại không còn vì những cuộc chia ly. Đôi mắt ngoại dần chìm trong bóng tối. Với những bóng người nhạt dần nhưng hình ảnh của chồng và đứa con trai Út cứ lớn dần lên trong lòng ngoại.

Má kể, có những đêm mưa tầm tã, ngoại một mình dò dẫm trong đêm đi tìm cậu Út. Mặc màn đêm đặc quánh, mặc gió giông, mặc đôi mắt không còn thấy được gì, dù chỉ là một vệt sáng nhỏ nhoi, ngoại vẫn bước đi trong bóng đêm, tiếng gọi con da diết cả một góc trời quê. Lúc má gặp ngoại cũng là lúc ngoại trượt chân ngã xuống mương đất. Má khóc ròng, ôm ngoại vào lòng, ánh mắt má vẫn nhìn về phía rừng già xa ngái. Từng tháng năm qua không thể xóa nhòa vết thương trong lòng ngoại. Má cố gắng bù đắp bao nhiêu thì lời hứa một ngày trở về của cậu vẫn âm thầm đi qua đời ngoại. Kho nồi cá lóc, má không dám kho ngon. Má sợ ngoại lại nhắc “mình ăn ngon vầy, hổng biết lúc ở rừng, nó có ăn được như vầy không”. Đêm giao thừa, má không dám nhắc cho ngoại biết, má sợ ngoại sụt sùi nhớ ra thêm một năm nữa cậu Út không về. Má nuốt nước mắt, chặt cây ổi già mà ông ngoại trồng hồi còn sống, chỉ vì mùa ổi chín nào, ngoại cũng nhắc “Út ơi! ổi chín rồi con!”.

Biết bao lần má nhìn dáng ngoại gầy hao, mòn mỏi trông tin con. Vết thời gian vẽ từng vệt dài khắc khổ. Chừng như thời gian không làm nỗi nhớ trong ngoại vơi đi. Dù cho ngoại bao lần nói sảng, bước qua những loạn lạc đời mình. Bóng dáng cậu Út như vẫn còn đây, trong tiếng bìm bịp kêu thắc thỏm chiều về, trong ngọn khói đốt đồng bảng lảng, trong hương ổi chín nồng nàn. Ngoại nhớ tất thảy những gì thuộc về cậu. Những cánh thư úa nhàu, từng con chữ đã nhòa đi vì nước mắt của ngoại, của má và cả của tôi. Ngoại nâng niu chúng như báu vật đời mình. Với niềm tin một ngày nào đó, cậu sẽ trở về sau bao ngày chia cách.

Rồi khi những nhớ thương cứ ngày một đầy thêm, tuổi già cứ bủa vây ngoại. Có những lúc ngoại không nhớ mình là ai, không biết người ngày ngày tắm rửa, đút từng miếng cơm cho mình là con gái của mình nhưng ngoại vẫn ngồi thẫn thờ với màn đêm thê thiết, đôi môi cứ nhấp nháy “Út ơi...”.

Bên chiếc võng ngày nào, ngoại ngồi ru lại từng giấc mơ ngày xưa. Hồi còn nhỏ, ngoại vẫn ru tôi ngủ và kể cho tôi nghe về những lần tiễn ông ngoại, cậu Út ra chiến trường. Ngày ông ngoại không về, hoa nở trắng cả triền sông. Cậu Út xếp lại bút nghiên, gác lại mối tình cậu chưa kịp cầm tay, chỉ có ánh mắt thôi cũng đủ chờ nhau đến cả đời. Cầm tờ giấy báo tử của ông ngoại trên tay, cậu đi để trả thù nhà, đòi nợ máu của non sông. Ngoại nuốt nước mắt vào trong, từng cái vẫy tay cứ mờ dần và trôi vào hun hút. Đôi tay ngoại cứ rời những người thân yêu của mình, trong chới với và đơn lạnh. Ngày cậu đi, má bơi xuồng chở cậu ra thị xã. Nhịp chèo của má như nặng thêm. Cậu dúi vào tay má chiếc lược mù u, cậu tự tay làm tặng má. Cậu hôn lên tóc ngoại, cậu muốn ngửi hương bồ kết nồng nàn trên tóc. Đâu ai biết được rằng, đó là lần cuối cùng cậu được vùi vào mái tóc bông lau của ngoại, được chạm từng đốt chai sần trên đôi tay ngoại. 

Đêm về trong hoang hoải nhớ thương. Má cơi lên bếp lửa. Gian nhà vắng, từng ánh lửa soi trên đôi mắt đầy dấu chân chim của má. Tôi gối đầu vào lòng má. 

Ngoài mé sông, từng ngọn gió đuổi dồn trên hàng cây đứng tuổi, tiếng gió lay xạc xào bờ lá. Ngoại lại thẫn thờ.
- Bây về với má đó hả Út ơi.../.

Nguyễn Chí Ngoan

Chia sẻ bài viết