Bài 2: Còn những “điểm nghẽn” (tiếp theo bài trước)
Thời gian qua, công tác bồi thường, GPMB có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, công tác này còn những “điểm nghẽn”, làm chậm tiến độ triển khai công trình, dự án (DA), ảnh hưởng đến quá trình thu hút đầu tư của tỉnh.
Lấn cấn về đơn giá bồi thường
Hiện nay, một số DA, người dân đồng thuận chủ trương nhưng lấn cấn về đơn giá bồi thường, chưa bàn giao mặt bằng để thực hiện dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện xảy ra,... DA Khu công nghiệp (KCN) Hựu Thạnh (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa) có diện tích hơn 524ha, có hơn 1.300 hộ dân và 2 tổ chức bị ảnh hưởng. Chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tổ chức tuyên truyền, vận động và thực hiện bồi thường, GPMB.
DA đã kiểm đếm đạt 100%, phê duyệt phương án bồi thường 100%, chi trả cho hơn 1.280 trường hợp với diện tích 513ha, số tiền hơn 1.824 tỉ đồng. Hiện nay, KCN hoàn thiện hạ tầng, tiếp nhận đầu tư. Tuy nhiên, DA còn vướng 23 hộ dân và 14 hộ kiểm đếm vắng chủ với diện tích hơn 14ha chưa nhận tiền.
Khu công nghiệp Hựu Thạnh (huyện Đức Hòa) còn một số hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng
Bà Trần Thị B. (có đất trong DA KCN Hựu Thạnh) cho biết: "Đơn giá bồi thường của DA khá thấp so với giá thị trường nên gia đình chưa đồng ý nhận tiền. Người dân mong muốn giá bồi thường phải bảo đảm lợi ích cho người dân, tránh tình trạng nhận tiền bồi thường xong thì ra bên ngoài DA khó có thể mua lại được một lô nền mới. Chúng tôi mong muốn khi thực hiện đơn giá bồi thường thì cơ quan chức năng phải áp sát giá thực tế".
Thông tin từ UBND huyện Đức Hòa, hiện nay, đơn giá bồi thường của các DA thường xuyên biến động, năm sau cao hơn năm trước, dẫn đến việc bồi thường gặp nhiều khó khăn (trên cùng 1 địa bàn, vị trí tương đồng nhưng có 2 đơn giá), người dân so bì nên một số hộ chưa đồng thuận cao trong vấn đề bàn giao mặt bằng.
Tại huyện Bến Lức, DA kè chống sạt lở bờ sông bảo vệ thị trấn Bến Lức có chiều dài hơn 2km, đoạn qua địa bàn thị trấn Bến Lức dài 1.625m, đoạn qua địa bàn xã Thanh Phú dài 452,5m. UBND huyện đã phê duyệt phương án tổng giá trị bồi thường cho 156 trường hợp, với số tiền hơn 122 tỉ đồng, diện tích 1,5ha. Đến nay, huyện chi trả cho 145 hộ với số tiền hơn 118 tỉ đồng, diện tích 1,46ha. Hiện DA còn 11 hộ chưa đồng ý nhận tiền với tổng số tiền 6,4 tỉ đồng. Người dân chủ yếu khiếu nại về giá bồi thường, xác định diện tích đất và đề nghị bố trí tái định cư (TĐC).
Ông Hà Văn S. (có đất trong DA kè chống sạt lở bờ sông bảo vệ thị trấn Bến Lức) cho biết: "Người dân đồng thuận với chủ trương nhưng giá đền bù, hỗ trợ quá thấp nên chúng tôi rất khó khăn khi đến nơi ở mới. Hy vọng địa phương xem xét về đơn giá, tránh ảnh hưởng quyền lợi của người dân".
Lấn cấn về giá bồi thường, hỗ trợ tại các DA là một trong những “điểm nghẽn” trong công tác bồi thường, GPMB ở các địa phương hiện nay. Một số nơi, địa phương buộc phải thu hồi đất để bảo đảm tiến độ, sớm đưa DA vào hoạt động, hướng đến mục tiêu vì sự phát triển chung. Tuy nhiên, vấn đề then chốt là các bên cần phối, kết hợp chặt chẽ để tạo sự đồng thuận cao, hạn chế tình trạng bắt buộc phải thu hồi đất.
Vướng cơ chế, chính sách
Theo UBND huyện Đức Hòa, bên cạnh kết quả đã đạt, công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn huyện còn những vướng mắc nhất định, ngoài đơn giá bồi thường còn liên quan đến cơ chế, chính sách,... Một số DA có sử dụng đất trồng lúa diện tích hơn 10ha phải xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất của Chính phủ, mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng tiến độ triển khai DA. Về chế độ TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi DA, người dân ở địa phương bị mất đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp với diện tích khá lớn (hơn 5.000m2), tuy nhiên, khi thu hồi đất và xem xét TĐC, hộ dân còn nơi ở khác trên địa bàn - nơi có đất thu hồi, do đó không được xem xét TĐC dẫn đến sự so bì đối với các hộ mất đất diện tích nhỏ, người ở địa phương khác mà được xét TĐC. Vấn đề này làm ảnh hưởng đến quá trình vận động, thu hồi đất,...
Huyện Bến Lức cũng gặp những khó khăn, vướng mắc tương tự về cơ chế, chính sách liên quan DA có sử dụng đất trồng lúa hơn 10ha, chính sách TĐC,... Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út, huyện tiếp giáp TP.HCM, cùng với chủ trương phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ tại khu vực, tình hình biến động đất đai thời gian qua rất lớn, giá đất tăng không ngừng làm ảnh hưởng đến công tác bồi thường; chính sách bồi thường còn nhiều bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời, không phù hợp với nguyện vọng của người dân như diện tích bị thu hồi đất nông nghiệp hay đất thổ cư lớn phải bố trí lô nền TĐC và thêm lô nền ưu đãi, hỗ trợ ổn định cuộc sống, chuyển đổi nghề đối với gia đình chính sách và cán bộ đang làm việc,...
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, qua làm việc, nắm bắt thực tế, hiện nay, có nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường, GPMB. Mặc dù cơ chế, chính sách bồi thường, GPMB được hoàn thiện nhưng vẫn chưa sát thực tế, dẫn đến việc thực hiện của các địa phương, các ngành gặp khó khăn; chưa có khu TĐC nên chưa triển khai được DA chính; người dân chưa đồng thuận cao về đơn giá bồi thường; công tác giao nền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân TĐC chưa đạt yêu cầu, gây bức xúc cho người dân;... Năng lực tài chính của một số chủ đầu tư không bảo đảm cũng gây khó khăn lớn cho quá trình bồi thường, GPMB các DA.
|
Chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính
Bên cạnh đơn giá bồi thường, cơ chế, chính sách thì hiện nay, một nguyên nhân khiến việc bồi thường, GPMB tại các DA “ì ạch”, thậm chí “giậm chân tại chỗ” chính là một số chủ đầu tư không bảo đảm năng lực tài chính, thiếu hợp tác với địa phương để giải quyết các vướng mắc kéo dài,... gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương.
Việc các chủ đầu tư chậm triển khai DA, chậm chuyển trả tiền làm chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, gây bức xúc đối với các hộ đã đồng ý nhận tiền theo phương án được duyệt. Một số DA trên địa bàn huyện Đức Hòa như KCN Lộc Giang, KCN Thế Kỷ, chủ đầu tư chậm chuyển nguồn kinh phí để chi trả bồi thường hỗ trợ các hộ dân theo phương án được phê duyệt.
Người dân huyện Cần Giuộc tìm hiểu phương án bồi thường của Khu công nghiệp Nam Tân Tập
Thông tin từ UBND huyện Cần Giuộc, huyện được chấp thuận chủ trương, quyết định chủ trương đầu tư 88 DA khu, cụm công nghiệp, dân cư, đô thị, TĐC, thương mại và dịch vụ,... với diện tích hơn 7.000ha. Huyện đã hoàn thành GPMB 31 DA với diện tích gần 1.000ha; 34 DA với diện tích hơn 2.081ha đang triển khai chi trả bồi thường; 23 DA với diện tích hơn 4.042ha đang thực hiện các thủ tục đất đai, quy hoạch, chưa phê duyệt phương án bồi thường.
Công tác GPMB được huyện tập trung, quyết liệt thực hiện nhưng vẫn chưa đạt so với kỳ vọng (từ khi NQ số 25 được ban hành đến đầu tháng 9/2024, huyện chi trả bồi thường cho 2.172 trường hợp với diện tích khoảng 312ha, tổng số tiền hơn 3.598 tỉ đồng), chưa xử lý dứt điểm một số DA bồi thường dở dang. Nguyên nhân là đơn giá, cơ chế, chính sách, công tác quản lý đất đai một số nơi chưa chặt chẽ. Một số chủ đầu tư chưa bảo đảm năng lực tài chính nên chậm chi trả tiền hỗ trợ bồi thường (KCN Nam Tân Tập, khu TĐC phục vụ Cụm công nghiệp Tân Tập,...)./.
(còn tiếp)
Thanh Mỹ
Bài cuối: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng