Tiếng Việt | English

30/11/2015 - 15:36

Ấn tượng miền đất đỏ

Trước năm 1975, miền này người ta mệnh danh là “xứ bụi mù trời” hay “xứ buồn muôn thuở”. Một nhà thơ đã viết: “Về thăm xứ bụi mù trời/ Sao buồn muôn thuở hỡi người cao nguyên(…)/ Đỉnh mù xe ngại đường lên/ Người trên lưng ngựa, ngựa trên lưng đèo” để mô tả bức tranh ảm đạm của miền đất đỏ trong thời đạn bom tràn ngập tin chiến sự trên các kênh truyền thông ấy.

Điệu múa “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”

Mới rồi, đoàn Hội Nhà báo (HNB) tỉnh Long An đã có chuyến đi giao lưu với HNB các tỉnh Tây nguyên, trong đó, có tỉnh Bình Phước mới thành lập trên dưới 10 năm nay với “thủ phủ” là Đồng Xoài, một vùng đất đỏ rừng hoang mà đến nay, tuy là thị xã nhưng tầm vóc đô thị hoành tráng và hiện đại không kém chi đô thị loại III.

Thật ấn tượng với những con đường rộng thênh thang đầy bóng cây xanh và cây tạo cảnh. Đẹp nhất là Quốc lộ 14 không một vết nứt hay giặm vá nào, cứ tuyền một màu nhựa đường phẳng lì. Thỉnh thoảng 2 bên đường rực lên màu vàng hoa dã quỳ và những cây cổ thụ phô dáng thế đẹp như tranh vẽ.

Vừa vào cà phê sáng, nhà báo Phan Minh Hoàng - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình kiêm Chủ tịch HNB tỉnh Bình Phước thông báo: Hôm nay, chúng ta sẽ đi tham quan Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng sóc Bom Bo. Sau đó, chúng ta đi Khu du lịch sinh thái Trảng Cỏ Bù Lạch cùng dự án phim trường tại xã Đồng Nai,…

Nghe nói sóc Bom Bo tôi đã ngán vì khoảng 4 năm trước đường rừng quá xấu, bụi đỏ mắt khiến chúng tôi phải quay xe trở ra. Với Đồng Xoài 1977, tôi đã có 3 tháng thực tế tại Trung đoàn TNXP Trung Dũng của TP.HCM khi mở đất đưa dân đi kinh tế mới vào lập nghiệp trên rừng le đầy hố bom, hố pháo, để bây giờ mọc lên một khu đô thị hiện đại và tươi trẻ trải đến tận các bìa rừng và chân đồi.

Đường Phú Riềng Đỏ với 6 làn xe băng qua lòng thị xã. Xe bon bon êm ái trên đường Quốc lộ 14 đây đó điểm những cụm đô thị hay khu dân cư mới hình thành trên các nương rẫy. Lòng tôi cứ nao nao như gió thổi màu xanh điều, cà phê khép tán từng ngọn đồi.

Nhà báo Hoàng Đức Hùng từng là phóng viên năng nổ tác nghiệp trên các đại ngàn phum sóc, chỉ dãy núi xa xa màu khói xám, nói đó là Trường Sơn; đi mút Quốc lộ 14 sẽ đến ngã ba Bờ Y, nơi một tiếng gà gáy cả 3 nước Đông Dương đều nghe.

Xe tới ngã ba Minh Hưng một khu thị tứ sầm uất, anh bảo đây là khu dân cư của bà con Tân Trụ, Châu Thành (Long An) đến lập nghiệp từ hơn 20 năm nay và ai cũng giàu lên nhờ kiên trì vỡ đất trồng điều và cà phê.
Xe rẽ vào Đường tỉnh 760 êm ái qua những ngọn đồi phủ kín điều, cà phê, rẽ sang đường Điểu Ong đã thấy một cụm nhà ngói đỏ tươi, hoành tráng giữa đại ngàn với hàng chữ “Lễ khánh thành và bàn giao công trình Nhà tiếp đón Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng sóc Bom Bo”.

Vậy là công trình vừa mới hoàn thành. Toàn khu bảo tồn có diện tích 113,4ha, trong đó, có 70ha vùng lõi và hơn 40ha vùng đệm, có nhà dài truyền thống, trường học, sân lễ hội, nhà lưu giữ làng nghề truyền thống, nhà cho voi ở… Tổng kinh phí xây dựng lên tới 289 tỉ đồng.

Vào bên trong, tôi choáng ngợp trước vô số hiện vật và hình ảnh minh họa các công cụ sản xuất, các phong tục tập quán sinh hoạt văn hóa, lễ hội, các loại nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Stiêng. Mãi xem, bất ngờ tiếng nhạc nổi lên trên sân khu nhà đón tiếp với giai điệu quen thuộc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”.

Anh Đức Hùng nói, nhạc sĩ Xuân Hồng viết bản nhạc này từ 1965 khi tham gia chiến dịch Đồng Xoài-Phước Long theo quyết định của Bộ Tư lệnh Miền, lấy sóc Bom Bo làm trung tâm tiếp tế lương thực cho bộ đội đánh trận này và nhạc sĩ chứng kiến cảnh cả sóc Bom Bo vào hội-đêm từng đêm đốt đuốc lồ ô giã gạo, nam, nữ, già, trẻ, lớn bé cùng cầm chày. Hễ máy bay địch tới là tắt đuốc, lao xuống hầm tránh bom. Hết máy bay, mọi người lại tiếp tục…

Người Stiêng bây giờ cái bụng đã no, cái đầu đã có chữ nghĩa, họ không còn sống cảnh du canh du cư lạc hậu, bấp bênh,… Họ sống hiền hòa với bà con người Kinh mà vẫn giữ bản sắc dân tộc mình.

Đoàn các HNB Long An, Bình Phước và TP.HCM đã trồng cây lưu niệm trên đường Xuân Hồng bên hông khu nhà đón khách, trước khi tiếp tục cuộc hành trình xuyên đại ngàn để tới khu Dự án phim trường kết hợp du lịch sinh thái Trảng Cỏ Bù Lịch.

Anh Minh Hoàng chỉ trảng cỏ rộng bằng hơn 20 sân bóng đá, nói chọn điểm này mở dự án phim trường vì đất trống hoang tự nhiên, không phải giải tỏa gì hết. Anh chỉ cái hồ nước rộng mênh mông, nói đó cũng là hồ nước tự nhiên chứ không phải nhân tạo, có rất nhiều cá, tôm. Theo thiết kế, dãy rừng cặp theo hồ nước sẽ tạo hình bản đồ nước Việt Nam với các nét tượng trưng văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em. Trên hồ nước tạo hình 2 cụm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên bãi đất trống sẽ xây dựng các loại hình cần cho phim trường. Dự án tiếp tục thực hiện theo hướng xã hội hóa.

Anh Đức Hùng chỉ đống đá dăm cao như ngọn đồi bên trảng cỏ trống, nói chuẩn bị làm đường vành đai. Bình Phước có đường biên giới giáp 3 tỉnh bên nước bạn Campuchia.

Ở gần biên giới có núi Bà Rá, người Stiêng gọi Bơnom Brah (núi thần) cao 732m so mặt nước biển, thuộc thị xã Phước Long (Bình Phước). Trên núi có nhiều hang đá lớn đều là di tích cách mạng thời chống Pháp, chống Mỹ; có nhiều miếu, đền thờ như ở núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Sam (Châu Đốc) và hàng năm đều có các lễ hội ở các đền, miếu đó, thu hút đông đảo khách thập phương.

Hiện nay, ngành du lịch đang xây dựng tuyến cáp treo lên núi Bà Rá. Núi Bà Rá gắn với Thác Mơ và hồ thủy điện Thác Mơ thành một cụm du lịch văn hóa - sinh thái liên hoàn ngoạn mục. Lên núi tới đồi Bằng Lăng, du khách leo 1.767 bậc đá tam cấp giữa hai hàng cổ thụ là tới đỉnh núi. Nghe anh Hùng nói mà tôi thèm và tiếc vì chưa có dịp đặt chân lên đó. Đành chào tạm biệt và hẹn gặp lại để không còn tiếc rẻ nữa, anh Hùng nhé!./.

Ký sự của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết