Tiếng Việt | English

19/07/2015 - 09:50

Bà Mười Xiềm “lỡ dại”

Ở tuổi 72, nghệ nhân Mười Xiềm không còn đứng đổ bánh xèo nữa mà truyền nghề lại cho người con trai duy nhất của mình. Song, bà luôn trăn trở vì không thể chịu được việc ai đó muốn “xâm canh” thương hiệu làm nên tên tuổi Mười Xiềm.

Tại lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ diễn ra ở TP Cần Thơ mới đây, nhiều người có dịp gặp lại bà Mười Xiềm (Nguyễn Thị Xiềm). Trong lúc các nhân công đang thoăn thoắt đôi tay đổ từng chiếc bánh xèo nóng hổi phục vụ khách, bà Mười Xiềm ngồi ở phía sau “cánh gà” để quan sát từng cử chỉ của thực khách. Thỉnh thoảng, có người lại dõi mắt về phía bà rồi nói: “Bà Mười Xiềm kìa”. Nghe qua, bà nở nụ cười đôn hậu, bảo: “Tui có được ngày hôm nay là cũng nhờ nhà nước đấy”.

Chuỗi ngày khó khăn

Như để giải thích cho chuyện “nhờ nhà nước”, bà Mười Xiềm hồi tưởng lại những năm tháng khổ cực đã qua của cả đời bà. Bà sinh ra và lớn lên ở miệt Cái Vồn, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Hơn 8 tuổi, bà bỏ học giữa chừng vì nhà có nhiều anh em nên rất khó khăn. Từ đó, bà lao vào cuộc sống mưu sinh bằng đủ thứ nghề với mẹ mình. Nhờ nhanh nhẹn, khéo tay nên cô bé Xiềm mau chóng tiếp cận nghề gói bánh tét, bánh ít và đổ được bánh xèo thơm ngon. Thỉnh thoảng, bé Xiềm còn phụ mẹ nấu đám tiệc cho bà con ở thôn quê.

Khi trở thành thiếu nữ, cô gái có cái tên Xiềm nghe là lạ và nức tiếng giỏi giang khiến không ít gia đình muốn được cưới về làm dâu. Thế nhưng, duyên số đã kết đôi cô Xiềm với anh tài xế tên Lê Văn Tư, một chàng trai nghèo ở miệt Trà Nóc, TP Cần Thơ. Cưới nhau xong, đôi vợ chồng son lại dắt díu nhau lên tận TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để gầy dựng hạnh phúc.

 

Nghệ nhân Mười Xiềm đã truyền nghề lại cho người con trai duy nhất của mình

Tại Biên Hòa, bà Mười Xiềm bắt đầu khởi nghiệp nghề đổ bánh xèo, gói bánh tét để phục vụ cho tầng lớp lao động nghèo. Rồi đứa con trai ra đời, đôi gánh bánh xèo của bà càng trở nên nặng nhọc hơn. Bà quần quật làm việc từ sáng sớm đến tận khuya nhưng cái nghèo cứ đeo bám mãi. Năm 1972, gia đình bà bồng bế nhau trở về Trà Nóc để tiếp tục mưu sinh bằng thúng bánh xèo, bánh chuối.

Trong một lần đi tìm người làm bánh bột gạo xay bằng cối đá, bà Trần Ngọc Nga (cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin TP Cần Thơ lúc bấy giờ) tình cờ ngang qua gánh bánh của bà Mười Xiềm. Mua một ít về dùng thử, bà Nga thấy ngon và lạ miệng nên giới thiệu nhiều người đến thưởng thức. “Cô Nga giới thiệu tôi đến đổ khoảng 700 cái bánh xèo, cả ngàn cái bánh khọt để phục vụ một khu di tích. Đấy là lần đầu tiên tôi đổ bánh nhiều như thế” - bà Mười Xiềm nhớ lại.

Truyền nghề cho con trai

Nhờ tài nghệ khéo léo và đổ bánh thơm ngon của mình, bà Mười Xiềm vinh dự có tên trong 39 nghệ nhân trên khắp mọi miền đất nước được Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) chọn đi tham gia lễ hội Đời sống dân gian Smithsonian 2007, diễn ra tại Mỹ từ ngày 23-6 đến 9-7-2007. Cũng từ sau chuyến xuất ngoại này, nhiều người biết đến món bánh xèo của bà.

Thời điểm đó, cái tên Mười Xiềm xuất hiện liên tục trên mặt báo. Hàng loạt đài truyền hình tìm về căn nhà nhỏ ven đường của vợ chồng bà ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ để làm phóng sự. Đến nỗi, mỗi sáng ra chợ mua vật liệu về đổ bánh xèo, ai ai cũng nhận ra bà Mười Xiềm. “Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình nổi tiếng như thế” - bà hồi tưởng.

Cũng nhờ nổi tiếng, tiệm bánh xèo xập xệ của bà Mười Xiềm ngày càng trở nên quá tải lượng khách đến thưởng thức. Thấy bà làm ăn được, hàng xóm cũng kéo đến phụ xay bột, lựa rau... Đổi lại, hễ thấy ai khó khăn, bệnh hoạn thì bà móc túi cho họ ít tiền. Bởi theo bà Mười Xiềm: “Bây giờ cuộc sống gia đình tôi dù không giàu có gì nhưng cũng đỡ hơn hồi xưa nhiều. Mình từng khổ nên hiểu rõ và đồng cảm với những người khổ như mình và thấy cần giúp họ”.

Hiện tại, tiệm bánh xèo ven đường của bà Mười Xiềm được mở rộng ra gấp nhiều lần so với trước đây. Tuy nhiên, thực khách đến thưởng thức bánh xèo không còn chứng kiến hình ảnh bà cặm cụi thổi lửa, đổ bánh như trước nữa. Thay vào đó, người con trai duy nhất của bà đã thay mẹ duy trì thương hiệu “Bánh xèo Mười Xiềm”. Những lúc đông khách, con dâu và cháu nội của bà cũng vào bếp đổ bánh. “Coi vậy chứ nó đổ còn ngon hơn tui nữa đó nghen” - bà Mười khoe tài nghệ đổ bánh của người con trai.

Theo bà Mười, sắp tới đây, khi nhà nước thu hồi đất mở rộng đường, bà sẽ lấy tiền bồi thường mở một quán bánh xèo to hơn ngay trung tâm TP Cần Thơ để thực khách tiện ghé thưởng thức.

Trăn trở với hợp đồng nhượng quyền

Lúc mới trở về từ chuyến đi Mỹ, bà Mười Xiềm đã “lỡ dại” (theo cách nói của bà) đặt bút ký tên vào bản hợp đồng 3 năm với một khu du lịch ở TP Cần Thơ để đến chế biến bánh xèo trong 2 ngày cuối tuần, đồng thời chịu trách nhiệm huấn luyện cho đội ngũ nhân viên của khu du lịch. Không những thế, hợp đồng còn yêu cầu bà nhượng quyền thương hiệu bằng cách chỉ được bán bánh xèo tại nhà từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, chứ không được bán thêm địa điểm nào khác.

Đổi lại, bà Mười Xiềm được trả lương 300.000 đồng/ngày. Dù tuổi già sức yếu nhưng bà phải bấm bụng thực hiện hợp đồng. “Ngày đó quá khó khăn, ai nói sao thì mình nghe vậy chứ có biết gì đâu... Hơn nữa, tui ít học nên không hiểu những gì họ ghi trong hợp đồng” - bà tiếc rẻ.

Sau khi hết hợp đồng với khu du lịch, bà Mười Xiềm lại một lần nữa “lỡ dại” vì vướng vào hợp đồng nhượng quyền thương hiệu vĩnh viễn với một Việt kiều để nhận 1 tỉ đồng. Cũng nhờ số tiền này, bà trả được nợ và mua một miếng đất để cất căn nhà tường dưỡng già. Tuy nhiên, từ việc nhượng quyền này, bà cảm thấy bị rối tung trong quá trình làm ăn.

Theo bà Mười Xiềm, ngày nọ, có một phụ nữ lạ tìm đến nhà bà tặng một bức tranh và hỏi mượn bản hợp đồng nhượng quyền nêu trên mang về cho con gái xem, “để dự tính ký hợp đồng hùn vốn mở quán bánh xèo”. Ít học và tin người nên bà mở tủ lấy hợp đồng đưa mà không hề do dự.

Kể từ đó, người phụ nữ lạ mặt và bản hợp đồng đã mất tăm. Bà Mười Xiềm liên lạc với ông Việt kiều để xin lại bản hợp đồng công chứng nhưng ông này bảo do dọn nhà nên cũng làm thất lạc. “Tui nói nếu cả 2 cùng bị mất hợp đồng thì ngồi lại với nhau để làm hợp đồng mới nhưng ông ấy không phản hồi gì. Giờ thì không còn hợp đồng trong tay, tui không biết thực hiện thế nào” - bà băn khoăn.

Bà Mười Xiềm chỉ nhớ trong hợp đồng nhượng quyền đó có quy định rõ ông Việt kiều sẽ kinh doanh thương hiệu “Bánh xèo Mười Xiềm” ở TP HCM, còn bà sẽ kinh doanh tại TP Cần Thơ. Thế nhưng, trong đợt lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ vừa qua, bà bất ngờ khi nhận thấy có đến 2 gian hàng “Bánh xèo Mười Xiềm” xuất hiện tại đây cùng với gian hàng của bà. Khi bà thắc mắc thì ban tổ chức và ông Việt kiều cứ ậm ừ cho qua chuyện. “Chỉ cần nói một tiếng là tui đồng ý ngay, đằng này họ không nói gì mà lại đi “xâm canh” địa bàn của tui” - bà Mười tỏ ra bức xúc. 

Bí quyết làm bánh xèo ngon

Bà Mười Xiềm cho biết nhân bánh xèo của bà làm bằng củ sắn, giá, hẹ, tép bạc, thịt heo và thịt vịt xiêm... “Mỗi sáng, tui chịu khó ra chợ săn lùng những vật liệu còn tươi đem về chế biến. Bột gạo (loại gạo dẻo, thơm) vừa xay xong (bằng cối đá) thì đổ bánh liền, để lâu sẽ không ngon khi đổ bánh” - bà tiết lộ.

Để đổ được cái bánh xèo trông bắt mắt nhưng cầm trên tay không dính dầu mỡ, bà Mười Xiềm chỉ dùng mỡ động vật chứ không dùng dầu ăn. Cho mỡ vào, khi chảo đổ bánh (loại bằng gang) vừa đủ nóng thì lấy ra khỏi bếp và đổ bột vô, sau đó tiếp tục để lên bếp cho đến khi chín. Nguyên liệu ăn kèm với bánh xèo gồm các loại rau mọc hoang dại ở miệt đồng...

 

Các nhân công của bà Mười Xiềm đổ bánh xèo tại lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ vừa qua

Bài và ảnh: Trần Công Tuấn/Theo nld.com.vn

Chia sẻ bài viết