Tiếng Việt | English

18/10/2015 - 10:43

Bảo hiểm hưu trí bổ sung có khả thi?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kỳ vọng nghị định về bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ mở ra khung pháp lý giúp người lao động có mức lương hưu cao hơn, bảo đảm cuộc sống khi về già.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về bảo hiểm hưu trí bổ sung. Nghị định gồm 5 chương, 27 điều, được lấy ý kiến đến hết ngày 1-12, trước khi trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Theo dự thảo, đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là những người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) đang tham gia BHXH bắt buộc.

Lương hưu sẽ cao hơn

Theo Bộ LĐ-TB-XH, tính đến hết tháng 6-2015, cả nước có khoảng 2,15 triệu người hưởng lương hưu hằng tháng với mức bình quân 3,9 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, trên 790.000 người nghỉ hưu trước năm 1995 hưởng lương hưu từ ngân sách và gần 1,36 triệu người nghỉ hưu từ năm 1995 trở đi hưởng lương hưu từ quỹ BHXH.

Người dân nhận lương hưu tại Cơ quan BHXH TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho rằng mức lương hưu bình quân của NLĐ hiện tại là không bảo đảm đời sống. Vì vậy, nhiều người mong muốn được đóng thêm tiền để được nhận lương nhiều hơn khi về hưu nhưng lại bị khống chế. Bởi lẽ, theo Luật BHXH hiện hành, tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở.

“Như vậy, trường hợp NLĐ có lương cao hơn thì giới hạn trần đóng BHXH là chưa thuận lợi nếu họ có nhu cầu được hưởng lương hưu cao hơn khi về già, tương ứng với mức lương khi họ còn đi làm” - ông Huân nhận xét.

Để minh chứng cho đề xuất của mình là cần thiết, Bộ LĐ-TB-XH dẫn ví dụ một số doanh nghiệp (DN) thu hút nhân tài bằng cách áp dụng chính sách đãi ngộ NLĐ về khoản lương hưu bổ sung trong tương lai để khuyến khích họ làm việc lâu dài, như: Unilever Việt Nam, Dutch Lady Việt Nam, Nestlé Việt Nam... Theo Bộ LĐ-TB-XH, các DN này đã áp dụng hình thức đãi ngộ thông qua việc trích lập một quỹ hưu trí bổ sung từ lợi nhuận sau thuế của mình để chi trả lương hưu bổ sung cho NLĐ khi họ hết tuổi lao động.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH cũng khẳng định trên thế giới hiện có rất nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển, xây dựng chế độ hưu trí đa tầng với các tầng chính là: Hưu trí cơ bản (thực hiện bắt buộc, có sự tham gia của NSDLĐ, tương tự chính sách BHXH bắt buộc ở nước ta), hưu trí bổ sung (bổ sung cho hưu trí cơ bản, có sự tham gia của NSDLĐ) và hưu trí tự nguyện (thực hiện hoàn toàn tự nguyện xuất phát từ nhu cầu và khả năng của NLĐ, chủ yếu mang tính tiết kiệm, không có sự chia sẻ rủi ro). Theo Bộ LĐ-TB-XH, trên thế giới hiện có khoảng 80 quốc gia đã triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, nhà nước khuyến khích NLĐ và NSDLĐ tham gia thông qua các ưu đãi trong chính sách thuế. Cơ chế tạo lập quỹ là từ sự đóng góp của NLĐ và NSDLĐ. “NSDLĐ đóng thấp hơn hoặc bằng 22% của 20 lần mức lương cơ sở. Các khoản đóng của DN và NLĐ được miễn thuế thu nhập” - Bộ LĐ-TB-XH nêu rõ.

Để bảo đảm mục tiêu bảo toàn và tăng trưởng quỹ cũng như hạn chế rủi ro, dự thảo nghị định cũng quy định tỉ trọng giá trị đầu tư vào trái phiếu Chính phủ trong tổng giá trị quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung tại mọi thời điểm tối thiểu bằng 50%.

Do đây là chính sách hưu trí nhằm bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc nên việc chi trả sẽ được thực hiện hằng tháng với thời điểm hưởng và quá trình thụ hưởng sẽ cùng với hưởng lương hưu của BHXH bắt buộc.

Về cơ chế hưởng, NLĐ sẽ hưởng hưu trí bổ sung hằng tháng khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc hưởng một lần. Mức hưởng lương hưu bổ sung hằng tháng bằng giá trị tài khoản tiết kiệm cá nhân của NLĐ ở thời điểm nghỉ hưu chia cho 240 (tương ứng 20 năm hưởng lương). Mức hưởng một lần được xác định bằng toàn bộ số tiền tồn tích trong tài khoản tiết kiệm cá nhân của NLĐ sau khi đã trừ các khoản phí tính đến thời điểm hưởng.

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo những nội dung liên quan đến DN quản lý quỹ, tổ chức lưu ký, ngân hàng giám sát, việc đầu tư quỹ, hạch toán, kế toán, chi phí và chế độ báo cáo của các tổ chức tài chính liên quan khi thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Khó thực hiện khi kinh tế khó khăn

Kết quả một cuộc khảo sát do Bộ LĐ-TB-XH thực hiện vào tháng 6-2011 tại 610 DN ở Hà Nội và TP HCM cho thấy có đến 70,33% sẵn sàng tham gia Quỹ Hưu trí bổ sung; 62,6% cho rằng quỹ này sẽ tốt hơn cho đời sống NLĐ khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, số liệu của cuộc khảo sát này đã được thực hiện khá lâu. Từ năm 2012 đến nay, trước những khó khăn, nhiều DN đã rơi vào khủng hoảng, không duy trì sản xuất, thậm chí phá sản.

Do sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, nhiều DN không thể chi trả tiền lương và các chế độ cho NLĐ kịp thời. Theo số liệu từ BHXH Việt Nam, đến hết năm 2012, các DN và cơ quan còn nợ đọng BHXH 5.825 tỉ đồng. Số nợ tiền BHXH tính đến thời điểm 30-11-2014 là trên 7.800 tỉ đồng. Đến hết tháng 6-2015, con số nợ BHXH là gần 6.000 tỉ đồng.

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động của DN gặp nhiều khó khăn; nhiều DN giải thể, ngừng hoạt động. Vì vậy, việc kêu gọi DN tự nguyện tham gia hưu trí bổ sung trong bối cảnh hiện nay là không đơn giản, nếu không muốn nói là rất khó khả thi.

Ông Nguyễn Văn Định - Phó phòng nhân sự một DN xây dựng thủy điện đóng tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội - nhận xét: “Đây là chính sách tốt, kỳ vọng sẽ bảo đảm cuộc sống tốt hơn của NLĐ khi về hưu thông qua tích lũy thêm ngoài BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi không thể tham gia bởi DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Tiền lương của công nhân, tiền đóng BHXH bắt buộc chúng tôi còn đang nợ NLĐ cũng như cơ quan bảo hiểm thì làm sao tham gia được?”.

Trong khi đó, anh Lê Văn Nghĩa, chuyên viên tại một công ty thiết kế xây dựng ở Hà Nội, cho biết anh không phản đối nhưng cũng không mấy hào hứng với chính sách này. “Ai có thu nhập cao, có tiền nhàn rỗi thì có thể tham gia. Thu nhập của tôi chỉ đủ chi tiêu hằng tháng nên dù công ty có đồng ý thì tôi cũng không tham gia. Theo tôi, hiểu nôm na thì bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng không khác tiền gửi tiết kiệm là bao” - anh Nghĩa bày tỏ.

Để DN và NLĐ có nhiều lựa chọn

Theo đánh giá của luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, hưu trí bổ sung là chính sách tự nguyện và nhằm chăm lo tốt hơn cho NLĐ, vì vậy cá nhân ông ủng hộ. “Nếu ưu việt, nó sẽ được đón nhận và khi đó sẽ được triển khai sâu rộng, còn không thì sẽ được thực tế khách quan bãi bỏ khi nó bất hợp lý” - ông nhận xét.

Theo ông Hậu, hiện nhiều DN lớn muốn chăm lo cho NLĐ để thu hút và giữ nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ NLĐ có thu nhập cao cũng muốn đóng BHXH ở mức cao hơn để sau này được hưởng lương hưu cao. Đây là quyền rất chính đáng của DN và NLĐ, chúng ta không thể hạn chế.

“Luật BHXH hiện hành chỉ cho phép đóng BHXH không quá 20 tháng lương cơ sở. Vậy nếu muốn đóng cho NLĐ ở mức cao hơn để được hưởng lương hưu cao hơn thì sẽ không thực hiện được. Chúng ta phải cởi trói quy định hiện hành bằng những khung pháp lý để DN và NLĐ có nhiều lựa chọn” - ông Hậu phân tích.


NLĐ không thể tự tham gia

Theo Bộ LĐ-TB-XH, có ý kiến cho rằng NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang là những đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên không áp dụng chính sách này; việc thực hiện chính sách đối với NLĐ (nếu có) sẽ được quy định riêng. Mặt khác, cần cân nhắc việc có hay không quy định đối với NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc được tự tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung trong trường hợp NSDLĐ không tham gia loại hình này.

“Do đây là một chính sách mới nên cần có lộ trình và bước đi thích hợp. Trước mắt, chỉ áp dụng đối với NLĐ và NSDLĐ trong các loại hình DN đang tham gia BHXH bắt buộc, NLĐ tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung phải thông qua NSDLĐ” - đại diện Bộ LĐ-TB-XH nhấn mạnh.

 

Nguồn: Người lao động

 

 

Chia sẻ bài viết