Tiếng Việt | English

30/08/2015 - 20:31

Biết bao giờ sông cạn

Một câu chuyện về tình yêu - gia đình nhưng chất chứa nhiều nỗi lòng của người mẹ nên sân khấu Hoàng Thái Thanh vừa quyết định ra mắt vở kịch Bao giờ sông cạn vào đúng dịp lễ Vu lan.

 

Ái Như - vai Thà lúc già - trong vở Bao giờ sông cạn - Ảnh: Gia Tiến

Kịch bản được Hạnh Thúy cảm tác từ truyện ngắn Dòng nhớ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã ba lần được đưa lên sân khấu kịch và cải lương kể từ năm 2009.

Mỗi lần xuất hiện là mang đến nhiều cảm xúc. Và lần này, Dòng nhớ đã trở lại trên sân khấu Hoàng Thái Thanh với cái tên nhiều day dứt: Bao giờ sông cạn.

Một câu chuyện tình ngang trái mang màu sắc xưa cũ, vậy mà sáu, bảy năm nay kịch bản này vẫn liên tục được các êkip giỏi nghề lựa chọn và dàn dựng.

Đạo diễn Ái Như chia sẻ: “Bao giờ sông cạn là kịch bản mới toanh trên sân khấu Hoàng Thái Thanh chứ không phải vở diễn dựng lại. Mặc dù tôi biết trước đó kịch bản đã được dựng hai lần và cũng rất thành công nhưng điều đó không quan trọng.

Quan trọng là kịch bản phù hợp với những tiêu chí của Hoàng Thái Thanh và đem lại cảm xúc cho đạo diễn thì chúng tôi quyết định chọn lựa và tìm một cách kể mới, một cách kể khác trên tinh thần chủ đạo của câu chuyện”.

Và cái cách Ái Như chọn như những lời thủ thỉ, nho nhỏ vậy thôi, âm ỉ vậy thôi nhưng đến lúc vỡ òa dễ làm người ta tan nát...

Trên cái bến sông buồn ở miệt quê, gia đình bà Hai (Xuân Hương) đang làm đám cưới cho Chờ (Đoàn Thanh Tài), cậu con trai độc nhất và Mai (Tuyết Thu), bỗng nhiên chú rể biến mất.

Chờ đã trốn lên thuyền đi biệt xứ cùng Thà (Hoàng Vân Anh - lúc trẻ). Bà Hai không chịu nổi điều đó nên lâm bệnh buộc Chờ phải trở về cùng cậu con trai mới vài tháng tuổi.

Rồi cái chết đột ngột của bà khiến Chờ vướng lời thề độc không bao giờ bước chân lên chiếc thuyền của người con gái anh yêu. Còn Thà vì nghĩa tình phải đành đoạn bỏ lại đứa con thơ...

Yêu nhau không đến được với nhau nào phải đâu là câu chuyện mới, vậy mà Bao giờ sông cạn vẫn khiến người ta khắc khoải, đau đáu bởi cách thể hiện tinh tế, tình cảm, từ tốn gom tràn cảm xúc mà có thể người sốt ruột sẽ cho rằng hơi kể lể dài dòng.

Cái cảm xúc đó được đạo diễn chắt chiu thể hiện kỹ lưỡng, công phu trong những mạch diễn tâm lý phức tạp. Đặc biệt, cảnh Thà phải lê lết lạy lục van xin trả lại con, cảnh này tập trung gần như toàn bộ diễn viên tham gia vở.

Đạo diễn Ái Như cho biết đây có thể coi là đoạn khó nhất, phức tạp nhất, xử lý nhiều chi tiết, các diễn viên phải nắm kỹ mảng miếng của mình, như “chạy xe trên đường, nhiệm vụ mình phải chạy thật tốt và không được đụng ai”.

Đây là cảnh đắt nhất của vở, làm sân khấu vỡ òa và khiến người xem phải rớt nước mắt...

Trong mỗi trái tim người phụ nữ

Đây là một vở kịch chạm vào tình mẫu tử, tình vợ chồng... Tôi thích cách dàn dựng của Ái Như, không dùng thủ pháp sân khấu mà đi sâu vào khai thác tâm lý con người.

Đối với dàn dựng sân khấu thì thủ pháp cũng cần, nhưng cách khai thác tâm lý của Ái Như khiến vở kịch sâu sắc thêm, người xem dễ cảm hơn, dễ hiểu hơn mà kịch cũng “đời” hơn.

Có những cảnh làm tôi rất xúc động như khi nhân vật Mai (Tuyết Thu) nói với người chồng của mình: “Mình ơi, mình thương tui một chút được không mình.

Mình thương tui một chút để trong tim mình còn có tui. Suốt cuộc đời vợ chồng, tui chưa hề nghe một lời âu yếm nào...”.

Những tình cảm đó đều có ở trong mỗi trái tim của phụ nữ. Tôi thấy bi kịch của Mai phảng phất trong mỗi cuộc đời của chúng ta!Nghệ sĩ Xuân Hương./.

Linh Đoan/Tuổi Trẻ Online

Chia sẻ bài viết