Tiếng Việt | English

20/01/2021 - 08:26

Đại hội XIII của Đảng: Vững vàng trên con đường đã chọn, không ngả nghiêng, dao động

Không cho phép ai ngà nghiêng, dao động, nghĩa là mục tiêu trước sau như một, là chân lý đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước sẽ bắt đầu vào tuần tới. Đại hội diễn ra vào thời điểm có tính bước ngoặt lịch sử khi đất nước đã trải qua 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

Đại hội cũng diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo. Không ít sự kiện, biến cố trên quy mô toàn cầu đang tác động đa chiều, trực tiếp đến người dân trong nước, cả tích cực và tiêu cực. Đất nước đứng trước những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức với rất nhiều vấn đề mới đặt ra. 

Trong bối cảnh đó, Đảng ta xác định nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục lãnh đạo đất nước tiến lên, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đồng thời tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trước thềm Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đảng ta phải thật sự vững vàng, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai ngả nghiêng, dao động.  

Không cho phép ai ngà nghiêng, dao động, nghĩa là mục tiêu trước sau như một, là chân lý đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn.

Sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa. Dù rất khiêm tốn nhưng người lãnh đạo cao nhất đất nước vẫn phải khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Nếu như năm 1989, quy mô GDP của Việt Nam mới đạt 6,3 tỷ USD/năm, thì đến năm 2020, theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam sẽ đạt quy mô hơn 340,6 tỷ USD, vượt Singapore gần 1%, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở khu vực Đông Nam Á. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Nếu như năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm, thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,9%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Các cân đối lớn của nền kinh tế về tích lũy - tiêu dùng, tiết kiệm - đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động - việc làm,… tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô. Về đối ngoại, vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ nhất là trên vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu 192/193, cao nhất trong hơn 70 năm kể từ ngày LHQ ra đời. 

Năm 2020, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước khó khăn, nhất là đại dịch COVID-19, lũ lụt thiên tai ở miền Trung và Tây Nguyên, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng dương với mức 2,91%. Đây là con số cực kỳ có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm 4%. Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19. 

Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam hôm nay là bằng chứng thuyết phục để khẳng định con đường mà chúng ta đang đi là đúng đắn, hợp quy luật, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Những thành tựu mà chúng ta đạt được càng khẳng định tính ưu việt của CNXH, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và của nhân dân vào con đường đi lên CNXH của Việt Nam. Và thực tiễn đó cũng khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

Nhiều học giả quốc tế đánh giá, thực tế biến động trên thế giới trong những năm gần đây và đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay cho thấy, mô hình Đảng Cộng sản lãnh đạo thống nhất, toàn diện ở Việt Nam là đúng đắn, giúp Việt Nam đạt được thành tựu trên tất cả các mặt, từ phát triển kinh tế -xã hội đến chống đỡ hiệu quả với dịch bệnh.

Trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch vẫn luôn tìm mọi cách tấn công, phá hoại sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam, phủ nhận con đường đi lên CNXH và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận nền tảng tư tưởng mà Việt Nam theo đuổi. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, chúng  triệt để lợi dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vin vào những hạn chế, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên để chống phá Đảng, Nhà nước. Trong bối cảnh đó, càng đòi hỏi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân giữ vững niềm tin, không ngả nghiêng, dao động. Bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định sẽ giúp chúng ta chuyển hóa nguy cơ thành thời cơ, thành động lực thúc đẩy quyết tâm và hành động. 

Một dân tộc đã đi qua những năm tháng gian khổ của chiến tranh, đi qua phong ba, bão táp của thời cuộc, vẫn tồn tại, phát triển và khẳng định vị thế, chỗ đứng của mình. Trên chặng đường ấy không tránh khỏi những sai lầm, vấp váp nhưng chúng ta vẫn vững vàng, kiên định với con đường đã chọn, tiếp tục lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết