Tiếng Việt | English

14/07/2023 - 08:31

Đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống 'tham nhũng vặt'

Sáng hôm qua, 13/7/2023, Tỉnh ủy Long An tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 4 năm thực hiện Kế hoạch số 82-KH/TU, ngày 24/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng, chống “tham nhũng vặt” trên địa bàn tỉnh. 

Qua 4 năm thực hiện Kế hoạch số 82-KH/TU, các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng nói chung và phòng, chống tiêu cực, “tham nhũng vặt” nói riêng đã được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh lãnh, chỉ đạo quán triệt và triển khai, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện cơ bản tốt các biện pháp phòng ngừa; tiến hành đấu tranh quyết liệt, thường xuyên, từ đó, bước đầu đã đạt những hiệu quả tích cực.

Việc thực hiện các chủ trương, giải pháp theo Kế hoạch số 82-KH/TU được đẩy mạnh và ngày càng đi vào chiều sâu. Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị triển khai các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư thực hiện dự án. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức họp mặt, đối thoại DN trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN và nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để tạo bước đột phá trong cải cách hành chính và tạo “cầu nối” hữu hiệu giữa người dân, DN với các cơ quan công quyền, hầu hết cơ quan, đơn vị, địa phương đều thiết lập “đường dây nóng”, hộp thư điện tử, tạo kênh thông tin quan trọng để kịp thời lắng nghe, tiếp nhận và xử lý nhanh chóng, hiệu quả những phản ánh, kiến nghị của người dân, DN. Đến nay, nền hành chính của tỉnh đã có bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng nền hành chính phục vụ nhân dân, DN, tạo lập được lòng tin của nhân dân và DN.

Theo các kết quả được công bố, năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh xếp hạng 10/63 tỉnh, thành phố (tăng 6 bậc so với năm 2021); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đạt 87,42/100 điểm, xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố (tăng 14 bậc so với năm 2021); đặc biệt, Chỉ số chi phí không chính thức xếp hạng 5/63 tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, trong 4 năm qua, tình hình tiêu cực, “tham nhũng vặt” trên địa bàn tỉnh bị phản ánh, tố cáo không nhiều; số vụ việc được phát hiện và xử lý ít; tính chất của hành vi vi phạm không nghiêm trọng; mức độ phổ biến ít; thiệt hại kinh tế không nhiều. Công tác phòng, chống tiêu cực, “tham nhũng vặt” trên địa bàn tỉnh đạt những hiệu quả thiết thực, nhất là trong công tác phòng ngừa. Qua đó, củng cố lòng tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Tỉnh ủy, công tác phòng, chống tiêu cực, “tham nhũng vặt” trong thực tế chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra. Ở một vài nơi, công tác này chưa được quan tâm đúng mức; vẫn còn dư luận xã hội, đơn, thư tố cáo, phản ánh về hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt”, gây khó dễ trong giải quyết thủ tục hành chính và trong một số hoạt động công vụ. Một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân và DN để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, tự kiểm tra nội bộ chưa thường xuyên nên việc phát hiện cán bộ, công chức, viên chức vi phạm không nhiều, chưa kịp thời,…

Thời gian tới, để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống tiêu cực, “tham nhũng vặt”, Tỉnh ủy xác định một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức nhằm thống nhất về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong phòng, chống tiêu cực, “tham nhũng vặt”. Không ngừng đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng các cấp trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực,"tham nhũng vặt”.

Đồng thời, tiếp tục lãnh, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, thiết lập kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với việc nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ trong phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Nhìn thẳng vào sự thật, nhận diện đúng thực trạng và nguyên nhân của tiêu cực, “tham nhũng vặt”, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia, tin rằng, công tác này trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng hiệu quả./.

Hoàng Trà

Chia sẻ bài viết