Tiếng Việt | English

03/05/2023 - 10:22

Hiệu quả từ những chương trình đột phá

Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra nhiều chỉ tiêu quan trọng để phát triển xứng tầm vị trí, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó, NQ xác định 3 chương trình đột phá cùng 3 công trình trọng điểm để góp phần giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đạt nhiều kết quả khả quan

Kế thừa những thành tựu trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3 chương trình đột phá để phát triển KT-XH, gồm: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh; Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Mô hình sản xuất lúa ƯDCNC ở ấp Kênh Chà - xã Nhơn Hòa. Ảnh tư liệu

Sau gần nửa nhiệm kỳ triển khai, thực hiện, các chương trình đột phá đạt nhiều kết quả khả quan. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong sản xuất nông nghiệp, dần hình thành các vùng chuyên canh tập trung, gắn sản xuất theo chuỗi cung ứng hàng hóa an toàn và vận hành hệ thống kết nối cung - cầu nông sản an toàn, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, đến quí I/2023, diện tích lúa ƯDCNC là 43.787,3ha, đạt 73% kế hoạch; diện tích rau ƯDCNC là 1.944,9ha, đạt 97,2% kế hoạch; diện tích thanh long ƯDCNC là 4.087,4ha, đạt 68,1% kế hoạch; diện tích chanh ƯDCNC là 2.130ha, đạt 71% kế hoạch; diện tích tôm ƯDCNC là 22,6ha, đạt 22,6% kế hoạch và hình thành các vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ƯDCNC trên địa bàn các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa và Tân Trụ.

Xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ có tính kết nối cao

Đặc biệt, Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả tích cực; hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao.

Đường Vành đai TP.Tân An đang dần hoàn thiện

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Đặng Hoàng Tuấn, thời gian qua, tỉnh chỉ đạo huy động mọi nguồn lực để cải thiện, nâng cấp các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh, tạo động lực phát triển KT-XH, nhất là thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị. Đến nay, mạng lưới giao thông trong tỉnh dần được xây dựng hoàn thiện, đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển, giao thương hàng hóa cũng như đi lại của người dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hút đầu tư.

Ngành Giao thông Vận tải được giao thực hiện 8 công trình thuộc chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm trong giai đoạn 2020-2025. Tất cả công trình được lựa chọn nằm trên địa bàn TP.Tân An và các huyện trọng điểm như Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc; được quy hoạch kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp, phát triển đô thị và kết nối đến Cảng Quốc tế Long An. Đến thời điểm hiện tại, 2 dự án nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 824 đoạn từ Tua Một đến cầu Kênh Ranh, huyện Đức Hòa và nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62, TP.Tân An cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra. 6 dự án còn lại đang chờ công tác lập quy hoạch và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Đặng Hoàng Tuấn cho biết: “Khi các công trình giao thông thuộc chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm hoàn thành, hệ thống giao thông - vận tải của tỉnh sẽ được hoàn thiện theo hướng hiện đại, có tính kết nối cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị, đặc biệt tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng đểm của tỉnh. Giao thông đi trước một bước sẽ tạo động lực để thúc đẩy KT-XH, thu hút đầu tư, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, bảo đảm an ninh - quốc phòng và giúp tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.

Nút giao Hùng Vương - Quốc lộ 62, một trong những công trình thuộc chương trình đột phá về giao thông đang được các đơn vị khẩn trương thi công

Bên cạnh 2 chương trình đột phá về nông nghiệp và giao thông, Chương trình Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh cũng được các ngành, địa phương tập trung thực hiện với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 75% lao động đã qua đào tạo, trong đó, có 35% phải có bằng cấp, chứng chỉ được đào tạo. Giai đoạn 2020-2025, các cơ sở giáo dục, nghề nghiệp phải tuyển sinh 115.000 lao động, bình quân đào tạo khoảng 23.000 lao động/năm, gồm: Hệ cao đẳng 5.000 người, trung cấp 15.000 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng khoảng 95.000 người.

Lĩnh vực công nghiệp, các ngành nghề đào tạo phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp như năng lượng, cơ khí, điện tử, tự động hóa, chế biến; trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề đào tạo tập trung vào thú y, trồng trọt, thủy sản ƯDCNC bảo đảm về chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp ƯDCNC.

Ngoài ra, tỉnh cũng định hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia công tác giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; tiếp tục thực hiện Đề án Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Đề án Đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế giai đoạn 2021-2025.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết