Tiếng Việt | English

08/04/2021 - 09:08

Hòa giải, đối thoại - Tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho đương sự, giảm áp lực cho Tòa án

Hòa giải, đối thoại (HG-ĐT) tại tòa án sẽ giảm áp lực công việc cho tòa án hai cấp, tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội, xây dựng và củng cố khối đoàn kết nội bộ nhân dân, ổn định tình hình chính trị tại địa phương.

Hòa giải viên Trần Thị Nhanh hòa giải thành vụ tranh chấp liên quan đến đất đai giữa đại diện nguyên đơn ông Trần Văn Khéo, anh Huỳnh Đinh Thiện và UBND huyện Thủ Thừa

Hòa giải viên Trần Thị Nhanh hòa giải thành vụ tranh chấp liên quan đến đất đai giữa đại diện nguyên đơn ông Trần Văn Khéo, anh Huỳnh Đinh Thiện và UBND huyện Thủ Thừa

Hơn 1 tiếng hòa giải xong vụ kiện đất đai

8 giờ sáng, bà Lưu Thị Chín, 85 tuổi, ngụ ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, cùng con trai là anh Huỳnh Đinh Thiện đến Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh để giải quyết vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai do thửa đất bà sử dụng được cấp nhầm với nhà hàng xóm. Nguyên đơn trong vụ việc là bà Võ Thị Lựa do ông Phạm Văn Khéo làm đại diện.

Theo đó, vào năm 1996, gia đình bà Lựa có mua của ông Nguyễn Văn Gấm một phần thửa đất số 82 với diện tích 131,7m2 tại ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa để dựng nhà cửa sinh sống. Năm 1999, bà Lựa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại thửa số 83 với diện tích 95,9m2. Tuy nhiên, gia đình bà cũng chẳng chú ý đến nội dung, diện tích trong GCNQSDĐ, trong khi thực tế gia đình bà đang ở trên thửa đất số 82. Sai sót theo dây chuyền khi thửa đất số 82 sau đó lại được cấp cho bà Lưu Thị Chín, dù gia đình bà Chín thực tế ở trên thửa số 81 với diện tích 130,9m2. Năm 2007, bà Chín làm hợp đồng tặng QSDĐ này cho con trai là anh Huỳnh Đinh Thiện.

Có lẽ sự việc sẽ không được phát hiện nếu năm 2018, UBND huyện Thủ Thừa không ra quyết định thu hồi GCNQSDĐ của bà Lựa do cấp không đúng đối tượng sử dụng đất. Sau đó, gia đình bà Lựa quyết định khởi kiện UBND huyện Thủ Thừa đề nghị tòa án hủy hợp đồng cho tặng QSDĐ giữa bà Chín và con trai; đồng thời, GCNQSDĐ của anh Huỳnh Đinh Thiện để gia đình bà đăng ký lại. Trong khi đó, gia đình anh Thiện không đồng ý vì nếu hủy GCNQSDĐ của gia đình anh thì phải cấp lại giấy mới cho gia đình anh, trong khi việc cấp mới không thuộc thẩm quyền của gia đình bà Lựa. Cũng vì lý do này khiến vụ việc dùng dằng mấy tháng trời chưa được giải quyết và phải “phân bua” qua tòa án.

Ngay sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện của bà Lựa, cán bộ TAND tỉnh đề nghị bà và bị đơn, người có quyền liên quan chuyển vụ việc sang HG-ĐT. Cuối tháng 3/2021, cuộc HG-ĐT giữa 2 gia đình và UBND huyện Thủ Thừa được mở với sự tham gia của hòa giải viên (HGV) Trần Thị Nhanh. Chỉ trong vòng hơn 1 tiếng, dưới sự phân tích, lý giải giữa lý và tình của HGV Trần Thị Nhanh, cả gia đình bà Chín, anh Thiện cùng đại diện cho nguyên đơn là ông Phạm Văn Khéo đều thống nhất đi đến hòa giải thành, không cần thông qua công tác xét xử. UBND huyện Thủ Thừa tham gia hòa giải cũng thừa nhận sai sót trong quá trình cấp GCNQSDĐ và hứa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho 2 gia đình khi đến làm thủ tục đăng ký lại.

Ông Phạm Văn Khéo - đại diện nguyên đơn trong vụ việc, cho biết: “Qua buổi HG-ĐT, tôi thấy rằng, hòa giải sẽ là cách tốt nhất để giải quyết các tranh chấp, không tốn nhiều thời gian cho cả đôi bên, thủ tục cũng rất đơn giản. Trước khi đồng ý hòa giải, tôi được cán bộ tòa án hướng dẫn cụ thể để lựa chọn hay không lựa chọn việc HG-ĐT. Từ đó, tôi quyết định đi đến HG-ĐT thay vì thực hiện việc kiện tụng”. Còn anh Huỳnh Đinh Thiện sau buổi hòa giải khẳng định, sở dĩ 2 bên đi đến thống nhất bởi đại diện tòa án và HGV đều đưa ra những định hướng rõ ràng, phân tích rõ về vụ việc để 2 gia đình chúng tôi hiểu hơn cũng như phía địa phương đưa ra phương án thiện chí để chúng tôi tiến tới giải quyết vụ việc. “Giải quyết tranh chấp bằng HG-ĐT giúp 2 gia đình chúng tôi không phải mất thời gian đi tới, đi lui để giải quyết vụ việc” - anh Huỳnh Đinh Thiện cho biết.

Tiết kiệm thời gian, chi phí 

Theo TAND tỉnh, năm 2018, Long An là 1 trong 16 tỉnh, thành phố trong cả nước được lựa chọn thực hiện thí điểm đổi mới công tác HG-ĐT tại tòa án. Trong đó, có 6 đơn vị được lựa chọn thực hiện gồm Trung tâm HG-ĐT tại TAND tỉnh, Trung tâm HG-ĐT tại TAND các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và TP.Tân An. Các đơn vị tòa án thực hiện thí điểm đã đưa 5.842 đơn khởi kiện sang Trung tâm HG-ĐT, trong đó có 3.642 vụ việc đủ điều kiện thực hiện HG-ĐT. Quá trình giải quyết, các trung tâm đưa ra HG-ĐT 2.477 vụ việc; hòa giải thành 2.082 vụ việc, đạt 57% các vụ việc đã giải quyết. 

Theo Phó Chánh án TAND tỉnh - Phan Ngọc Hoàng Đình Thục, Luật HG-ĐT tại tòa án được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 16-6-2020 và đã có hiệu lực pháp luật từ ngày 01-01-2021. Thời gian qua, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy cũng như ban lãnh đạo TAND tỉnh tập trung mọi công tác chuẩn bị để thuận lợi cho việc triển khai thi hành luật này. Trước hết, về cơ sở vật chất, 15/15 tòa án cấp huyện và TAND tỉnh chuẩn bị phòng HG-ĐT và phòng làm việc cho HGV. Về mặt nhân sự, tòa án 2 cấp tỉnh Long An đã bổ nhiệm 72 HGV, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn được quy định trong luật và được tập huấn các khóa do TAND Tối cao tổ chức. Đa số HGV trước đây từng làm các công việc liên quan đến pháp luật như kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán đã nghỉ hưu, có bề dày kinh nghiệm, có uy tín cao trong cộng đồng dân cư, nhiệt tình trong công tác. Bản thân cán bộ tòa án cũng ý thức được việc triển khai thi hành luật. Khi người dân nộp đơn khởi kiện đến tòa đều được hướng dẫn tận tình về quyền được lựa chọn HG-ĐT tại tòa án trước khi tiến hành các hoạt động tố tụng thông thường. Riêng trong 2 tháng đầu năm, TAND 2 cấp thụ lý giải quyết 1.654 đơn khởi kiện, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dân sự và hôn nhân - gia đình. Trong đó, có 105 vụ việc người dân yêu cầu chuyển sang HG-ĐT tại tòa án. Đến hết tháng 02-2021, TAND 2 cấp đã HG-ĐT thành 28 vụ việc.

Phó Chánh án TAND tỉnh - Phan Ngọc Hoàng Đình Thục cho biết: “Luật HG-ĐT tại tòa án có hiệu lực thi hành sẽ góp phần đa dạng hóa các phương thức giải quyết các tranh chấp và khi thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm rất nhiều chi phí cả cho các cơ quan bảo vệ pháp luật lẫn người dân”. /.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết