Tiếng Việt | English

20/11/2015 - 15:46

Nắng vẫn dìu dịu ở trên đầu

Tiết học này, Như không dạy bài mới, cô muốn dành thời gian để nói chuyện với lớp chủ nhiệm. Cô kể cho các em nghe về những tấm gương trong “Nhị thập tứ hiếu”, về những mẩu chuyện vượt khó vươn lên trong học tập và cả chuyện thằng bé chăn bò đạt thủ khoa đại học,…

Có lẽ những thông tin này cũ với nhiều người nhưng đám con nít vùng quê lớp Như thì lại háo hức lắng nghe, rồi bàn luận xôn xao. Có nhiều đứa thút thít, mắt đỏ hoe. Gần cuối giờ, Như đem đến tặng Ti 10 quyển tập trắng được bao cẩn thận. Tội nghiệp con bé, nhà nghèo lại đông anh em, có lúc nó phải nghỉ học theo mẹ đi đào khoai, mót lúa. Lần nào cũng vậy, khi đến nhà vận động, mẹ nó lại nước mắt ngắn, dài.

Gia đình khó khăn quá mà, nên nó phải nghỉ học phụ mẹ. Xin được suất học bổng cho Ti, Như cố gắng vận động nó trở lại lớp rồi âm thầm giúp đỡ, khi thì vài quyển tập, khi thì dụng cụ học tập. Đầu năm học, Như còn tặng con bé 2 bộ đồ và đôi dép mới. Mỗi lần nhận được quà, con bé hí hửng ra mặt, vậy mà lần này, nó không nói gì, ngước đôi mắt buồn thiu hỏi Như:

- Cô về quê chừng nào cô lên?

- Cô về vài bữa thu xếp việc nhà rồi cô lại lên. Mấy bữa vắng cô, thầy Tùng sẽ thay cô phụ trách lớp, các em yên tâm, sẽ không bị mất bài đâu.

Cả lớp dạ vang, tiếng dạ dường như đứt quãng bởi đối với bọn trẻ, không ai có thể thay thế được cô nó.

***

Chập choạng tối, Như qua mấy phòng trong dãy nhà công vụ nhưng không dám nói lời từ biệt mọi người. Cô nói chỉ nghỉ phép vài hôm chứ có nói nghỉ luôn. Cô sợ mọi người níu kéo và chính những tình cảm ấy sẽ giữ chân cô lại mảnh đất nắng cháy, chua phèn này.

Khi đến phòng Tùng, cô muốn vào chào một tiếng nhưng lòng thắt lại… Cô không dám đối diện với Tùng. Tùng là giáo viên phụ trách mảng phổ cập của trường, là người quan tâm, dìu dắt Như từ lúc cô chân ướt chân ráo đến mảnh đất biên giới này. Còn nhớ, lúc mới về trường, Như không ăn được cá, Tùng vượt hơn 7 cây số ra chợ huyện mua cho cô miếng thịt rồi cười khì “Xứ này thịt hiếm lắm nha, còn cá, chuột, lươn, rắn,… thì bao la, cô giáo muốn ăn bao nhiêu cũng có”.

Nói vậy chứ thịt không hiếm, chỉ có điều muốn mua, sáng sớm phải canh mấy chiếc xuồng bán hàng bông. Chợ ở vùng sông nước cũng lạ ghê, sáng sáng, chiếc xuồng chở ít rau, củ, thịt, cá,… len lỏi qua các con rạch, gắn cái loa ở mũi xuồng “Chợ đây, đi chợ bà con ơi…”.

Lần đầu nhìn thấy, Như bật cười, giống kiểu bán đồ hàng của con nít, nhưng quen dần lại thấy hay hay. Vùng sông nước mà, làm vậy cho thuận tiện, chứ ai đâu mỗi ngày vượt hơn 7 cây số ra chợ huyện. Người dân vùng này sống tình cảm lắm, nhất là rất quý thầy cô giáo, như ông bà chủ của cái “chợ di động”, mỗi lần Như mua thịt đều cho cô thêm mớ rau, vài cọng hành, trái ớt, có hôm lại còn không lấy tiền thịt với lý do “Nay bán lời nhiều, thôi tặng cô giáo ít thịt ăn lấy thảo”.

***

…Mẹ Như bệnh cần số tiền lớn để mổ. Mấy năm đi dạy, cô chỉ dành dụm chừng vài chục triệu mà nghe ca mổ tốn gần 300 triệu. Chưa biết tính thế nào thì bác Thành, bạn chiến đấu cũ của ba Như tài trợ toàn bộ chi phí ca mổ. Bác nói, ngày xưa ba Như hy sinh thân mình để bác được sống nên hôm nay bác có làm vậy cũng chưa đền đáp được công ơn ấy.

Rồi mấy tháng sau, bác Thành muốn cưới Như cho Tuấn, con trai bác. Như rối bời. Mẹ thì thúc giục: “Bác ấy muốn thế chắc có cái lý của bác, mà mẹ thấy thằng Tuấn ngoan ngoãn, chăm lo làm ăn. Con về làm dâu nhà ấy mẹ yên tâm”.

Như muốn nói lại với mẹ điều gì đó nhưng lại thôi, cô không dám bảo vệ thứ tình cảm vừa nhen nhóm trong lòng lại càng không dám nghĩ đến ngày về chung sống với Tuấn. Nhà chỉ có mẹ và Như, từ ngày ba cô mất, mẹ hy sinh cả cuộc đời để Như được bằng bạn, bằng bè, thế nên giờ đây, cô không dám cãi mẹ nửa lời.

Lần này, Như về quê để gia đình 2 bên gặp mặt và thống nhất ngày cưới. Và có lẽ ,chẳng bao giờ cô có dịp quay lại mảnh đất nắng gió nhưng chan chứa tình người này.

Quãng đường từ trường ra thị trấn sao ngắn vậy, bình thường nó dài lắm mà, đến 7 cây số. Ngồi sau lưng Tùng ra bến xe, Như chưa kịp nói lời nào thì tới. Lời tạm biệt với Như lúc này sao khó quá, mấy lần định nói nhưng chẳng tròn câu. Như xách túi đồ khe khẽ cảm ơn Tùng rồi quay đi tìm chuyến xe về quê, bỗng cô nghe tiếng Tùng hỏi như lạc vào khoảng không vô định: “Em sẽ không trở lại nữa phải không?”.

Như quay lại, nước mắt chảy dài… cô cố gắng nhoẻn miệng cười nhưng nụ cười ấy như mếu. Cô cũng không tìm được câu trả lời nào thích hợp nên nhẹ nhàng chào Tùng rồi quay bước. Dù không biết rõ chuyện gì, nhưng Tùng chắc một điều Như sẽ không quay lại trường, cô từ bỏ đám học trò đen nhẻm, đầu khét nắng. Mà có gì lạ đâu, biết bao người đến rồi lại đi. Khó khăn quá mà, có mấy ai bám trụ được?

Con đường trở về đối với Tùng dài lê thê… anh đau lắm, như ai đó đang cấu ruột gan mình. Như cũng giống bao người khác, con gái thị thành sao thích nghi được với điều kiện khắc nghiệt nơi biên giới…

***

1 tuần, rồi 2 tuần, đám học trò bắt đầu sốt ruột:

- Chừng nào cô con mới về thầy?

- Thầy… thầy cũng không biết!

- Sao thầy không đi tìm cô, thầy tìm cô về cho tụi con đi…

Cả lớp “biểu tình”, xếp tập vở lại không thèm học. 1 đứa thút thít, rồi 2 đứa, 3 đứa,… đến khi cả lớp vỡ òa trong nghẹn ngào, Tùng cũng không kiềm được lòng mình nữa. Lần đầu tiên anh khóc vì một người không thân thích, ruột rà.

***

… Tuấn không giống Như nghĩ, anh điềm đạm và dường như nhìn được cả tâm can người đối diện. Anh hỏi cô không yêu anh sao lại chấp nhận cuộc hôn nhân này. Như không trả lời, ánh mắt buông về nơi xa thẳm.

- Em có người yêu rồi phải không? Sao em không quyết đấu tranh bảo vệ tình yêu đó? Em chưa yêu anh và chắc sẽ không bao giờ yêu anh khi trái tim em dành trọn cho người khác. Em có hình dung ra cuộc sống hôn nhân không tình yêu sẽ thế nào không?

- Nhưng em không muốn làm mẹ buồn…

- Vậy mẹ em có vui không khi biết em sẽ không hạnh phúc? Ba anh vì muốn trả ơn người đồng đội nên sắp đặt cuộc hôn nhân này. Còn em cũng vì muốn trả ơn người cứu mẹ mình mà mặc nhiên đánh đổi cả cuộc đời. Như, nếu em có chút tình cảm nào với anh thì chúng ta sẽ xây dựng cuộc sống mới, còn không, em phải mạnh dạn bảo vệ tình yêu của mình. Em không cần trả lời anh, nếu chọn con đường của riêng mình, em hãy nhanh chóng tìm đến anh ta. Rồi ba anh và mẹ em sẽ hiểu thôi…

Như nhìn Tuấn, cô muốn nói nhiều lắm nhưng từ ngữ cứ lung tung không thành câu. Tuấn nắm lấy tay Như:

- Đi đi em, hạnh phúc là do mình nắm giữ. Anh mong cuộc đời em sẽ luôn hạnh phúc.

Như siết chặt tay Tuấn thay lời cảm ơn. Cô quay về nhà, nắng dìu dịu, gió cũng dìu dịu… Như hình dung ra những gương mặt ngây thơ, đen nhẻm sẽ ríu rít khi cô về trường. Chúng sẽ thi nhau kể cho cô nghe biết bao chuyện trong 2 tuần cô xa lớp.

***

Như ngạc nhiên khi thấy mẹ đang chuẩn bị quần áo cho mình:

- Thằng Tuấn nói cho mẹ biết hết rồi. Con hãy làm theo những mơ ước của con. Con có vui thì mẹ mới hạnh phúc được. Con khờ quá, sao không nói cho mẹ biết trước.

Như nghẹn ngào vùi vào lòng mẹ. Cô chuẩn bị sáng mai sẽ quay lại trường, về lại với đám học trò nhỏ và cả một tình yêu vừa nhen nhóm.

***

5 giờ sáng, trước cổng nhà Như nhốn nháo tiếng trẻ con. Tụi nhỏ ồn ào bàn tán điều gì đó. Như mở cửa và ngạc nhiên khi thấy Tùng dẫn hơn chục đứa học trò khệ nệ đủ thứ. Con Ti xách xâu cá lóc, thằng No xách xâu ếch, con Nhí lỉnh kỉnh túi bông điên điển, thằng Biên thì giỏ khô cá trê… Tụi nhỏ đồng thanh “Con chúc cô 20-11 vui vẻ và tiếp tục về dạy tụi con”. Giọng Tùng trầm ấm “Về với tụi nhỏ, với… tui nha cô Như”. Như nghe lòng mình vỡ òa niềm hạnh phúc lớn lao.

Đường về trường hôm ấy rợp bóng mát, gió hây hây và nắng vẫn dìu dịu ở trên đầu. Đi bên đám học trò, Tùng khẽ nắm tay Như, cô ngoan ngoãn để yên tay mình trong tay Tùng, nghe ấm áp đến lạ./.

Thương Thương

Chia sẻ bài viết