Tiếng Việt | English

18/06/2015 - 09:48

Ngày ấy,... đơn vị 1

Đơn vị cơ động 1 (Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 ngày nay) thực hành huấn luyện

Đầu tháng 6-1960, Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Chiểu lúc đó mới 29 tuổi đang là Đội phó Đội Tuyên truyền vũ trang 15 hoạt động ở địa bàn Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa cùng một số cán bộ, chiến sĩ ưu tú của Đội 15 được lệnh hành quân về Đức Huệ làm nhiệm vụ mới. Giữa tháng 6, họ có mặt ở địa điểm mới đó là cánh đồng cỏ thuộc khu vực Giồng Ông Tưởng nằm trên đất Campuchia sát biên giới Việt Nam - địa bàn huyện Đức Huệ. Về đây, lính của Đội 15 được hội quân với các đội 23, 29, 30, 31,... để ra mắt Đơn vị 1 cơ động. Số cán bộ, chiến sĩ này gồm những người ưu tú, có kinh nghiệm, thành tích chiến đấu, được cấp trên lựa chọn từ trước để thành lập Đơn vị 1 cơ động của tỉnh còn được gọi là “Đại đội 1 cơ động”.

Sau vài ngày ổn định tổ chức, biên chế, 17 giờ ngày 17-6-1960 Đơn vị 1 cơ động làm lễ ra mắt. 2 trung đội với hàng ngũ chỉnh tề giữa cánh đồng, với quân số chính xác lúc đó là 83 đồng chí bao gồm cả đại diện Tỉnh đội, chiến sĩ của 2 trung đội và bộ phận phục vụ. Từ đây, Đơn vị 1 cơ động (Tiền thân của Tiểu đoàn 1) chính thức được thành lập (sở dĩ có tên Đơn vị 1 là vì tỉnh đang có chủ trương thành lập thêm đơn vị 2, đơn vị 3 - Theo lời cựu chiến binh Nguyễn Văn Chiểu). Quân số lúc đó khoảng 100 và được biên chế thành 2 trung đội. Vừa thành lập xong, 5 ngày sau, Đơn vị 1 cơ động phải đối mặt với một trận chiến đấu không cân sức (do bị lộ). Phát hiện được ta vừa thành lập và ra mắt Đơn vị 1 cơ động, địch cho Tiểu đoàn “Cọp Đen” (do Trần Lệ Xuân vợ của Ngô Đình Nhu - em Ngô Đình Diệm đỡ đầu và nổi tiếng hung ác) hành quân càn quét. Địch quân số đông, vũ khí trang bị đầy đủ và hiện đại, đi thành 3 mũi, cách nhau vài trăm mét, đâm thẳng vào trận địa của ta ở hướng mà ta không ngờ đến (hướng Đông). Tình thế rất bất lợi nhưng không còn cách nào khác là phải trụ lại đánh chống càn để tiêu hao sinh lực địch và bảo toàn lực lượng.

Một cánh quân của địch đi cặp đường biên giới đã nổ súng với Trung đội 2 do đồng chí Bảy Tiện chỉ huy; 2 cánh quân kia đánh vào cụm phía Nam của Trung đội 1 do đồng chí Tư Ấp và Mười Xưởng chỉ huy. Trận đánh diễn ra ngày càng ác liệt: Một toán lính rất đông tiến thẳng vào công sự của đồng chí Tư Ấp và 2 chiến sĩ (Oai và Phước), khẩu Musmat của Oai đang rung lên khạc đạn vào quân địch thì bỗng dưng im bặt vì bị kẹt đạn, thừa lúc đó, bọn “Cọp Đen” tràn lên, đồng chí Tư Ấp vừa bắn ngã tên đi đầu thì khẩu súng rớt xuống đất vì cánh tay phải đã bị thương, anh dùng cánh tay trái nhặt khẩu súng lên chưa kịp kẹp vào nách để bắn thì lại bị trúng một phát đạn vào sườn bên phải rồi gục xuống.

Trong khi, các đồng chí Oai và Phước đang đánh quyết liệt với địch ở hướng tấn công chính diện thì một cánh quân khác của địch vòng về phía nam để đánh bọc phía sau quân ta, nhưng đồng chí Mười Xưởng đã kịp điều lực lượng chặn đánh phá được ý định của địch.

Trận đánh không cân sức và ta ở thế bất lợi nhưng Đơn vị 1 vẫn giữ được trận địa cho đến tối. Bọn “Cọp Đen” tưởng rằng có thể tiêu diệt được Đơn vị 1 của Long An sau ngày thành lập nhưng chính chúng lại bị mất 50 tên và phải dùng hàng chục chiếc xe bò để chở xác về. Tuy nhiên, về phía ta, đây cũng là trận đánh, ta bị tổn thất khá nặng với 17 đồng chí hy sinh, 22 đồng chí bị thương, trong số đó, có các cán bộ chỉ huy chủ chốt như đồng chí Tư Nồng Đội trưởng hy sinh, đồng chí Sáu Hoàng - Chỉ huy phó chính trị Tỉnh đội bị thương nặng, các cán bộ khác như Tư Chiểu, Tư Ấp cũng bị thương trong trận này.

Sau trận đánh, đơn vị về khu vực biên giới thuộc xã Bình Thành - Đức Huệ để củng cố. Tuy có nhiều thương vong, nhưng đại đa số cán bộ, chiến sĩ đều không tỏ ra nao núng, chỉ mong sao nhanh chóng đánh trận khác để “gỡ” lại. Đơn vị được bổ sung quân số, trang bị, tiến hành huấn luyện các hình thức chiến thuật sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu mới. Trong thời gian củng cố, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban chỉ huy Đại đội 1, đồng chí Tư Chiểu được cử làm Đại đội trưởng, đồng chí Ba Phát làm Chính trị viên.

Từ đây, Đại đội 1 cơ động bước vào chặng đường chiến đấu đầy gian khổ hy sinh, là tiền đề, cơ sở quan trọng để đi đến thành lập Tiểu đoàn 1 sau này vào ngày 21-1-1964./.

Trung Dũng (ghi theo lời kể của CCB Nguyễn Văn Chiểu) 

Chia sẻ bài viết