Tiếng Việt | English

04/09/2021 - 11:03

Người dùng mạng xã hội cần chọn lọc thông tin – Nói không với 'Fake News'

Lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đăng thông tin sai sự thật, xuyên tạc trên mạng xã hội (MXH). Việc nhận diện tin giả (Fake News), nguyên nhân xuất hiện, tác hại của nó và đề cao vai trò của báo chí trong phản bác, ngăn chặn tin giả để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống tin giả, là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng hiện nay.

Không thể phủ nhận vai trò tích cực của MXH trong việc kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Thế nhưng khi người dùng MXH một cách vô trách nhiệm, vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật thì những hệ lụy mà tin giả gây ra là không hề nhỏ.

Trang thông tin điện tử tổng hợp của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (https://tingia.gov.vn/) công bố hàng loạt tin giả về dịch bệnh và tài khoản giả mạo,…

Nhận diện tin giả

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng các phương tiện truyền thông đa phương tiện và số lượng người sử dụng gia tăng, nhất là MXH, thì tin giả xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy chưa có định nghĩa rõ ràng, thống nhất về tin giả nhưng có thể hiểu, tin giả là những thông tin sai sự thật, được tán phát dưới “vỏ bọc” tin tức. Cách hiểu này cũng tương đồng với nghĩa của từ “Fake News” trong tiếng Anh, hiện đang được sử dụng nhiều trong giới truyền thông.

MXH cho chúng ta cơ hội tiếp xúc với tin tức một cách nhanh chóng, đôi khi sự việc chưa kịp lên báo chí chính thống thì chúng ta đã biết thông qua MXH. Đây chính là mảng đất màu mỡ, là điều kiện để tin giả xuất hiện và lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Tin giả thì thường rất giật gân để lừa người đọc, người xem chia sẻ, bình luận, từ đó lan truyền một cách không tưởng. Thực tế cho thấy, việc đăng tin không đúng sự thật chủ yếu được thực hiện phổ biến thông qua MXH. Các sự kiện, vụ việc được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: văn bản, hình ảnh, video clip,… nhưng được chỉnh sửa, cắt ghép và đăng tải trên các trang thông tin không chính thống hoặc qua các nền tảng MXH: Facebook, YouTube, Twitter, Instagram, Zalo,… Các đối tượng tán phát tin tức giả có nhiều mục đích khác nhau: tài chính, hạ uy tín cá nhân, tổ chức hay chỉ đơn giản là thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng để câu like, câu view.

Tin giả lan truyền theo kiểu “tiếng lành đồn xa, tiếng xấu đồn còn xa hơn”, một lượt xem, lượt like, lượt share vì tò mò hay bất cứ lý do gì đều tạo môi trường để tin giả có đất “dụng võ”. Những tin giả luôn biết cách đánh vào sự tò mò, quan tâm của dư luận, luôn ẩn mình dưới lớp từ ngữ rất “kêu”, giọng điệu “chảnh chọe”. Giữa lúc mọi người đang theo dõi tin tức dịch bệnh thì những thông tin về ca mắc, giãn cách xã hội hay khu cách ly ở các địa phương ngay lập tức được chú ý mà không cần quan tâm nguồn tin từ đâu, nếu được “share” thì những thông tin đó sẽ lan truyền trong vòng 1 “nốt nhạc”.

(Ảnh minh họa)

Đa số người dùng MXH chưa hiểu rõ về tác hại của “Fake News” và những hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia MXH. Tin giả được lan truyền trên các trang MXH hiện nay hầu như mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, lừa đảo lôi kéo sự chú ý người đọc, người xem.

Tăng sức đề kháng, trước “ma trận” thông tin

Người sử dụng MXH có thể tự bảo vệ chính mình bằng cách suy nghĩ cẩn thận trước khi “like”, “share”, “comment” và hãy luôn tự hỏi nguồn tin này có đáng tin cậy không? Nó có uy tín và đã được kiểm duyệt chưa? Liệu có thể tìm thấy thông tin này từ nguồn báo chí chính thống hay không?; Kiểm tra thông tin minh họa, hình ảnh, đường liên kết xem thông tin có thật sự hữu ích?.

Hãy tỉnh táo phân biệt được đâu là tin thật, đâu là trò đùa của cư dân mạng. Kiểm tra nhanh xem tác giả bài viết có đáng tin cậy không? Cẩn thận với các tin tức cũ bị đăng lại, chưa chắc chúng có liên quan đến sự việc hiện tại; tiêu đề có thể giật tít để thu hút người đọc. Cần kiểm chứng nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác.

Thời gian qua, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã liên tục công bố các thông tin giả mạo trên website: https://tingia.gov.vn/, trong đó số lượng công bố tin giả về “dịch bệnh” và “tài khoản giả mạo” là nhiều nhất.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, đã yêu cầu Facebook đã gỡ 702 bài viết, tài khoản vi phạm, Youtube đã gỡ 2.544 Videoclip và kênh xấu độc vi phạm.

Trước sự tác động đa chiều của thông tin, điều cần thiết hiện nay là tăng sức đề kháng cho cán bộ, đảng viên và người dân, đặc biệt là giới trẻ, trước những thông tin giả, tin đồn thất thiệt; việc giáo dục, nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ, đảng viên và người dân để nhận diện, phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả, tin độc hại là cần thiết, đồng thời tăng “sức đề kháng” trước những thông tin giả, tin đồn sai lệch.

Mặt khác, để phòng ngừa, ngăn chặn tin giả, tin sai sự thật trên MXH, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, nhất là giới trẻ, cần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm trong đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc trên không gian mạng, cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng và sự tỉnh táo cần thiết khi tham gia MXH.

Xác định kênh chính thống để định hướng, phản bác

Xác định rõ báo chí chính thống phải là “hạt nhân” dẫn dắt thông tin, định hướng thông tin trên MXH, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực. Do đó việc đẩy mạnh thông tin nhanh, kịp thời, chính xác là đều tiên quyết, nhất là các vụ việc, sự kiện “nóng”, được dư luận đặc biệt quan tâm. Qua đó sẽ định hướng, dẫn dắt thông tin trên MXH, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin giả, tin tiêu cực.

Cơ quan, tổ chức cần xây dựng Kênh truyền thông chính thống của mình trên MXH chia sẻ thông tin tích cực, kịp thời phản bác các thông tin sai trái của ngành, lĩnh vực mình trên các cơ sở luận cứ thông tin rõ ràng, minh bạch.

Bởi vì, một khi đã hiểu rõ thông tin chính thống của sự việc thì tin giả, tin tức vô căn cứ trên MXH sẽ không còn đất sống, người dân sẽ đặt niềm tin vào các kênh thông tin chính thống như báo chí để xác minh thông tin họ quan tâm. Từ đó, góp phần “định vị” và khẳng định sự tin cậy của người dân và xã hội đối với cơ quan truyền thông, báo chí.

Để chung tay cùng cơ quan chức năng ngăn chặn tin giả, tin sai sự thật, việc quan trọng hiện nay đó là, người sử dụng MXH cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, không chia sẻ, bình luận những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh; bởi MXH là ảo nhưng hậu quả là thật; lan tỏa thông điệp tích cực trên MXH, góp phần đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật và lành mạnh hóa thông tin trên môi trường mạng./.

Theo quy định tại điểm a, d Khoản 1 Điều 101 (Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ MXH) Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực,… sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. (Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 4 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP thì mức phạt này được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức. Nếu cá nhân có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức).

Như vậy, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu đến 10 triệu đồng; tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật mà mình đã đăng tải.

Hùng Cường

Chia sẻ bài viết