Tiếng Việt | English

13/02/2016 - 21:19

Nhà văn trẻ Lê Hữu Nam: Còn sống ngày nào thì tôi còn viết ngày đó

Lê Hữu Nam SN 1986 tại Đà Lạt, hiện đang sinh sống tại TP.HCM. Là tác giả của Hành trình trở về (truyện thiếu nhi, 2013), Con đến như một phép màu (nhật ký cho con, 2014) và đã ký hợp đồng xuất bản Xứ mộng hồn hoa (tập tản văn, Phương Nam Book), Những gam màu hồi sinh (tập truyện ngắn, NXB Trẻ), Sài Gòn café ngọt đắng (tản văn viết cùng Lưu Quang Minh, NXB Trẻ).

Lê Hữu Nam sinh ra trong một gia đình có hai anh em trai, nhưng với căn bệnh tim bẩm sinh không có vách ngăn liên thất-một căn bệnh không thể phẫu thuật triệt để, vậy nên ngay từ nhỏ sức khỏe của anh đã rất yếu.

Dù bệnh tim đang là một trở ngại lớn và khó đoán trước những bất trắc, song anh vẫn không ngừng viết và hoạt động vì môi trường. Nhân dịp nhà văn trẻ Lê Hữu Nam vừa vinh dự đoạt giải thưởng Nhà Văn Trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM vào đầu năm 2016, chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh.

Chào anh, sống trong bệnh viện vì căn bệnh tim hiểm nghèo từ năm 12 tuổi. Phải chăng chính vì vậy mà bây giờ anh dùng ngòi bút của mình để viết sách cho trẻ em nhằm tìm lại kí ức tuổi thơ của mình?

- Một phần thôi. Viết văn tôi không yêu thích ngay từ đầu. Do những ngày buồn bã, cảm giác mình không làm được những điều mình mong muốn, thì lúc ấy không gì có thể trải lòng hơn là viết. Viết những dòng cảm xúc, những thứ liên quan đến bản thân và những người xung quanh,… Do tuổi thơ tôi không được trọn vẹn vì mắc phải căng bệnh tim quái ác nên sức khỏe rất kém. Chính vì vậy, tôi không chỉ viết để trẻ em cảm nhận về câu chuyện tôi gửi gắm mà trong những câu từ ấy tôi được sống một cách thật sự trọn vẹn hơn.


Nhà văn trẻ Lê Hữu Nam

Là một cây bút trẻ, chọn cho mình hướng đi viết về bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Có khi nào anh thấy sách mình ít được đón nhận hơn là các tác phẩm do nhà văn trẻ viết ngôn tình?

- Là một người viết thì việc đầu tiên là tôi xác định được điều tôi muốn nói. Tôi muốn trở thành người có ước vọng, có chất và mỗi cuốn sách mình viết ra đều phải mang được ý nghĩa về sau. Không thể viết cuốn sách ra để nó bán chạy mà năm năm hay mười năm sau chẳng ai nhớ đến nó. Đó không phải là việc của một người viết văn làm. Nó chỉ là việc của những người trẻ muốn sách bán chạy bằng thứ cảm xúc cá nhân. Nó không phải là văn chương. Văn chương là con người, là thông điệp, là sự thật,… Có những ngày tôi dành ra chỉ để quan sát những chú chim, những con mèo,… để cảm nhận về chúng. Rồi tối đến, có khi đang viết bài tôi phải nghỉ giữa chừng để thở oxi, vì sức khỏe không phép. Tôi tự hào về những gì tôi đang làm, về tình yêu dành cho thiên nhiên, động vật. Còn sống ngày nào, tôi còn viết ngày đó.

Trong những ngày đầu năm 2016, anh vừa cho ra mắt bản mới “Mật ngữ rừng xanh” – một cuốn sách thu hút được nhiều sự quan tâm của độc giả. Anh mong muốn điều gì ở bạn đọc khi đọc “Mật ngữ rừng xanh” lần này?

- Tôi muốn sau khi đọc xong Mật ngữ rừng xanh, mỗi người sẽ bắt đầu làm những điều tốt nhất cho thiên nhiên theo cách của mình. Và nên hướng trẻ em đến những điều tốt đẹp mà chúng ta được hưởng từ thiên nhiên.

Theo nhiều người nhận xét thì sách “Mật ngữ rừng xanh” của anh lần này kém thu hút hơn những sách trước của anh, anh cảm nhận như thế nào?

- Tôi chỉ nói: Đây là một cuốn sách không phải dễ đọc. Thứ nhất, giới trẻ Việt đã quen với những cuốn sách đánh vào thị hiếu của họ, như những cuốn sách về tình yêu. Cuốn sách lần này của tôi lại mang đề tài khác, khô khan hơn, có tính chất văn chương hơn, dày hơn (so với những cuốn sách khác của tác giả trẻ Việt Nam). Thứ hai, cuốn sách của tôi xây dựng nhiều tình tiết, tuyến nhân vật cũng không ít, dễ bị mất tập trung nếu không theo sát. Đó là quan điểm của tôi, còn độc giả họ nghĩ gì thì tôi chưa biết. Nhưng tôi tin rằng, những người có thói quen đọc sách thì việc đọc và cảm nhận sách “Mật ngữ rừng xanh” thì không vấn đề gì.

Câu chuyện trong “Mật ngữ rừng xanh” như một bộ phim phiêu lưu kỳ thú, kích thích óc khám phá. Để viết một câu chuyện như thế, chắc anh phải quan sát và cảm nhận về động vật nhiều lắm?

- Thật sự mà nói, khi ta yêu cái gì, nguyện làm điều gì đó đến cùng thì cách tốt nhất để hoàn thành nó là sự trải nghiệm, bằng sự quan sát. Không dễ để nhìn thấy một con hổ nhưng không có nghĩa ta không biết về hổ. Chỉ cần nghĩ đến hình ảnh về một con hổ, từng động tác của nó ta sẽ có một vài chi tiết hay để viết.

Anh có lời nhắn nhủ nào cho các bạn trẻ yêu văn học bắt đầu tập tành viết văn không?

- Tôi chỉ nói như thế này, bản thân tôi sức khỏe rất kém, không biết còn được viết đến khi nào thì hỡi những người bút trẻ đam mê viết lách với sức khỏe, tài năng thì các bạn hoàn toàn có thể nhận được thành công. Chỉ cần đam mê và theo đuổi ước mơ của mình thì dù khó khăn đến đâu cũng sẽ vượt qua./.

Duy Phong

Sách “Mật ngữ rừng xanh” của tác giả Lê Hữu Nam vừa cho ra mắt là một câu chuyện thiên nhiên mang tính chất phiêu lưu và viễn tưởng. Bối cảnh chính là một khu rừng hư cấu ở Việt Nam đang có nguy cơ bị phá hủy bởi sự thiếu hiểu biết của nhà chức trách. Để bảo vệ khu rừng, các nhà khoa học phải đưa ra bằng chứng được ghi lại trên bốn tấm bản đồ cổ cuối thế kỷ mười chín. Tuy nhiên trong tay hai nhà khoa học đang nỗ lực cứu khu rừng này chỉ có hai tấm bản đồ. Họ sẽ phải tìm ra hai tấm bản đồ còn lại.

Ở một nhóm khác, những đứa con của họ cũng vô tình gặp nhau trong khu rừng ấy sau một chuyến chèo thuyền tử thần. Chính cuộc gặp mặt này đã giúp những đứa trẻ hợp lực bảo vệ khu rừng bằng tình yêu thiên nhiên. Tất cả chúng đều có chung một khả năng đặc biệt là nói chuyện được với động vật hoang dã. Nhân danh những người yêu quý rừng xanh, những đứa trẻ thống lãnh hơn hai mươi ngàn con thú để chống lại những kẻ phá rừng. Cũng rất vô tình, chính chúng là người nắm giữ hai tấm bản đồ quan trọng còn lại.

Chia sẻ bài viết