Tiếng Việt | English

14/08/2015 - 15:18

Như là cổ tích


Ảnh minh họa

Năm học mới đã đến, vậy mà bé Liên vẫn chưa được bà ngoại dẫn đi mua quần áo, sách vở để vào trường cùng với đám trẻ con trong xóm. Giờ này, nó vẫn còn xấp vé số trên tay với chiếc xe đạp cọc cạch rong ruổi khắp các ngõ hẻm để kiếm miếng cơm cho 2 bà cháu qua ngày. Vài hôm nữa là khai trường, nó cũng ước mơ bộ quần áo mới đến trường cùng bè bạn, nhưng ước mơ thì cũng chỉ là mơ ước,… Lâu rồi nên nó cũng dần quen với cuộc sống hiện tại - Cuộc sống của một thân phận mồ côi.

Dù sống trong cảnh nghèo khó nhưng bé Liên rất hồn nhiên, chân chất. Học một buổi, buổi còn lại nó tranh thủ bán vé số. Tối về, 2 bà cháu ăn cơm qua quít, rồi bà cặm cụi đương đệm còn nó thì học bài,… Nó lớn lên bằng tình yêu thương của ngoại, cứ lặng lẽ, âm thầm qua 12 mùa thu. Chẳng bao giờ thấy nó buồn hay là nó cố tình chôn giấu nỗi đau mất mát để ngoại không đau lòng. Bao nhiêu năm tháng cũng chỉ có 2 bà cháu hủ hỉ. Ngoại nói ba mẹ nó vắng số, nó chỉ biết vậy thôi!
Một chiều mưa tầm tã, Liên luýnh quýnh chạy về nói như muốn khóc: “Ngoại ơi! con trúng số 200 triệu đồng”. Nói rồi nó ngất xỉu, làm bà ngoại và mấy người trong xóm phải một phen hú vía!…

Hôm ấy, khoảng 3 giờ chiều, nó lo lắng vì vé số trên tay vẫn còn nhiều mà trời thì đang chuyển mưa, mây đen ùn ùn kéo đến, nó ráng đạp xe thật nhanh và mời gọi những người đi đường mua giúp những tờ vé số cuối cùng để về với ngoại nhưng không còn kịp nữa rồi. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, ngồi co ro dưới mái hiên bên đường, nó kiểm tra số tiền bán được hôm nay xem có đủ không, lúc hết mưa, mang tiền trả cho đại lý rồi lấy vé số mới về để ngày mai đi bán tiếp,… vẫn còn lại 2 tờ vé số, nó thở dài vì hôm nay mất lời 20.000 đồng.

Cầm 2 tờ vé số trên tay, nó cứ mân mê và ao ước: “Ước gì chiều nay, con trúng số cho hai bà cháu bớt khổ”. Nói thế, nhưng nó vẫn tiếc 2 tờ vé số không bán được, 20.000 đồng chứ ít gì.

5 giờ chiều, nó bỏ tiền và 2 tờ vé số vào cái ví nhỏ và đạp xe lại đại lý,… Vừa tới nơi, nó thấy người ta bu đông nghẹt và bàn tán xôn xao. Ông chủ đại lý thấy nó mừng rỡ:

- Con Liên kìa! Trời ơi, con bán trúng độc đắc rồi! Con nhỏ này vậy mà hên thiệt, nó đem lại sự giàu có cho cái thị trấn này rồi, con nhớ bán cho ai không? để biết mà người ta cho tiền đi học.

Nó nghe vậy cũng mừng lắm nên hỏi lại ông chủ:

- Trúng đài nào vậy ông ba, số gì?

- Đài Bình Dương, số 974278.

Vừa nghe tới đó nó lẹ làng mở ví xem lại 2 tờ vé số ế, quả thật 2 tờ vé số của nó có dãy số 074278. Nó lật đật trả tiền cho chủ, quên cả lấy vé số và chạy về nhà, rồi chẳng biết gì nữa.

Cả đêm đó 2 bà cháu chẳng ai ngủ được, trông trời sáng cho mau để đi đổi vé số. Sáng sớm, nó dắt chiếc xe đạp cọc cạch ra trước sân chở ngoại đổi vé số và đến thẳng ngân hàng. Ngoại nó chỉ để lại vài triệu để sắm soạn lặt vặt trong nhà, lo quần áo, sách vở cho nó đi học và cũng làm vài mâm mời bà con lối xóm đến chung vui.

Trong đầu nó hiện lên bao nhiêu là viễn cảnh tương lai. Số tiền đó nó sẽ bàn với ngoại xây lại cái nhà cho chắc chắn, nó sẽ được ăn học đến nơi đến chốn, còn lại để lo cho ngoại lúc tuổi già sức yếu,… Đang miên man suy nghĩ, nó chợt nhớ đến ba mẹ nó. Đã lâu lắm rồi, nó chưa bao giờ hỏi ba mẹ nó giờ nằm ở đâu? Nó chỉ biết mỗi năm vào dịp tháng 8, ngoại nó cũng làm một mâm cơm đạm bạc để cúng ba mẹ. Bất giác nó chạnh lòng:

- Ngoại ơi! Ngày mai ngoại dẫn con đi thăm mộ ba mẹ con nha ngoại! Giờ này, bên kia chắc ba mẹ mừng cho bà cháu mình lắm hả ngoại. Chắc là ba mẹ đang mỉm cười hạnh phúc.

Sáng mùa thu trong vắt, những làn gió thu hây hẩy thổi vào mặt và tóc Liên, nó đưa tay vuốt lấy những sợi tóc lòa xòa trên mặt hất ra sau. Ánh lên trong đôi mắt ngây thơ của nó là niềm vui đang lan tỏa. Nó mong ngày khai giảng tới mau, để nó được mặc quần áo mới, cặp sách mới như bao đứa bạn khác mà không phải rụt rè hay ngượng ngùng, mắc cở như mọi năm. Con đường tương lai đang đón chờ nó với bao điều hứa hẹn./.

Phùng Hải

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
như là cổ tích