Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) là một thực thể hoàn chỉnh, thống nhất về mặt tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội, bao gồm toàn bộ các yếu tố lãnh thổ, dân cư, các giá trị văn hóa, lịch sử, quyền dân tộc và chế độ XHCN. Chính vì vậy, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là bảo vệ cả hai mặt tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội trong một chỉnh thể thống nhất; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã khẳng định: “Mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”.
Trong 32 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và 12 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực. Tình hình đất nước cơ bản ổn định nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thử thách đan xen. Đại hội XIII của Đảng nhận định “tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng cũng đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt”.
Do tác động của đại dịch Covid-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng. Tại Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên biển Đông còn diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh mẽ, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và nước ta.
Bên cạnh đó, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch với các âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc như “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, can thiệp từ bên ngoài kết hợp gây mất ổn định từ bên trong, lợi dụng, kích động vấn đề dân tộc, nhân quyền, tôn giáo hòng chống phá ta trên các lĩnh vực, tạo dựng lực lượng chống đối nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng ta nhằm đạt mục đích của chúng. Vì vậy, để thực hiện tốt việc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, trước hết, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, MTTQ và các đoàn thể trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản, giá trị to lớn, bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Mặt khác, cần xác định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN là sự nghiệp của toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Ths. Nguyễn Tấn Hải