Tiếng Việt | English

17/04/2016 - 10:32

Thầy cãi

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến tết, ông nội dắt tay tôi đến nghĩa địa phía sau trường học. Ông đặt lên ngôi mộ hoang một đóa hoa huệ trắng, thắp nén nhang rồi ngồi đó trầm ngâm. Lần nào như lần nấy, ông nội mang theo một chai rượu nhỏ, một cái ly nhỏ, đặt phía chân mộ. Sau khi thắp nhang xong, ông rót rượu vào ly, mắt nhìn về phía bia mộ, như muốn nói một lời mời, lời mời của những người tri ân, tri kỷ của nhau.

Tết năm 2005, tôi nắm tay ông nội, dìu ông đi vào nghĩa địa. Ông nội đi chậm lại từng bước, như nhớ thương, như lưu luyến. Ngôi mộ nằm ở góc cũ, bia mộ rong rêu đóng xanh không đọc ra chữ. Hoang vắng, lạnh lẽo, không một người thân đến viếng. Cũng như mọi khi, ông nội rót một ly rượu, rồi nói nhỏ vào mộ bia: “Mình sẽ gặp nhau sớm thôi!”.

Minh họa: Thiện Mỹ

Ông nội kéo tôi lại ngồi gần, mắt ông xa xăm, như có những cuốn phim đang chiếu qua màn lưới ấy…

…Ở phía xa xa, 2 vợ chồng người lính trẻ chia tay nhau, lưu luyến không nói được lời nào. Người lính trẻ tập kết ra Bắc, để lại quê hương người vợ trẻ đang mang thai đứa con gần chào đời. Anh nói:

- Sẽ nhanh thôi em à, anh sẽ về kịp lúc thôi nôi con mình.

Đó là niềm tin của người đi và người ở lại. Nhưng chiến sự đâu như những gì người ta mơ ước. Chiến tranh lại đổ lửa trên mảnh đất quê hương sau những điều dối trá của quân thù. Những chiếc trực thăng như những con chuồn chuồn khổng lồ, ù ù gió, cuốn những chiếc lá vàng bay tung tóe khắp sân nhà. Tiếng súng nổ ở xa xa, càng lúc càng vang dội. Những tia lửa bên kia sông cháy như tứa máu, cây dương cả trăm năm ngã xuống mặt sông, lá héo u buồn để tàng cây trốc gốc. Dòng sông nuốt những trái thủy lôi, nhưng trái bom, nổ như gầm như thét…

Sáng sớm, tụi lính Mỹ treo bàn tay của một người phụ nữ. Cô bị chặt tay vì cô làm giao liên. Đó là một nhát chém cảnh cáo dân làng:

- Thằng nào, con nào theo Việt Cộng thì nhìn theo con này...

“Con này” là chị Năm, nhà ở đầu vàm sông. Chồng đi tập kết hồi năm 54, chị ở lại liên lạc. Mỗi buổi chợ, chị bưng thúng hột vịt đi bán. Dắt đứa nhỏ đi theo. Số tài liệu, chị giấu kỹ trong bộ đồ đứa nhỏ, được may túi giấu cẩn thận. Nhưng không may, có người chỉ điểm. Chị bị bắt. Tụi lính giải 2 mẹ con về đồn tra tấn, rồi đưa sang khám lớn nhốt.

Ở khám lớn, hằng ngày, đứa nhỏ chạy tung tăng vui đùa ở phía ngoài. Mẹ nó ở tù phía trong khung sắt nhìn theo. Thấy nó đi xa thì kêu nó lại. Bữa cơm khắc nghiệt của nhà tù, 6 chén cơm cho 6 người phụ nữ, khi vào tới nhà giam được họ chia ra thêm một chén cho đứa nhỏ. Đứa nhỏ vô tư chạy nhảy. 6 tháng tạm giam trôi qua, nhưng không có một phiên tòa nào mở để xét xử. Các chị trong tù phản đối, đề nghi đưa ra xét xử.

Phiên tòa được mở lúc 7 giờ sáng…

- Nguyễn Thị Mận, 6 năm tù giam.

- Trần Thị Chốt, 3 năm tù khổ sai Côn Đảo.

- Nguyễn Thị Hai, 5 tháng tù,…

Tiếng quan tòa tuyên án vang vọng trong ngôi nhà công lý, tiếng người im phăng phắc rồi lại ồn lên những đợt sóng âm sau khi nghe tòa tuyên án. Đến trường hợp cuối cùng. Tòa kêu tên, Nguyễn Thị Năm, 27 tuổi.

Người phụ nữ bước ra, sau lưng là một bé gái, độ 4-5 tuổi, mặt mày xanh như tàu lá chuối. Đứa bé rụt rè như muốn khóc, nó bậm môi, nhìn dáo dác, chạy theo nắm lấy áo mẹ. Khi mẹ nó đến đứng trước vành móng ngựa. Nó đứng nấp sau lưng, lâu lâu ló đầu ra nhìn quan tòa, ngạc nhiên, nhăn nhó, tức tối, hận thù...

Đứa trẻ càng tỏ ra không sợ nữa khi nghe mẹ đanh thép trả lời quan tòa. Nó đứng ôm chân mẹ như ôm cây cột đồng vững chãi. Quan tòa kêu án, Nguyễn Thị Năm, 10 năm tù giam…

Cả phiên tòa đứng dậy, mọi người ồn lên, tiếng nói, tiếng kêu oan, tiếng khóc nấc tạo nên những âm thanh hỗn loạn. Ông chủ tòa gõ cây búa gỗ lên bàn mấy cái liên tục, mọi người từ từ lắng xuống, im lặng.

Một vị thầy cãi từ phía ngoài cửa đi vào. Ông chào quan tòa và mọi người. Thầy cãi nhìn 2 mẹ con chị, đôi mắt như nói được. Ông nhìn về phía ông chủ tòa, nói:

- Kính thưa quan tòa, xin quan tòa hãy xem xét, chỉ vì làm liên lạc mà tòa xử chị 10 năm thì quả thật là rất nặng. Vì 10 năm của quan tòa bằng 20 năm của mẹ con chị ấy. Xin quan tòa hãy nhìn xuống sau lưng người chị, đó là một đứa bé. Là một sinh mạng, một con người. Cũng như chúng ta vậy. Nếu quan tòa xử chị ấy 10 năm, thì đứa bé cũng phải ở tù với mẹ 10 năm. Thế thì không công bằng. Tại sao tòa không mở ra một con đường nào tươi sáng hơn cho mẹ con phạm nhân này.

Quan tòa nhìn đăm đăm vào thầy cãi, ông quay sang nói với cộng sự điều gì đó rồi nói:

- Nhưng chồng phạm nhân là dân tập kết, không thể dung tha cho phạm nhân được.

Thầy cãi lại đứng dậy:

- Đi tập kết là có tội sao. Chẳng phải có thỏa thuận, ký kết rồi đó sao nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn. Chúng ta là những người trong cuộc chiến tranh không ai muốn tiếp diễn. Là một người giữ cán cân công lý, tôi đề nghị quan tòa xem xét giữa luật pháp và lương tâm con người.

Quan tòa nhìn thầy cãi, cười một nụ cười nhếch mép:

- Thầy cãi đây học trường luật của Quốc gia hẳn hoi, sao lại cãi ngược với luật lệ!
Thầy cãi nhìn quan tòa, nụ cười thầy sắc lạnh:

- Thưa quan tòa, tôi học trường lớp hẳn hoi, và học trường đời, trường chiến. Tôi chỉ cãi đúng luật và làm đúng lương tâm mình. Đề nghị quan tòa xem xét lại hình phạt vừa tuyên.

Quan tòa bắt đầu tức tối, có chút bối rối xuất hiện. Sau khi bàn với cộng sự một lúc rất lâu, quan tòa tuyên án:

- Tạm thời xử phạm nhân 2 năm tù treo…

Cả tòa án đứng dậy, vỗ tay. Phiên tòa kết thúc, chị nhìn dáo dác kiếm vị thầy cãi ban nãy. Nhưng trong đám đông ra về, không biết thầy ở nơi đâu. Khi ra tới trước cổng, mới gặp được thầy. Thầy đứng trước cổng, gặp chị, cười tươi xoa đầu đứa bé rồi dúi chị một xếp tiền:

- Tôi là Năm Sơn. Chị lấy tiền này về thu xếp mua đồ đạc, chuẩn bị, mai mấy ảnh sẽ rước chị đi. Chị ở đây sẽ không yên với bọn nó đâu.

- Còn thầy?

Đùng… tiếng súng nổ trước mặt chị, thầy cãi ngã lăn xuống đất, mắt nhìn chị, chỉ ngón tay về phía chiếc xe của thầy đậu gần đó. Anh tài xế nhanh tay bước ra lôi mẹ con chị lên xe, phóng thẳng về phía đường, lao đi mất. Qua cửa sổ xe, nhìn thầy tắt thở trên đám máu loang đỏ tươi trước nền tòa công lý…

…Nói tới đây, lời ông nội nghẹn lại. Mắt ông như có những đám mây trong vắt trôi ngang, những đám mây trôi như muốn chảy xuống mặt đất, như muốn tưới lên những ngọn cỏ ở chân mộ. Nội lấy ly rượu hớp cạn, rót một ly đầy, đặt xuống, rồi nội tiếp lời cho cuốn phim đang chiếu đến cực điểm…

- Sau này, hòa bình rồi, gặp lại bà, ông mới biết, Năm Sơn là người đã cãi giúp cho bà và cô hai con thoát nạn. Dù ở phía bên kia, nhưng Năm Sơn luôn bênh vực cho công lý, cho lẽ phải. Bởi vậy nên bị họ ám hại Năm Sơn. Sau này, ông nội đi truy tìm mới biết, người ta chôn Năm Sơn trong nghĩa địa này. Nhưng vợ con, người thân Năm Sơn ở đâu thì không ai biết.

Qua tết mấy tháng thì nội tôi lặng lẽ ra đi. Nội nhẹ nhàng ra đi trong giấc ngủ. Không một lời nói nào với tôi. Ông không muốn nói hay là ông đã nói hết với tôi rồi. 3 năm sau, tôi xin phép lấy cốt ông Năm đưa về nằm gần ông bà nội tôi. 3 ngôi mộ nằm gần nhau, như tri ân tri kỷ. Con tôi chỉ tay vào ngôi mộ, nó nói:

- Mộ ông Năm nè cha.

Tôi ngạc nhiên hỏi, sao con biết? Nó trả lời:

- Ông cố dạy con đó. Cố nói, ông Năm hiền lắm, ông Năm tốt nữa. Lớn lên con sẽ theo nghề của ông Năm, sẽ làm thầy cãi, là luật sư!

Con tôi chắp tay, khấn lạy, nó nói nhỏ như cơn gió, nhưng nó tin chắc rằng ông Năm của nó sẽ nghe được. Nó tin, tin rằng nghề thầy cãi ngày xưa, cũng như nghề luật sư ngày nay là một nghề tốt, là nghề sinh ra để giữ cán cân công lý…/.

Lê Quang Trạng

Chia sẻ bài viết