Học sinh dâng hương tại tượng đài đồng chí Võ Văn Tần
Giúp học sinh khắc sâu những bài học lịch sử
Giáo dục truyền thống lịch sử cho HS là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục. Thông qua nhiều hình thức khác nhau, HS được tiếp cận những kiến thức về truyền thống lịch sử một cách sinh động, dễ nhớ, góp phần nâng cao sự hiểu biết của bản thân. Xác định giáo dục truyền thống lịch sử là chặng đường dài, cần sự bền bỉ, Trường THCS Hòa Thành (xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ) không nóng vội mà luôn kiên trì giáo dục các em. Nhiều năm nay, trường duy trì phong trào kể chuyện về nhân vật lịch sử Việt Nam. Theo đó, HS thi tại lớp theo tổ. Tổ có câu chuyện xuất sắc nhất sẽ đại diện lớp thi cấp trường.
Tham gia thi kể chuyện về nhân vật lịch sử Việt Nam, các em tìm hiểu về tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp, những mốc son quan trọng của nhân vật để xây dựng thành một câu chuyện súc tích, hấp dẫn. Ngoài ra, các em còn chuẩn bị đạo cụ để minh họa, tham gia múa hoặc sắm vai để câu chuyện thêm phần sinh động, truyền tải rõ nội dung và ý nghĩa.
Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Thành - Đỗ Ngọc Ngân Hà chia sẻ: “Các em được tự do lựa chọn nhân vật lịch sử Việt Nam mình thích, được tự tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp nhân vật ấy và tự tay chuẩn bị đạo cụ phục vụ câu chuyện. Đó không chỉ là sân chơi bổ ích mà còn là những bài học lịch sử giá trị mà các em tự tìm tòi, khám phá. Một số lớp còn mời cố vấn là giáo viên lịch sử tham dự để nhận xét, góp ý. Nhờ vậy, những kiến thức lịch sử các em học được càng khắc sâu hơn”.
Song song đó, hàng tuần, Trường THCS Hòa Thành còn tổ chức cho HS thắp hương, chăm sóc bia tưởng niệm của xã. Các em tham gia quét dọn, chăm sóc cây kiểng tại bia tưởng niệm. Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12) hàng năm, trường mời cựu chiến binh của xã đến kể những câu chuyện thời chiến; đồng thời, tổ chức cho HS tham quan Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh để các em được nghe, xem những hình ảnh thực tế, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.
Mô hình giáo dục truyền thống lịch sử sinh động
Ngoài giáo dục truyền thống lịch sử thông qua sinh hoạt dưới cờ, các hoạt động ngoại khóa, Trường THPT Đức Hòa (huyện Đức Hòa) còn triển khai hiệu quả mô hình Hành lang danh nhân. Theo đó, trường treo 70 bức tranh về các danh nhân thế giới và Việt Nam dọc các hành lang khu lớp học. Trên các bức tranh có ghi tóm tắt tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân. Trong đó, danh nhân Việt Nam đa số là các nhân vật lịch sử như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các Tổng Bí thư qua các thời kỳ,… “Khi mới đặt chân vào trường, em rất ấn tượng với Hành lang danh nhân. Nhờ mô hình này mà em biết thêm về những nhân vật lịch sử nổi tiếng, nhất là nhân vật lịch sử của Việt Nam” - Phạm Phụng Kiều - HS lớp 10A4, bộc bạch.
Hành lang danh nhân của Trường THPT Đức Hòa
Bí thư Đoàn trường THPT Đức Hòa - Lê Duy Hoàng cho biết: “Các bức tranh danh nhân được treo dọc hành lang khu lớp học, nơi HS qua lại thường xuyên. Do vậy, ít nhất các em cũng biết mặt, biết tên những danh nhân ấy. Thay cho những lời nói tuyên truyền suông, các em được tự xem, đọc sẽ dễ nhớ hơn. Mô hình còn tạo được điểm nhấn cho hành lang nói riêng, trường nói chung”.
Thông qua Hành lang danh nhân, học sinh hiểu thêm về các nhân vật lịch sử của Việt Nam
Ngoài ra, Trường THPT Đức Hòa còn thường xuyên tổ chức cho HS tham quan các di tích lịch sử tại địa phương và tham gia về nguồn tại các tỉnh lân cận; đồng thời, tổ chức cho HS tham gia thi thuyết trình về khu di tích lịch sử. Thông qua các hoạt động đó, HS được biết thêm, hiểu thêm về truyền thống lịch sử của dân tộc.
Mang kiến thức về biển, đảo đến gần học sinh
Giáo dục về chủ quyền biển, đảo cho HS cũng là một trong những việc làm quan trọng, thường xuyên của các trường học, giúp các em có sự hiểu biết và bồi đắp tình yêu biển, đảo quê hương.
Tại Trường THCS Hòa Thành, tùy theo chủ đề, chủ điểm mỗi tháng, trường chọn nội dung giáo dục cho HS thông qua sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Trong đó, giáo dục về biển, đảo là một trong những nội dung quan trọng. HS được nghe, tìm hiểu về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhờ việc làm ấy được lặp đi lặp lại nên HS có thêm những kiến thức cơ bản về chủ quyền biển, đảo để thêm yêu và tự hào về đất nước Việt Nam.
Ngoài các hoạt động trên, Trường THPT Rạch Kiến (huyện Cần Đước) còn cho HS thi vẽ tranh kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12; trong đó, có chủ đề biển, đảo. Nhờ chủ động tìm hiểu nên kiến thức về biển, đảo trở nên dễ tiếp thu và được khắc sâu với các em hơn. Đặc biệt, những bức tranh ấy cũng là một hình thức tuyên truyền về biển, đảo sinh động cho HS toàn trường. “Những bức tranh về biển, đảo đã khơi dậy cho em sự tìm tòi, muốn tìm hiểu nhiều hơn, kỹ hơn về biển, đảo quê hương Việt Nam. Nhờ vậy, em biết thêm nhiều điều hay, thú vị của đất nước ta” - em Đỗ Hoàng Tường Vy - HS lớp 12A15, chia sẻ.
Góc tuyên truyền, trong đó có nội dung về biển, đảo tại Trường THPT Đức Hòa
Riêng Trường THPT Đức Hòa, không chỉ tổ chức cho HS vẽ tranh về biển, đảo mà còn treo những bức tranh ấy tại góc tuyên truyền nhằm khơi gợi tình yêu biển, đảo trong các em. Bí thư Đoàn trường THPT Đức Hòa - Lê Duy Hoàng nói: “Phương pháp tuyên truyền về biển, đảo hiệu quả nhất có lẽ là khơi gợi để các em tự tìm hiểu kỹ hơn những vấn đề mình quan tâm. Do đó, sắp tới, trường dự định làm một sa hình với bản đồ Việt Nam, có Hoàng Sa, Trường Sa và một số thông tin cơ bản về chủ quyền biển, đảo”.
Thông qua các hình thức tuyên truyền sinh động, thiết thực, HS được bổ sung thêm kiến thức về truyền thống lịch sử, biển, đảo để thêm yêu, tự hào về quê hương, đất nước và phấn đấu học tập để xứng đáng tiếp nối truyền thống của cha ông./.
An Nhiên