Tiếng Việt | English

28/08/2024 - 08:34

Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập 02/9

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bác là một trong những tố chất quan trọng bậc nhất sáng ngời, là tư tưởng nhân văn, dòng hợp lưu trí tuệ của nhân loại, thể hiện đặc sắc trong bản Tuyên ngôn Độc lập 02/9/1945.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của cách mạng việt Nam, linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân, của dân tộc và cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã suốt đời “hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân” và khi đi xa, đã “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Ngày 28/8/1945, trên căn gác hai của nhà số 48, Hàng Ngang (Hà Nội), Bác Hồ bắt đầu dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Sau này, Bác nói: “Đó là những giây phút sung sướng nhất của đời mình”. Tuyên ngôn Độc lập đó chính là một “Nam Quốc Sơn Hà”, một “Bình Ngô đại cáo” của thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh.

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc (Ảnh tư liệu)

Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ở Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 02/9/1945 khẳng định: Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ có ý nghĩa đối với nền độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới. Liên hợp quốc ban hành nhiều công ước về quyền độc lập của các nước và quyền con người, nổi bật là Công ước quyền KT-XH và văn hóa, Công ước về Quyền dân sự chính trị,...

Tuyên ngôn Độc lập 02/9/1945 đã lên án một cách đanh thép tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam: “Về chính trị chúng tuyệt đối không cho Nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”, “Về kinh tế chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”, “hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói”… “Trong 5 năm chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”.

“Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.

Tuyên ngôn Độc lập 02/9 được bắt đầu với một định đề triết học nhân văn dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(1).

Kế tiếp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trích bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một cách đanh thép “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”(3). Nhưng lẽ phải ấy được ghi đậm nét, rành rõ trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ, trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái với nhân đạo và chính nghĩa”.

Theo tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, một nhà nước ra đời trước hết là bảo đảm tính lập hiến, cho nên ngày 02/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đã đặt nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một trong sáu vấn đề cấp bách hơn cả của chính quyền cách mạng là: “Chúng ta phải có một bản Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội với chế độ phổ thông đầu phiếu”.

Ngày 06/01/1946, tất cả công dân Việt Nam, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến,... từ 18 tuổi trở lên tham gia cuộc Tổng tuyển cử tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội - cơ quan quyền lực tối cao có quyền lập hiến, lập pháp.

Hơn một năm sau dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 09/11/1946, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I đã thảo luận dân chủ và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và đầu tiên ở Đông Nam Á, làm nền tảng pháp lý vững chắc, luật cơ bản đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới với chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đây là đạo luật đầu tiên khẳng định “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể chia cắt ” (Điều 2 Hiến pháp năm 1946). “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam… ” (Điều 1 Hiến pháp năm 1946).

79 năm trôi qua, tư tưởng nhân văn, tư tưởng vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập 02/9 trở thành sức mạnh trí tuệ, đến ngay những kẻ thù thực dân xâm lược cũng phải tôn kính, thuyết phục; tranh thủ được sự đồng tình của các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, về với cội nguồn dân tộc, với lẽ sống cao đẹp của Người.

Hơn thế nữa, với tố chất nhân văn Hồ Chí Minh đã giúp Bác tập hợp và lập ra Nhà nước gồm những nhà trí thức trên nhiều lĩnh vực của quốc gia lúc bấy giờ. Đây chính là sự tỏa sáng của lòng nhân ái, sự cảm thông sâu sắc, lòng yêu nước, thương dân, niềm khát khao độc lập, tự do của cả dân tộc.

Như tác giả Trần Vũ đã viết: “Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh mang lại cho nhân dân niềm tin vào lý tưởng cao đẹp của cách mạng, tin vào Đảng, tin vào chế độ xã hội, đồng thời tư tưởng nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh chứa đựng một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của Nhân dân, vào sự sáng tạo vô bờ của quần chúng...”.

Tuyên ngôn Độc lập 02/9/1945 vang vọng mãi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thể hiện rõ chân lý chính nghĩa, pháp lý đanh thép và đạo lý cao cả của dân tộc Việt Nam giành độc lập, tự do. Dưới ánh sáng của Tuyên ngôn Độc lập đã khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, nêu cao khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường, thịnh vượng./.

Tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập

 

Tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập 

Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những vấn đề cực kỳ cơ bản, đúng đắn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, nhưng phù hợp với giá trị chung của nhân loại.

ThS Nguyễn Thanh Hoàng

(1) (2) (3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,
t. 4, tr.1

Chia sẻ bài viết