Tiếng Việt | English

04/09/2015 - 10:52

Về quê


Ảnh Kim Khánh

Lam vừa kèm xong đứa học trò bên quận 1 lại chạy qua quận 3 kèm tiếp một em đang học lớp 12, cái xe cà tàng dở chứng giữa chừng. Xe cộ giờ này đông nghẹt, nóng bức, mùi khói bụi muốn ngộp thở, Lam đành leo xuống dắt bộ kiếm chỗ sửa xe.

Mệt, nóng, mồ hôi vã ra ướt áo, Lam vừa lầm bầm trong miệng vừa than khổ, mà tự Lam làm khổ mình chớ ai, tốt nghiệp đại học loại giỏi ngành Tài nguyên-Môi trường, Lam không chịu về quê làm việc mà cố bám lấy đất Sài Gòn lập nghiệp, anh trai Lam tốt nghiệp Đại học Nông Lâm là xung phong về quê và có việc làm ổn định ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện liền, năm lần bảy lượt, anh Hai rủ Lam về mà cô bướng không chịu về.

Tới chỗ sửa xe, Lam ngồi thở dốc, nước mắt chực trào ra, bác sửa xe thấy vậy vội an ủi: “Thôi, có gì đâu mà khóc để bác sửa cho!”. Sửa xe xong thì đã quá trưa, Lam chạy về nhà trọ, tới nơi cô sững người – ba ngồi ngoài cửa chờ Lam, lật đật Lam lấy chìa khóa mở cửa cho ba vô nhà, thấy Lam mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt đỏ bừng, ba chặc lưỡi : “Khổ thân!”. Rót cho ba ly nước, bật quạt cho đỡ nóng, Lam hỏi: “Ba lên có việc gì không ba?”, “Lên rước con về nè!”, Lam chưa hết thắc mắc thì ba tiếp luôn: “Con ra trường 2 năm nay rồi, không lẽ đi làm gia sư hoài được sao con, quê mình đang cần những kỹ sư như con mà mày cứ ở trên Sài Gòn này sống chật vật lắm”. Vừa mệt, vừa tủi thân, nước mắt Lam chực trào ra, ba vuốt tóc con gái, cương quyết: “Dọn đồ về đi con, còn xe cộ với mấy thứ lặt vặt vài bữa ba biểu anh Hai lên dọn hết cho!”. Riu ríu theo ba, Lam dọn hết quần áo cho vào ba lô rồi cẩn thận khóa cửa về quê với ba.

Từ Sài Gòn về tới nhà Lam đâu có xa xôi gì, khoảng tiếng rưỡi đồng hồ là về tới nơi, vậy mà mấy tháng Lam mới về thăm nhà bởi lịch dạy kèm dày đặc. Hai cha con về đến nhà thì đã xế trưa, má trong nhà lật đật chạy ra đỡ phụ ba lô cho Lam, múc gàu nước giếng mát lạnh cho Lam rửa mặt. Cơm canh dọn sẵn, chưa bao giờ Lam được ăn bữa cơm ngon đến vậy, cơm má nấu thoang thoảng mùi khói bếp ấm nồng, nhiều lúc bon chen mệt mỏi, Lam nhớ rớt nước mắt bữa cơm của má.

Má lui cui sau bếp nấu nồi bồ kết với lá sả, lá bưởi cho Lam gội đầu. Má đã chuẩn bị sẵn một rổ xoài cát Hòa Lộc chín vàng ươm biểu Lam đem qua biếu chú thím Sáu nhà kế bên sẵn chào chú thím, chỗ thân tình mấy chục năm của ba má. Lam hơi ngần ngừ không phải vì Lam lười mà ngại gặp Lâm - con trai chú thím bằng tuổi Lam, hồi đó học phổ thông chung, Lam không ưa gì Lâm, không phải vì Lâm khó ưa hay quậy phá gì hết tại tụi bạn cứ chọc: “Chữ Lam cùng với chữ Lâm một nhà”, chọc riết làm Lam đâm ra ghét lây qua Lâm mặc dù Lâm hiền lành, dễ mến và học rất giỏi. Hôm ba lên rước Lam về nghe ba kể Lâm cũng tốt nghiệp Đại học Bách khoa ngành Tài nguyên-Môi trường như Lam, tốt nghiệp xong Lâm về huyện làm và nghe mang máng ba nói hắn làm tới chức phó phòng.

Chú thím Sáu thấy Lam qua mừng quá chừng, nói chuyện một chút Lam xin phép về, cô ngại đụng độ “oan gia”, vuốt mái tóc chưa kịp cột lên của Lam, thím Sáu nhìn cô trìu mến: “Ước gì thím cũng có con gái dễ thương như con”, nhà chú thím toàn con trai nên thích con gái lắm, hồi xưa chú thím cưng Lam như con. Lam vừa về tới cổng nhà thì Lâm cũng vừa đi làm về tới, chỉ nháng thấy Lâm là Lam lật đật chạy vù vô nhà ra tuốt sau bếp không kịp để Lâm chào một tiếng. Anh Hai cũng vừa đi làm về thấy Lam thập thò trong nhà, cười đắc ý: “Út đợi ba lên rước mới chịu về đó hả?”.

Tối, cả nhà quây quần ăn cơm thật đầm ấm, ba nói: “Đầu tuần sau, con Lam về Phòng Tài nguyên và Môi trường làm hen, ba nói thằng Lâm rồi, hồ sơ ba để trên bàn, lát ghi vô, bây giờ thiếu kỹ sư như bây lắm, ráng mà làm cho tốt!”.

Tờ mờ sáng, Lam giật mình đã thấy má lui cui dưới bếp nhóm lửa, má nấu cơm cho cả nhà, sáng nay, nhà Lam lặt đậu, công cán ba đã lo hết rồi. Hôm nay cuối tuần nên công đông lắm, Lam cũng khoác cái áo bà ba cũ của má theo ba với anh

Hai ra đám ruộng trước nhà lặt đậu, anh Hai chụm cho Lam cái chòi nhỏ từ dây đậu, cô không hề biết đằng sau cô, Lâm đang nhìn cô với ánh mắt trìu mến, lòng anh cũng đang rộn ràng vui.

Trưa, má kêu 3 cha con vô ăn cơm, kêu cả Lâm nữa, Lam thấy hơi ngại mà thôi kệ hắn đi, cơm mình thì mình ăn chớ có ăn ké ai đâu mà ngại, trưa nay, má kho mắm ăn với bông súng, suốt bữa ăn, ba với anh Hai trò chuyện rôm rả với Lâm, Lam thì cắm cúi ăn cho xong bữa, má cứ gắp thức ăn lia lịa cho Lam, anh Hai ghẹo: “Có út về thì anh Hai bị ra rìa”. Lam lườm anh một cái, lúc này, cô mới nhìn rõ mặt Lâm, gương mặt cương nghị, rắn rỏi, khi hắn cười hai con mắt cũng cười theo.

Hai ngày cuối tuần, nhà Lam cũng xong hết công việc, lâu lâu mới làm việc đồng áng lại, Lam thấy ê ẩm cả người, cô càng thấy thương ba má và thương nông dân quê mình, lam lũ quanh năm mà thương lái cứ ép giá, cuộc sống chật vật, khó khăn trăm bề. Ngày mai là thứ hai, Lam sẽ về huyện làm, hồ sơ ba đã nhờ Lâm nộp vào rồi, không biết công việc sẽ ra sao, thôi thì “nước lên tới đâu thuyền lên tới đó”, Lam tự nhủ trước khi thiếp vào giấc ngủ ngon lành.

Sáng, Lam dậy từ sớm, trước cả má, cô quét sân, dọn dẹp nhà cửa, bên kia hàng rào, thím Sáu nhìn qua mà ưng bụng thầm khen Lam vừa đẹp người lại vừa đẹp nết, bà thầm nghĩ có Lam về làm dâu thì có phước biết mấy,…

Lam thay đồ tươm tất, vừa đẩy xe ra ngoài đã thấy ba và Lâm ngồi uống trà ngoài hiên: “Bữa nay, ba nhờ Lâm đưa con tới chỗ làm cho đỡ lạ chỗ, dù gì Lâm cũng làm ở đó quen rồi!” Trong bụng Lam không ưng nhưng ba đã nói vậy Lam cũng không dám cãi lời, đi dọc đường, Lâm hỏi đủ chuyện mà Lam thấy mắc cỡ quá chừng nên chỉ trả lời chiếu lệ, cô trông mau mau tới chỗ làm.

Dưới sự hướng dẫn của Lâm, khoảng hơn tuần sau là Lam đã quen việc, mà có Lam giúp lại đúng chuyên môn nên công việc của Lâm trôi chảy hẳn; đi công tác ở cơ sở Lâm hay “xung phong” chở Lam đi cùng, mấy anh chị cùng phòng thấy vậy cười đầy ẩn ý, Lam tính từ chối mấy lần nhưng sợ Lâm ngại với mọi người trong phòng nên thôi.

Bề ngoài nhìn Lâm hiền lành, xuề xòa là vậy nhưng khi bắt tay vào công việc rồi thì rất nghiêm túc, quyết đoán, làm chung với Lâm riết rồi Lam cũng bớt “ghét” hắn, đôi lúc đi công tác chung, ngồi sau xe Lâm, Lam thấy len lỏi trong lòng một cảm giác ấm áp và bình yên quá đỗi.

Bữa đó tình cờ chở Lam về tới cổng nhà, cọng thun buộc tóc “giở chứng” đứt ra, tóc Lam xõa ra dài, đen mượt chạm vào tay Lâm, mùi bồ kết, mùi bông bưởi trên tóc Lam phảng phất, anh sững người lại, dịu dàng nhìn vào mắt Lam. Mắc cỡ, Lam chạy vội vào nhà quên một tiếng cảm ơn,… Đêm đó, không hiểu sao Lâm không tài nào ngủ được, không biết tại trăng sáng quá hay tại hương bưởi trên tóc Lam mà lúc nào chập chờn là hình ảnh Lam hiện ra dịu dàng trong giấc ngủ của Lâm.

Chiều cuối tuần, cơm nước xong, chú thím Sáu qua nhà Lam, cô nghe láng máng chú thím nói chuyện với ba má: “Thằng Lâm nhà tui mến con Lam lắm, coi được thì ra giêng hai gia đình mình tiến tới luôn đi anh Hai, vợ chồng tui cũng mong con Lam làm dâu lắm…”, ba cười khà khà đắc chí. Nãy giờ nghe mà gò má Lam ửng đỏ, tay chân đâm ra vụng về, luống cuống. Bên kia, Lâm cũng hồi hộp, đứng ngồi không yên,…

Lam thả bộ ra đám ruộng trước cửa nhà, chiều xuống, xa xa phía chân trời một màu tím thẫm, đám trẻ con bày đủ trò nghịch ngợm trên mấy đám ruộng còn đầy dây đậu khô. Lam ngồi xuống bờ ruộng nhìn đám trẻ vô tư, cô thấy cuộc sống ở quê nhà sao mà bình yên quá đỗi, tự nhiên Lam nghĩ miên man: Con người cho dù đi đâu, làm gì cũng như những dòng sông nhỏ cuối cùng rồi cũng đổ về biển lớn quê hương, Lam cũng là một dòng sông nhỏ đang hòa mình vào quê hương xứ sở góp sức mình làm nên những mùa vui…/.

Khả Tú

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
về quê