Tiếng Việt | English

16/07/2021 - 09:51

WHO cảnh báo nhiều biến chủng SARS-CoV-2 mới nguy hiểm lan rộng trên toàn cầu

Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15/7 cảnh báo sẽ có thêm nhiều biến chủng mới và nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 lan rộng trên toàn cầu, gây khó khăn cho cuộc chiến chống đại dịch.

Lời cảnh báo mới của WHO là một tin buồn đối với những nước đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 do các biến thể mới, trong đó có biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ.

“Đại dịch còn lâu mới kết thúc”, Ủy ban khẩn cấp của WHO cảnh báo trong một tuyên bố ngày 15/7 sau cuộc họp một ngày trước đó.


Các nhân viên y tế tiêm chủng vaccine cho người dân tại Sri Lanka ngày 15/7/2021. Ảnh: AFP

Chủ tịch Ủy ban khẩn cấp của WHO Didier Houssin thừa nhận rằng “các xu hướng gần đây rất đáng lo ngại”.

Một năm rưỡi sau khi WHO lần đầu tiên ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, cấp độ cảnh báo cao nhất, “chúng ta vẫn đang chạy theo loại virus này và nó cũng đang đuổi theo chúng ta”.

Hiện nay, 4 biến thể đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 đang nổi bật trong bức tranh đại dịch toàn cầu gồm Alpha, Beta, Gamma và đặc biệt là biến thể có tốc độ lây lan nhanh Delta.

Tuy nhiên, ủy ban cảnh báo rằng những điều tồi tệ hơn vẫn còn ở phía trước, đồng thời nhấn mạnh, các biến thể mới nguy hiểm hơn có thể xuất hiện và lây lan trên toàn cầu, đem lại nhiều thách thức cho cuộc chiến chống đại dịch.

WHO tuyên bố các biến thể mới này là “đáng lo ngại” vì chúng được nhận định là có khả năng lây truyền nhanh hơn, gây tử vong cao hơn và thậm chí có thể vượt qua hàng rào bảo vệ của vaccine.

Đại dịch vẫn là một thách thức toàn cầu trong khi các nước lại có các nhu cầu xã hội, kinh tế và y tế khác nhau. Những nước được tiếp cận vaccine và có hệ thống y tế tiên tiến đang phải chịu sức ép phải mở cửa xã hội. Trong khi đó, những nước có nguồn vaccine hạn chế lại đang phải chứng kiến làn sóng lây nhiễm mới, gặp nhiều khó khăn về kinh tế và trong một số trường hợp còn khiến bất ổn xã hội gia tăng.

Điều này khiến các nước ngày càng có những quyết sách khác biệt để giải quyết những nhu cầu của quốc gia và gây cản trở cách tiếp cận thống nhất trên toàn cầu trong ứng phó đại dịch.

Việc sử dụng khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên và giưa không gian trong nhà thông thoáng vẫn là những yếu tố quan trọng làm hạn chế sự lây lan dịch Covid-19.

Các chuyên gia WHO cũng nhấn mạnh cần phải tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số mỗi nước trước tháng 9/2021 và các nước giàu cần phải chia sẻ vaccine cho các nước nghèo hơn.

“Các nước đã tiêm chủng cho nhóm dân số ưu tiên của mình và họ được khuyến khích chia sẻ vaccine với những nước bị hạn chế trong việc tiếp cận vaccine trước khi mở rộng chương trình tiêm chủng toàn quốc cho các nhóm có nguy cơ thấp hơn”, các chuyên gia WHO khuyến cáo./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết