Tiếng Việt | English

31/01/2016 - 11:59

Xuân ấm tình người

- Tàu cá về, tàu về rồi tụi bây ơi, mau lên!

Thằng Hiển reo mừng chạy từ dưới bờ sông lên. Ánh mắt sáng ngời niềm vui của nó chẳng mấy chốc đã lan sang những đứa trẻ khác trong xóm Lộ Đình. Cứ mỗi lần đoàn tàu đánh cá về giao cá theo hợp đồng với Cty thủy hải sản, bọn nhóc trong xóm nghèo mừng như sắp được lãnh lương, đối với chúng, phương thức làm ăn theo kiểu “chụp, giựt, chạy” rất hiệu quả. Thủ lĩnh cả bọn 13 đứa là Long Gồ - một thằng bé 14 tuổi, tóc quăn, da ngăm đen, thịt săn chắc như con “cua gạch”. Nó luôn chứng tỏ là đàn anh nhanh nhẹn và tháo vát, giải quyết mọi chuyện đâu vào đấy nên bọn trẻ rất nể nang. Dưới trướng nó còn có ba “vệ sĩ” tinh thông như Linh hí, Tuấn còi, Toàn móm sẵn sàng bảo mật những “chiến lợi phẩm” trước khi chuyển đến nơi an toàn.

Khi các anh ngư dân chuẩn bị chuyển cá lên bờ thì bọn trẻ ùa xuống, đứa khiêng cá, đứa phụ xay nước đá, lựa cá… Trông bề ngoài rất có thiện chí nhưng kỳ thực đó là những chiêu thức “đá cá, lăn dưa” rất hữu hiệu của chúng. Sau những buổi làm ấy là một cuộc chia chát sòng phẳng. Ngoài số cá được ngư dân trả “thù lao” còn có số lượng khác lớn hơn mà chúng đã chuyền nhau cất giấu. Mỗi đợt chia xong, chúng tự đem đi bán cho bà con quanh xóm, đứa nhiều nhất kiếm hơn chục ký cá, đứa ít nhất cũng vài ba ký.


Minh họa: Thiện Mỹ

Lần này nhóm tàu cập bến không phải là những tàu cá quen trước nên thằng Long có chút “e ngại”. Nó không phải là đứa nhát gan nhưng sao hôm nay thấy hồi hộp quá! Càng đến gần đống cá, trống ngực nó đập mỗi lúc mạnh hơn. Nó nhìn quanh như sợ người khác nghe thấy tiếng đập của tim mình. Ở đàng xa, con Tỵ, thằng Quyền đang ngồi lựa cá, mắt cũng ngó láo liên chờ cơ hội, thằng Linh, thằng Tiến lân la chỗ xay nước đá cũng để dò xét địa hình. Đợi người ta không để ý, thằng Long liền chộp ngay con cá lớn trong đống nhưng không có đứa nào đứng gần để nó chuyền đi, nó đành nhảy phóc xuống, một tay ôm cá, một tay bơi vào bờ. Nó đang khoái chí tìm nơi cất giấu thì một bàn tay hộ pháp nắm chặt, lôi xệch nó trở lại con tàu. Anh ta nói như hét vào tai nó:

- Thằng quỷ nhỏ, dám giở trò hả mậy? Tao giao mày cho thuyền trưởng xử để mày biết thế nào là lễ độ!

Nói xong anh ta đẩy thằng Long vào một cái phòng nhỏ phía sau tàu rồi đóng sập cửa lại. Mặt nó không còn chút máu. Nó không ngờ một “đại ca” như nó lại có ngày hôm nay. Vì sợ bị liên can, thằng Quyền vừa chạy đi báo tin với cả bọn vừa ra hiệu… rút lui. Chúng đoán chắc thằng Long thế nào cũng sẽ bị nhừ đòn!

******

Một người đàn ông trung niên cao lớn mở cửa bước vào, thằng Long nghĩ ngay đó là vị thuyền trưởng sắp giáng xuống đầu nó những trận đòn chí tử. Nó nhắm mắt lại, chợt một giọng rất trầm ngoài sức tưởng tượng của nó:

- Em tên gì? Nhà ở gần đây không?

- Dạ em tên Long…

- Em bình tĩnh nghe anh nói nè, anh không làm gì em đâu!

Sau đó anh kể cho nó nghe như đang xem lại đoạn phim quá khứ của mình. Quê anh tận miền Trung xa xôi đất khô cằn, hầu hết người dân sống bằng nghề đi biển đánh bắt cá. Mồ côi mẹ, cha anh nghèo, đi theo tàu đánh cá thuê cho người ta. Lúc đó, những đứa trẻ như anh do gia đình hoặc không có thời gian chăm sóc hoặc quá túng thiếu nên để mặc chúng tự phát triển theo bản năng “bần cùng sanh đạo tặc” – anh là một trong số đó. Anh cũng đã từng đi trộm cá, có lần anh và mấy đứa bạn quá ham lấy cả bao đi bán, không may bị chủ bắt được. Phần thì giận, phần xót của, anh bị người ta đánh gãy xương vai. Từ đó anh đã quyết tâm làm việc bằng chính sức lực của mình. Trải qua bao nhiêu năm nhọc nhằn anh đã trở thành một thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm. Bài học đó đối với anh thật đáng giá! Nhìn thằng Long rụt rè đứng nép ở góc phòng, giọng anh nhẹ nhàng hơn:

- Em cũng giống như anh ngày xưa vậy! Anh rất mong muốn em nên người, em hiểu không?

Thằng Long gật đầu một cách ngoan ngoãn. Lúc này nó mới dám đến gần người thuyền trưởng và nhìn rõ anh hơn. Anh có nụ cười rất đôn hậu, đôi chân mày rậm, nước da ngâm đen, tóc quăn như tóc nó. Trong phút chốc thằng Long có cảm giác nó là người thân chứ không phải tội phạm của anh ấy. Lúc ra về, anh Thành (tên người thuyền trưởng) cho nó thêm mấy con cá biển thật to và không quên nhắc nó chia cho các bạn trong xóm.

Chiều hôm đó, thằng Long kể cho bọn trẻ nghe chuyện về anh Thành như một thần tượng của nó. Bọn nhóc đứa nào cũng tròn xoe mắt ngạc nhiên và thích thú. Tụi nó rất muốn gặp anh Thành một lần cho biết. Từ ngày đó, đoàn tàu đánh cá có thêm những người bạn nhỏ. Chúng thay đổi rất nhiều, ngoan hiền và không còn lấy trộm cá nữa. Những chuyến cá về, chúng nó đều giúp việc cật lực và được thưởng công một cách hậu hỉ…

******

Lần đầu tiên các ngư dân phải giao đợt cá cuối cùng trong những ngày cuối năm, không kịp về nhà đón giao thừa cùng gia đình. Cả bọn thằng Long nảy ra sáng kiến đón năm mới bằng buổi biểu diễn văn nghệ phục vụ những người “bạn” xa nhà của chúng. Gọi là diễn văn nghệ cho “oai”, thật ra chỉ là những tiết mục… nhớ tới đâu hát tới đó, tùy theo khả năng linh động của mỗi đứa. Suốt ngày hôm đó chúng lụi cụi chuẩn bị cho “dàn nhạc sống giang” mà thằng Long điệu đàng dịch là nhạc sống trên sông, còn thằng Toàn thì méo mó giải thích sống giang tức là hát xong rồi sáng… dông tuốt luốt!

Thằng Long chuốt 2 cái dùi đánh trống thật đẹp. Cái trống được làm bằng chiếc can sắt xin được từ vựa phế liệu về. Nó đặt chiếc can nằm xuống đục một lỗ ở giữa, tỉ mỉ căng sợi dây điện từ lỗ thủng kéo xéo cột lên khúc cây được gài chặt vào quai của chiếc can xăng. Bên cạnh là một cái mõ bằng gáo dừa, kết hợp với tiếng khua nắp xoong của thằng Linh tạo ra thứ âm thanh đặc trưng của một giàn trống “độc nhất vô nhị”. Con Tỵ lấy chùm thun dài ngày thường nó chơi nhảy dây cột vào cái chày đâm tiêu làm mi-cờ-rô rất ấn tượng để mỗi khi các “diễn viên” biểu diễn có thể chạy qua chạy lại mà không bị… vấp té.

Bọn trẻ đủ mặt 13 đứa, quần áo chỉnh tề. Thằng Toàn với ngón nghề kha khá được ông Bảy Đờn truyền lại, mở màn bằng một bài độc tấu “Happy new year”, nó vừa chơi guitar vừa kiêm luôn đàn vọng cổ cho con Loan ca mùi dễ sợ! Thằng Tuấn tay cầm micro, tay cầm nón lá chìa ra phía trước nhái giọng miền Trung trọ trẹ hát bài Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà. Mắt nó chớp chớp đóng vai người mù, làm cả bọn vỗ tay rào rào. Mấy anh thủy thủ cũng cười bò càng. Tiếng hát, tiếng cười rộn rã trên sông…

Sáng hôm sau, mỗi đứa trẻ mang về gói quà nặng trĩu khô cá thu của các anh gởi tặng thay lời chúc tốt đẹp trong năm mới “thu hoạch mới”. Suốt đêm không ngủ nhưng ai cũng rạng rỡ nụ cười với niềm vui còn đọng lại…

******

Những đứa trẻ xóm Lộ Đình ngày ấy nay đã trở thành những cô, thầy giáo, những anh công nhân hay những đại gia thành đạt, họ là những bông hoa đầy màu sắc được vun vén từ tình yêu thương của ngày ấy. Cái bến sông đầy kỷ niệm xưa giờ không còn những chuyến tàu cập bến, mọi thứ đã thay đổi theo thời gian, nhưng chắc hẳn những con người năm ấy sẽ không quên được đêm giao thừa đầy ắp tiếng cười, những ánh mắt chan chứa tình thương. Chính tình thương đã thắp sáng lên lòng nhân ái giúp những đứa trẻ lem luốc ngày nào tự tin bước vào đời.

Người xưa có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Mong sao thêm mỗi mùa xuân sẽ thêm nhiều chiếc đèn nhân ái được thắp sáng giữa nhân gian…

Kiều Oanh

Chia sẻ bài viết