Tiếng Việt | English

30/03/2018 - 15:36

Nỗi ám ảnh xâm hại tình dục trẻ em

Chung tay bảo vệ trẻ em

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ năm 2015-2017, toàn tỉnh Long An xảy ra 55 trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục (XHTD). Con số này cho thấy, nguy cơ XHTD trẻ em vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, chung tay bảo vệ trẻ em là việc rất cần thiết.

Trẻ em cần có môi trường an toàn để học tập, vui chơi

Cùng ngăn chặn, phòng ngừa

Theo Sở LĐ-TB&XH, thời gian qua, ngành tuyên truyền, tập huấn các quy định, văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em và quy trình, thủ tục hỗ trợ, can thiệp đối với những trường hợp trẻ em bị XHTD. Ngành tham mưu UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản về bảo vệ trẻ em. Hàng năm, sở đều ban hành văn bản chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn công chức Văn hóa - Xã hội xã, phường, thị trấn tham mưu cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể có kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em bị bạo lực, XHTD; phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể, gia đình và mỗi người dân trong việc phát hiện, tố giác các hành vi bạo lực, XHTD trẻ em.

Kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các trường hợp trẻ em bị bạo lực, XHTD, bảo đảm các em được sống trong môi trường an toàn, được chăm sóc, phục hồi và hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Ngành còn phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, XHTD trẻ em xảy ra ở địa phương; báo cáo nhanh theo đường dây nóng vụ việc nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn.

Trưởng phòng Chăm sóc và Bảo vệ Trẻ em, Sở LĐ-TB&XH - Phan Thị Nguyệt cho biết: “Nhằm kịp thời thông tin trẻ em bị bạo lực, XHTD, sở giới thiệu Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và số điện thoại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh 02723.513.663 để trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin hoặc thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi XHTD trẻ em; phối hợp Công an tỉnh thông tin rộng rãi các số điện thoại nóng tố giác tội phạm qua đầu số 113 để người dân thuận lợi trong việc cung cấp thông tin, phản ánh, tố giác các hành vi xâm hại trẻ em”.

Theo Thạc sĩ Luật Nguyễn Văn Tiệt, thời gian qua, các phương tiện thông tin, truyền thông phản ánh nhiều vụ việc liên quan đến XHTD trẻ em. Trong đó, có nhiều vụ việc chưa được xử lý hoặc xử lý không nghiêm minh gây bức xúc trong xã hội. Tội phạm XHTD trẻ em có xu hướng gia tăng, đối tượng phạm tội, hành vi phạm tội chuyển biến theo nhiều cách khác nhau gây tác động xấu cho xã hội. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy địnhchi tiết hơn về loại tội phạm này, hỗ trợ tích cực quá trình điều tra cũng như xử lý nghiêm minh, góp phần bảo vệ trẻ em. Các tội phạm XHTD được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 gồm 7 điều luật (từ Điều 141 đến Điều 147), trong đó có 5 điều quy định về tội phạm XHTD trẻ em. Về cơ bản, Bộ luật trên thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm liên quan đến XHTD trẻ em.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm, nước ta xảy ra hơn 1.000 vụ XHTD trẻ em. Giai đoạn 2011-2015, cả nước phát hiện 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. 93% nghi phạm trong các vụ XHTD trẻ em là người thân quen với nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, đây chỉ là con số tổng hợp từ các vụ việc được báo cáo, còn con số thực tế vẫn chưa thể xác định bởi còn nhiều gia đình chưa mạnh dạn lên tiếng, tố cáo hành vi XHTD trẻ em. Điều này dẫn đến nhiều tội phạm XHTD vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và có nguy cơ tái diễn hành vi. Vì vậy, gia đình phải là nơi lên tiếng, bảo vệ trẻ em đầu tiên.

Gia đình là chỗ dựa

Theo Sở LĐ-TB&XH, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, quy định của pháp luật, việc quản lý, giáo dục từ phía gia đình cũng là yếu tố quan trọng để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD.

Trưởng phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Sở LĐ-TB&XH - Phan Thị Nguyệt cho rằng, trẻ em dưới 6 tuổi phải có người thân trong gia đình trông giữ, không nhờ người lạ, kể cả hàng xóm giữ giùm. Đối với trẻ em trên 6 tuổi, gia đình phải quản lý con về thời gian học tập, vui chơi, giải trí, mối quan hệ bạn bè, theo dõi, giám sát trẻ trong việc sử dụng điện thoại, xem phim, chơi game bạo lực, kết bạn,... nhằm bảo vệ trẻ không bị xâm hại trên môi trường mạng. Đồng thời, gia đình cần dạy con cách phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi XHTD; khi ra đường nên cho trẻ ăn mặc kín đáo;...

Cũng theo bà Phan Thị Nguyệt, đối với gia đình có trẻ là nạn nhân của XHTD thì phải bình tĩnh, gần gũi, thường xuyên trò chuyện với trẻ. Gia đình chính là chỗ dựa quan trọng nhất về mặt tinh thần của trẻ. Bên cạnh đó, gia đình phải mạnh dạn tố cáo hành vi XHTD của các đối tượng với cơ quan chức năng và cung cấp những thông tin cần thiết, chứng cứ liên quan để xử lý tội phạm. Gia đình cần hỗ trợ về mặt tâm lý, pháp lý thì liên hệ trực tiếp đến Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 hoặc số điện thoại 02723.513.663 của Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh.

“Gia đình có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc là nơi an toàn nhất cho trẻ em, đồng thời giúp trẻ phát triển nhân cách một cách toàn diện. Đây cũng là cách để gia đình bảo vệ con em mình tránh nguy cơ bị XHTD cũng như đẩy lùi tệ nạn này trong xã hội” - bà Phan Thị Nguyệt nhấn mạnh./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích