Tiếng Việt | English

10/09/2019 - 10:05

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử

Hiện nay, Long An tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Qua đó, góp phần xây dựng chính quyền điện tử trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện TTHC.

Những năm qua, tình hình triển khai, ứng dụng CNTT trên địa bàn huyện Cần Đước đã phát huy hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, huyện quan tâm đầu tư xây dựng mạng LAN kết nối Internet, mạng số liệu chuyên dùng cho các cơ quan trực thuộc huyện. Đến nay, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến huyện được trang bị và kết nối từ huyện đến 17 điểm cầu xã, thị trấn; việc ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành được triển khai liên thông giữa UBND huyện đến các phòng chuyên môn. “Huyện tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT giúp các địa phương tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, lưu trú; huy động nhiều cán bộ, công chức dự các cuộc họp và phát huy được ý kiến tập thể; sử dụng nhiều dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết TTHC” - Chủ tịch UBND xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Khắc chia sẻ. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử trong tình hình mới

Tại huyện Cần Giuộc, việc ứng dụng CNTT cũng như ứng dụng chữ ký số vào công việc từng bước nâng cao chất lượng trong việc xử lý công văn, giúp lãnh đạo huyện có thể phân công nhiệm vụ, ký số các văn bản trình ký mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, huyện cũng ưu tiên triển khai hệ thống Một cửa điện tử bước đầu đạt hiệu quả cao. Các văn bản từ khâu soạn thảo đến trình ký, phát hành đều được huyện thực hiện theo đúng quy trình trên phần mềm quản lý văn bản. Qua đó, giúp công tác tìm kiếm văn bản đi, đến được dễ dàng, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác, phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

“Các thông tin về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND huyện; những chính sách, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, quy hoạch; danh bạ thư điện tử và số điện thoại cơ quan được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử huyện và được cập nhật thường xuyên. Đặc biệt, các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng phục vụ công dân, tổ chức đều được triển khai, tích hợp trên Trang thông tin điện tử của huyện, tạo môi trường làm việc công khai, hiệu quả, minh bạch” - Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ.

Thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương các cấp trong tỉnh luôn quan tâm, chủ động đầu tư hạ tầng phục vụ triển khai ứng dụng CNTT. Đến nay, 97% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, xã được trang bị máy tính; 100% sở, ngành, UBND cấp huyện có mạng nội bộ, kết nối Internet bảo đảm đầy đủ cho các thiết bị. Tình hình sử dụng phần mềm đang chuyển biến tích cực qua từng năm. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước tiếp tục duy trì tốt với 71.055/79.178 văn bản đi, đạt 90% (vượt mục tiêu đến năm 2020 của Chính phủ đề ra là 80%), kết nối hệ thống quản lý văn bản của tỉnh với Trục liên thông văn bản Quốc gia, sẵn sàng gửi - nhận văn bản điện tử 4 cấp. 

“Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý nhà nước đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho cả cán bộ, người dân giảm thời gian đi lại và các chi phí không cần thiết. Nếu như trước đây, văn bản chỉ đạo từ huyện đến xã hay báo cáo từ xã gửi lên huyện phải mất vài ngày thì nay, chỉ vài giây nhấp chuột là cơ sở đã nhận được văn bản chỉ đạo; ngược lại, cấp trên cũng nhận được ngay kết quả từ cơ sở” - Trưởng phòng CNTT (Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh) - Tăng Thị Ngọc Em thông tin.

Năm 2018, mức độ ứng dụng CNTT của tỉnh tiến triển vượt bậc, xếp hạng 28 so với toàn quốc, tăng 9 bậc so với năm 2017. Mặc dù hầu hết chỉ số thành phần đều tăng, nhưng vẫn còn một số hạn chế cần sớm được khắc phục, nhất là việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng đầy đủ các chức năng, yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Quyết định số 1697/QĐ-BTTTT, ngày 23/10/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng chính quyền điện tử, nhất là xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung, hoàn thiện cổng dịch vụ công và trung tâm hành chính công tại địa phương, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ. Đồng thời, tỉnh xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển đô thị thông minh; xây dựng các trung tâm quản lý, điều hành, xử lý tập trung dữ liệu đô thị, phấn đấu đưa tỉnh nằm trong top 5 xếp hạng PAR Index, đạt trên 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết