Tiếng Việt | English

14/01/2020 - 15:22

Giữ gìn nét đẹp của tết xưa

Tôi nhớ, lúc còn nhỏ, mới đầu tháng Chạp, nội tôi đã chuẩn bị sắm sửa tết. Thời gian trôi đi, đến nay, tôi vẫn nhớ những kỷ niệm, nét đẹp của những cái tết xưa.
Rằm tháng Chạp, nội chỉ cây mai trước sân nhà, bảo các con cháu cùng nhau ra lặt lá. Cả gia đình quây quần dưới tán mai cổ thụ, vừa lặt lá, vừa tâm sự chuyện cũ, chuyện mới. Đó cũng là một trong những niềm vui không thể nào quên được.

Ngày 23 tháng Chạp, nội xem đó là ngày đầu tiên của tết. Nội bảo tôi đi mua 3 con cá chép để làm ngựa cho “vua bếp” cưỡi lên chầu trời, báo việc bếp núc, làm ăn,… của gia đình trong năm qua. Sau khi cúng bánh, mứt trong bếp, nội thả 3 con cá chép xuống con rạch sau nhà. Hồi đó, tôi còn trẻ con nên nghĩ, mọi chuyện trong gia đình và cả thành tích học sinh giỏi của tôi đều được tâu lên trời. Tôi rất vui và tự hứa sang năm mới cũng sẽ cố gắng học giỏi để cuối năm được “vua bếp” lên trời tâu báo.

Ngày 30 tháng Chạp (30 tết), cả gia đình mặc quần áo mới. Mấy chị em chúng tôi được nội mặc cho bộ quần áo tinh tươm, đẹp. Nội bảo rằng, cả nhà mặc quần áo mới để cúng gia tiên vì theo nội, hương hồn người đã khuất cũng về với con cháu trong dịp tết. Ngoài cúng gia tiên, nội còn cúng nghệ sư, tiên sư, những người truyền nghề cho ông bà từ xưa, thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn.

Dù đang làm gì, ở đâu, ai ai cũng đều mong muốn về sum vầy với gia đình, người thân để cùng đón Tết Cổ truyền của dân tộc. Ba ngày tết dù ngắn nhưng có biết bao kỷ niệm và những phong tục tốt đẹp cần được gìn giữ./.

Nguyễn Minh Khuê

 

Chia sẻ bài viết