Tiếng Việt | English

27/03/2017 - 17:28

Lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước

Chiều ngày 27/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Long An tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN)

Luật TNBTCNN quy định TNBTCNN đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại bồi thường; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

Buổi lấy ý kiến Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

 Theo luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đoàn luật sư Long An), Luật TNBTCNN cần làm rõ thêm khái niệm vật chất và tinh thần bị thiệt hại. Đồng thời, nâng thời hiệu yêu cầu bồi thường của cá nhân, tổ chức ít nhất là 5 năm trở lên và mở rộng quyền người bị thiệt hại (tại khoản 1, Điều 13) quyền yêu cầu cơ quan cung cấp thêm tài liệu chứng cứ (mà không thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

 Trong việc liệt kê những trường hợp nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (TNBTTH) trong hoạt động quản lý hành chính thì thêm quy định và “những trường hợp khác” vì trên thực tế có nhiều vấn đề chưa quy định trong luật nhưng có thể phát sinh trong thực tế.

Theo Chánh án Tòa hình sự Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Long An -Trần Văn Nhậm, cần quy định rõ cơ quan đại diện bồi thường và ghi rõ tại Điều 53, TAND có thẩm quyền xét xử yêu cầu đòi bồi thường. Ngoài ra, luật cần quy định rõ thêm để tránh trường hợp TAND xét xử chính trường hợp đương sự yêu cầu bồi thường thiệt hại do thẩm phán của TAND đó gây ra.

Đại biểu tham gia phát biểu ý kiến

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng: Yêu cầu thực hiện phương án 1, Điều 18: Phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự trong Dự thảo Luật TNBTCNN về “trường hợp tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự…”. Ngoài ra, cần quy định rõ trách nhiệm từng cơ quan để xác định cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường theo nguyên tắc “Cơ quan ra quyết định cuối cùng là cơ quan có trách nhiệm bồi thường”. Đồng thời, thành lập quỹ dự phòng cho công tác TNBTCNN.

 Các đại biểu cũng kiến nghị, những quy định trong Luật TNBTCNN cần phù hợp với những quy định tại luật và bộ luật khác để bảo đảm tính thống nhất. Quy định rõ thêm thiệt hại thực tế và thiệt hại phát sinh (tại Điều 7 và Điều 22)./.

 Hải Đăng

Chia sẻ bài viết