Tiếng Việt | English

02/12/2015 - 09:24

Long An phát sóng truyền hình số mặt đất trước ngày 31-12-2016

Theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất (THMĐ) đến năm 2020, Long An phải kết thúc phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trước ngày 31-12-2016. Hiện Long An đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh việc thực hiện đề án này, giúp người dân tiếp cận theo đúng lộ trình.


Người dân tìm hiểu, lựa chọn tivi có tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất

Số hóa truyền hình mặt đất là gì?

Số hóa THMĐ là quá trình chuyển đổi công nghệ phát sóng và thu, xem từ truyền hình tương tự mặt đất (analog) sang truyền hình số mặt đất (digital). Số hóa THMĐ được thực hiện cả ở phía phát và phía thu. Khi quá trình số hóa hoàn thành, truyền hình số mặt đất sẽ thay thế hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất. Truyền hình tương tự sẽ ngừng hoạt động và đi vào lịch sử như truyền hình đen trắng trước đây được thay thế bởi truyền hình màu.

Quá trình số hóa THMĐ đang diễn ra trên quy mô toàn thế giới vì các lợi ích mà nó mang lại. Truyền hình số đem lại nhiều lợi ích cho người xem như chất lượng cao về hình ảnh và âm thanh, số lượng nhiều kênh, chương trình truyền hình được truyền miễn phí. Ngoài ra, truyền hình số còn có thể cung cấp thêm nhiều dịch vụ tiện ích khác như lịch phát sóng điện tử, truyền hình tương tác.

Thực trạng kỹ thuật truyền dẫn sóng truyền hình hiện nay

Hiện nay, trên địa bàn Long An nói riêng và cả nước nói chung, có 4 phương thức thu, phát truyền hình. Đó là truyền hình tương tự mặt đất (thu bằng ăng-ten dàn hoặc ăng-ten râu), truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh và truyền hình qua mạng Internet. Trong đó, truyền hình tương tự mặt đất chiếm tỷ lệ lớn nhất. Tại Long An, có khoảng 280.000 hộ gia đình, chiếm khoảng 78% số hộ sử dụng truyền hình tương tự mặt đất.

Thời gian qua, truyền hình tương tự mặt đất bộc lộ nhiều hạn chế nhất định như: Kênh, nội dung chương trình chưa đa dạng, phong phú; chất lượng hình ảnh chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giải trí ngày càng cao của khán giả xem truyền hình. Các đài phát thanh và truyền hình vừa phải sản xuất nội dung chương trình, vừa đảm nhận nhiệm vụ phát sóng; sử dụng tần số vô tuyến điện chưa hiệu quả.


Người dân tìm hiểu, lựa chọn tivi có tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất

Đẩy nhanh việc thực hiện truyền hình số mặt đất

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Lê Văn Bích cho biết, tại Việt Nam, quá trình số hóa truyền hình tương tự mặt đất được thực hiện trong 4 giai đoạn. Theo đó, các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ kết thúc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để hoàn toàn chuyển sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31-12-2020. Trong đó, giai đoạn 1 của đề án được áp dụng tại 5 thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ (trước ngày 31-12-2015). Long An là 1 trong 25 tỉnh, thành nằm trong giai đoạn 2 của đề án; kết thúc việc phát sóng các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trước ngày 31-12-2016, để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất.

Thường trực Ban Chỉ đạo đề án số hóa truyền hình Việt Nam cho biết, việc số hóa truyền dẫn, phát sóng THMĐ sẽ giúp người dân được tiếp cận nhiều chương trình truyền hình chất lượng cao hơn, phát trên chuẩn HD, 3D. Bên cạnh đó, việc quy hoạch lại việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình cũng giúp các đài sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện; các đài sẽ có điều kiện tập trung vào sản xuất chương trình, còn việc truyền dẫn phát sóng giao cho các doanh nghiệp.

Để xem truyền hình số mặt đất, người dân đang sử dụng tivi thu bằng ăng-ten phải trang bị thêm một đầu thu truyền hình số (set-top-box). Trên thị trường có nhiều loại set-top-box khác nhau. Các hộ đang sử dụng truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình IPTV không bị ảnh hưởng bởi quá trình số hóa THMĐ. Ngoài ra, trong lộ trình số hóa truyền hình, các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ đầu thu truyền hình số.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội - Hoa Thanh Niên cho biết, theo Kế hoạch 1485 của UBND tỉnh Long An, dự toán kinh phí thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số theo đề án số hóa trên toàn tỉnh khoảng 46,7 tỉ đồng. Trong đó, 37 tỉ đồng dành cho gia đình chính sách; 8,4 tỉ đồng cho hộ nghèo và 11 tỉ đồng cho hộ cận nghèo. Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ các gia đình diện chính sách ở 8 địa phương: Tân An, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Trụ, Thủ Thừa từ ngày 1-1-2016./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết