Tiếng Việt | English

14/10/2019 - 09:15

Nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Mặc dù là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển công nghiệp, song Long An vẫn quan tâm phát triển nông nghiệp, bởi phần lớn dân cư sống ở nông thôn, làm nông vẫn là nghề chính của nhiều hộ gia đình. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 1 trong 2 chương trình đột phá được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra. Chương trình (cũng là đề án của tỉnh) hướng tới mục tiêu: Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đề án này là cú hích trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao đời sống nông dân, tạo động lực xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, qua đề án, người dân hy vọng xóa được điệp khúc “được mùa, mất giá” và tình trạng bị thương lái ép giá từng làm khốn khó nhà nông.

Qua 4 năm thực hiện đề án, toàn tỉnh đã xác định được 4 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC (lúa, thanh long, rau, chăn nuôi bò thịt); năng suất, các giá trị của sản phẩm nông nghiệp cơ bản ổn định. Nhiều mô hình ƯDCNC đã được triển khai thực hiện, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại được tăng cường. Việc giám sát chuỗi sản phẩm an toàn được thực hiện bước đầu có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa. Đề án này lan tỏa sâu, rộng trong cộng đồng nông thôn từ khâu quy hoạch, thủy lợi, liên kết sản xuất đến sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, giống và kỹ thuật chăm sóc,...

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của cả hệ thống chính trị về đề án nông nghiệp ƯDCNC đã chuyển biến rõ rệt. Người dân, các thành phần kinh tế tích cực tham gia, hưởng ứng và rất phấn khởi trước kết quả đã đạt, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện nhiều mô hình, nhiều nhà nông dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, sạch vào sản xuất. Từ đó, nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo hiệu ứng xã hội, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, thiết thực xây dựng nông thôn mới,...

Để chương trình đột phá này phát huy cao nhất hiệu quả KT-XH, sắp tới, tỉnh sẽ quyết liệt tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm. Đó là đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm triển khai sâu, rộng và thiết thực phong trào Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, chú trọng phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp ƯDCNC phát triển; có chính sánh thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, trên cơ sở đó xây dựng, phát triển kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân một cách bền vững, tạo nguồn lực đóng góp xây dựng nông thôn mới. Tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh (lúa, thanh long, rau, chanh, bò thịt, bò sữa). Triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chấp lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của tỉnh. Đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, theo nhu cầu hoặc dự án đầu tư ở nông thôn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.

Trong đó, việc phát huy, nhân rộng, tôn vinh những nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, tích cực ƯDCNC trong sản xuất là phương pháp hay để nhân rộng điển hình, đưa cái tốt, cái tích cực lan tỏa trong xã hội./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết