Tiếng Việt | English

23/02/2018 - 14:04

Thầy giáo bị lừa!

Gom góp tiền dành dụm để mua đất, cất nhà, thầy giáo của một trường THPT thuộc xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An bị lừa vì đối tác nhận tiền nhưng lại không giao đất.

Trường học nơi thầy Linh giảng dạy

Thầy Linh (SN 1987) - giáo viên của một trường thuộc xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, buồn rầu kể lại câu chuyện đau lòng xảy ra: “Tốt nghiệp ngành Sư phạm, tôi về dạy học tại xã vùng sâu, huyện Châu Thành được vài năm. Muốn có nơi ở ổn định lâu dài, sau đó tính chuyện lập gia đình riêng nên tôi tìm mua miếng đất cất nhà, ai ngờ lại bị lừa!”.

Ngoài tiền lương giáo viên, những ngày nghỉ cuối tuần, thầy Linh còn đi tưới, hái thanh long thuê cho nhà vườn để kiếm thêm thu nhập. Tích góp mãi, thầy dành dụm được gần 400 triệu đồng và dùng số tiền này mua miếng đất, xây dựng nhà ở. “Gom góp được bao nhiêu đó đặt cọc cho họ, nhưng cuối cùng tiền mất, đất không có, tôi gởi đơn tố cáo nhưng đến nay, vẫn chưa biết kết quả thế nào” - thầy Linh chua xót nói.

Theo hồ sơ, thầy Linh có giao dịch bằng lời nói với ông M. về việc mua mảnh đất với diện tích gần 200m­2 tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành. Đất này do chị Phạm Thị L. (SN 1980), con gái ruột của ông Phạm Hoàng M. và bà Nguyễn Thị M. đứng tên quyền sử dụng đất cùng chồng là anh Trần Quốc C. Biết nguồn gốc mảnh đất, thầy Linh gặp vợ chồng ông M. cùng chị L. để làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tay. Giá trị mảnh đất được xác định là 312 triệu đồng.

Căn cứ theo hợp đồng, thầy Linh 5 lần trực tiếp giao tiền cho chị L., tổng cộng 276 triệu đồng. Vốn cẩn thận, thầy Linh photo giấy nhận tiền cùng hợp đồng giao dịch mua, bán đất. Hoàn tất hợp đồng mua bán, giao tiền đặt cọc cho vợ chồng ông M. và chị L., thầy Linh yêu cầu họ đưa bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho mình. Nhưng mấy ngày sau, ông M. “trở quẻ” cho rằng, giấy tờ hợp pháp do con gái đứng tên, do đó cần phải đem hợp đồng cho chị L. cùng chồng ký mới đúng trình tự thủ tục.

Tuy nhiên, đây chỉ là lý do để kéo dài việc sang nhượng, sự thật hoàn toàn không như vậy! Mỗi lần hối thúc công chứng các loại giấy tờ liên quan, vợ chồng ông M. cùng con gái viện nhiều lý do để kéo dài thời gian. Ông M. cho rằng, muốn làm giấy nhanh, cách duy nhất là làm thủ tục chuyển tên quyền sử dụng đất từ vợ chồng chị L. sang cho ông M. Sau đó, ông M. sẽ làm thủ tục chuyển qua thầy Linh.

Theo lý giải của ông M.: “Làm cách này thì khi ra phòng công chứng, ký tên thuận tiện hơn”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì thực tế, mảnh đất bán cho thầy Linh bị kê biên bởi quyết định thi hành án của cơ quan thẩm quyền.

Vợ chồng ông M. cùng chị L. đang buôn bán trong căng tin trường nơi thầy Linh đang dạy học. Nhiều lần thầy Linh đòi tiền nhưng cả 3 người cứ cố tình phớt lờ. Mất tiền, mất lòng tin, thầy Linh quyết định gởi đơn tố cáo về hành vi lừa đảo. Mới đây, cơ quan điều tra mời thầy Linh lên lấy lời khai để làm rõ hành vi bán đất ảo cho thầy giáo. Việc xử lý thế nào sẽ được điều tra, làm rõ.

Qua vụ việc trên cho thấy, mọi giao dịch liên quan đến tài sản, bất động sản lớn cần phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, đôi bên cần làm hợp đồng sang nhượng đúng trình tự thủ tục và có người làm chứng thì tốt hơn. Trước khi mua tài sản, phải thăm dò, hỏi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng về nguồn gốc, tình trạng của tài sản cần mua thì mới tránh chuyện “dở khóc, dở cười” như trường hợp thầy Linh./.

(Tên nhân vật được thay đổi).

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết